"Xe tư áp đảo xe công"
Quá tải là hiện trạng của rất nhiều tuyến đường đô thị trên cả nước khi gần như không kham nổi số lượng xe tham gia vận hành giao thông quá lớn và liên tục tăng lên mỗi năm, chủ yếu là xe máy và gần đây ra tăng đáng kể ô tô cá nhân.
Ngày 24-12, hội thảo “Đẩy nhanh phát triển vận tải hành khách công cộng và giảm dần xe cá nhân” diễn ra với sự thống nhất ý kiến của các nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý rằng cần phải đẩy mạnh phát triển phương tiện công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân với tình hình giao thông ngày càng ùn tắc như hiện nay.
TS Hùng cho biết hiện tại thành phố có gần 3,7 triệu xe môtô, gắn máy và gần 370.000 ôtô cá nhân. Mỗi ngày, thành phố có gần 1.000 xe môtô, gắn máy và 100 xe ôtô cá nhân đăng ký mới. Tỉ lệ phân bố xe môtô, gắn máy tại thành phố là 500 xe/ 1.000 dân.
Đến nay, tại thành phố đã có trên 1,2 triệu người sử dụng xe buýt để đi lại mỗi ngày. Thế nhưng so với nhu cầu đi lại của người dân, hệ thống vận tải công cộng chỉ mới đáp ứng khoảng 7%.
Theo ông Tính, chỉ trong 9 tháng đầu 2008, tỉ lệ tai nạn giao thông do xe gắn máy gây ra chiếm 65% số vụ, 65,9% số người chết, 72,4% số người bị thương là quá lớn.
“Giải pháp không thiếu, chỉ thiếu quyết tâm”
Theo đề xuất của Phòng Quản lý vận tải công nghiệp thuộc Sở GTVT TP.HCM, cần áp dụng thu phí môi trường đối với xe cá nhân.
Mức thu phí dự kiến tối thiểu 10.000 đồng/tháng/xe đối với môtô, gắn máy; 20.000 đồng/tháng đối với xe ôtô. Với giải pháp này, mỗi năm, thành phố sẽ có nguồn thu vào khoảng 700- 800 tỷ đồng. Với số tiền này, chính quyền thành phố sẽ có nhiều điều kiện đầu tư cho việc phát triển vận tải khối lượng lớn như metro, xe buýt vận chuyển khối lượng lớn BRT, tramway…
GS-TS Lê Quả, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển GTVT cho rằng cần gây khó khăn cho những người muốn sử dụng xe gắn máy bằng cách giám sát chặt chẽ việc cấp giấy phép lái xe; thuế và lệ phí đối với việc mua sắm xe gắn máy phải được tính vào loại thuế đặc biệt, thậm chí nên xem xét đến việc ai muốn mua xe máy phải đưa xe cũ ra hoán đổi. Ngoài ra, TS Lê Quả đề xuất nên xác định khu vực cấm lưu thông đối với xe gắn máy.
“Nhà nước có chính sách không nhập khẩu xe gắn máy; không khuyến khích hoặc hạn chế phát triển công nghiệp xe gắn máy bằng cách đánh thuế cao xe gắn máy sản xuất trong nước” - TS Phạm Xuân Mai, Khoa kỹ thuật giao thông ĐH Bách khoa TP.HCM nói. “Chính phủ cần xem lại chiến lược đến năm 2020 sản xuất 30 triệu xe gắn máy”.
TS Nguyễn Thị Bích Hằng, ĐH GTVT cơ sở 2 cho rằng, nếu ngay lập tức sử dụng các biện pháp hành chính để hạn chế người dân sử dụng xe cá nhân trong thành phố chắc chắn sẽ vấp phải những phản ứng trái chiều từ người dân và có những ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội.
Theo TS Hằng, việc chính quyền TP.HCM cần làm lúc này không phải là lựa chọn giữa giao thông cá nhân hay giao thông công cộng mà phải tạo ra sự giao thoa, phối hợp nhịp nhàng giữa giao thông công cộng và cá nhân. “Giải pháp không thiếu, chỉ thiếu quyết tâm” - TS Hằng nói.
Đa số các ý kiến tại buổi hội thảo đều thống nhất hạn chế xe cá nhân. TS Phạm Xuân Mai dẫn lời Jamie Lerner, Former Mayor, một chuyên gia giao thông của Curitiba, Brazil: “Một chiếc xe gắn máy giống như mẹ vợ của ta. Chúng ta phải giữ quan hệ tốt với nó nhưng đừng để cho nó điều khiển ta trong cuộc sống”.