- Trong thời kỳ chạy rốt-đa (thường là 1000 km đầu), giữ tốc độ xe của bạn dưới 88 km/h hoặc theo tốc độ mà nhà sản xuất khuyến cáo.
- Tránh gây áp lực lên hệ truyền động, chẳng hạn như kéo thêm rơ-mooc hay chở những đồ vật quá nặng.
- Không để xe bạn trong trạng thái không sử dụng trong một thời gian dài - đặc biệt là trong thời gian chạy rốt-đa, vì áp lực dầu sẽ không đủ để đưa dầu tới mọi bộ phận của động cơ.
- Tăng tốc từ từ, không đột ngột và cố gắng giữ vòng tua động cơ dưới mức 3000 vòng/phút trong vài giờ đầu lái xe.
- Những hành động kiểu rồ ga hay tăng tốc đột ngột sau khi khởi động là cách nhanh nhất để làm giảm tuổi thọ động cơ, đặc biệt là trong thời tiết lạnh.
- Làm nóng động cơ bằng cách chạy không tải không phải là một ý tưởng hay. Động cơ sẽ không chạy ở nhiệt độ cần thiết, làm nhiên liệu không cháy hết, gây muội trong lòng xi-lanh, làm bẩn dầu và dẫn đến hư hỏng cho nhiều chi tiết khác.
- Đối với xe số tự động, nên chuyển về N khi đợi đèn đỏ. Nếu không, động cơ sẽ vẫn cố gắng hoạt động để đẩy chiếc xe lên ngay cả khi chiếc xe đang dừng.
- Tránh lái xe ở tốc độ cao và tăng tốc nhanh, đặc biệt khi trời rất nóng hay lạnh.
- Lái xe cẩn thận nhằm kéo dài tuổi thọ của lốp. Tuân thủ đúng giới hạn tốc độ. Tránh ổ voi, ổ gà và bất kỳ vật thể gì trên đường. Không nên "leo vỉa" khi đỗ xe. Và đương nhiên, không "đốt lốp"!
- Không nên đánh tay lái hết cỡ về hai phía khi cua. Điều này có thể làm hỏng bơm của hệ thống trợ lực lái.
- Tìm một trạm xăng đáng tin cậy và cố gắng luôn luôn đổ ở đó. Điều này đặc biệt quan trọng, khi một loạt vụ cháy nổ xe do xăng "dỏm" đã xảy ra trong thời gian vừa qua.
- Nếu thấy xe bồn đang tiếp xăng ở trạm, tốt nhất bạn nên đổ xăng vào hôm khác hay đi đến trạm khác. Khi xe bồn đổ xăng vào bể chứa, những cặn bẩn lắng dưới đáy sẽ bị xới tung lên. Những cặn này sẽ nhanh chóng làm bẩn lọc nhiên liệu vày gây ra nhiều tác hại tới động cơ.
- Không nên treo chìa khóa xe với nhiều chìa khác. Trọng lượng của cả chùm khóa, cộng với sự rung lắc khi chiếc xe di chuyển sẽ nhanh chóng làm bào mòn những thành phần trong ổ khóa của xe.
- Chọn một hãng bảo hiểm tốt. Những sự cố hay tai nạn luôn xảy ra một cách bất ngờ. Hãy chắc chắn rằng hãng bảo hiểm bạn chọn sẽ trả cho những phụ tùng chính hãng và có trách nhiệm trong việc hồi phục chiếc xe.
- Học cách ghi nhật ký về hoạt động của chiếc xe hàng ngày. Luôn giữ một quyển sổ và một cái bút trong hộp đựng găng tay hay dùng các app ghi chú trên điện thoại hay tablet. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng nhận ra những điều bất thường ở chiếc xe và giúp cho thợ sửa chữa ở garage dễ dàng hơn trong việc "bắt bệnh" chiếc xe của bạn.
(Còn tiếp)
Quang Huy