Chìa khoá thông minh (smartkey) dường như đã quen thuộc đối với người sử dụng xe máy, đặc biệt đối với dòng xe Honda. Giá bán đối với mỗi dòng xe có trang bị smartkey thường đắt hơn các phiên bản thường từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Ví dụ đối với Honda Lead 2018 smartkey có giá 39.290.000 đồng còn phiên bản tiêu chuẩn Honda Lead 125 chỉ có giá 37.490.000 đồng.
Chìa khóa thông minh được mã hóa và nó liên lạc trực tiếp với bộ xử lý trung tâm ECU của chiếc xe. Khi mật mã của chìa khóa thông minh khớp với mã được cài đặt trước bên trong ECU xe mới cho phép người điều khiển thực hiện các thao tác khởi động và vận hành xe.
Ngoài ra khóa chống trộm smartkey còn có thêm một chìa khóa khẩn cấp đề phòng trường hợp điều khiển FOB bị mất hay thất lạc không thể sử dụng được.
Ưu điểm
Khóa smartkey khởi động xe máy bằng cơ chế mã hóa, do đó sẽ loại bỏ được các nguy cơ trộm cắp lấy xe bằng tiếp xúc trực tiếp vào ổ khóa. Nếu không được kích hoạt bằng thiết bị điều khiển FOB thì kẻ gian dù có cố tình vặn cả ổ khóa thì cũng không thể mở được.
Hệ thống khóa smartkey có tích hợp tính năng báo động dù chỉ với các tác động rung lắc hay cố tình di chuyển xe trái phép thì hệ thống sẽ tự báo động để báo cho chủ xe biết. Thêm nữa, khóa smartkey này còn tích hợp tính năng định vị xe như các loại khóa chống trộm khác. Bạn không cần phải tra khóa trực tiếp vào ổ khóa vẫn có thể thực hiện các thao tác mở, khóa cổ xe, bật hoặc tắt khóa điện và mở yên xe.
Ưu điểm tiếp theo của khóa smartkey là tính tiện lợi và sang trọng. Chỉ cần để chìa khóa trong người là có thể nổ máy xe, tương tự tính năng như trên ô tô. Nếu như đánh rơi chìa khóa, bạn vẫn có thể mở bằng mã để khởi động máy bình thường.
Nhược điểm
Ngoài sự tiện nghi mà các hãng xe giới thiệu, thì smartkey cũng có những bất lợi đáng kể. Bởi sự tiện nghi chưa phù hợp khi mà người dùng vẫn đang quen thuộc chìa khóa cơ.
Tình trạng người dùng quên chuyển về chế độ OFF thường xuyên xảy ra khi xe đã dừng hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc không khóa cổ và có khả năng bị dắt đi cao. Thông thường, người dùng để smartkey trong túi áo hoặc túi xách, chỉ khi cần kích hoạt điều khiển xe mới sử dụng tới. Người dùng sẽ điều khiển thiết bị FOB, trộm xe không thể dùng thiết bị bẻ khóa chuyên dụng thông thường.
Tuy nhiên, khoảng cách để kích hoạt smartkey là khoảng 50 m, nếu vô tình bấm nhầm mà quên chuyển về nút OFF cũng sẽ gây tình trạng nguy hiểm. Nếu người dùng không kiểm soát được đồng nghĩa với việc xe đang vận hành bình thường, dẫn tới tiêu hao nhiên liệu. Do đó, người dùng phải đặc biệt lưu ý về tính năng này.
Pin của smartkey theo như giới thiệu của nhà sản xuất có thể kéo dài khoảng hai năm nhưng khi khách hàng mua xe lại không được đại lý hướng dẫn cho trường hợp hết pin thì xử lý như thế nào. Thông thường, như các dòng ô tô, dưới tay nắm cửa sẽ có ổ để tra chìa khóa cơ khi cần thiết. Còn thiết kế của các dòng xe máy Honda không có vị trí này và không bán kèm chìa khóa cơ.
Hay việc để quên, rơi smartkey thì phải xử lý như thế nào? Đối với smartkey, nhiều người rất bối rối khi không biết xe đã khóa hoàn toàn chưa. Trở lại với xe hơi, smartkey khóa xe đơn giản với một nút bấm khóa cửa, an toàn và tiện lợi hơn nhiều.
Ngoài ra, sử dụng smartkey có thể bị nhiễu sóng trong một số trường hợp, như đặt gần smartphone hay laptop, bị che bởi vật kim loại, hoặc ở gần nơi có sóng vô tuyến mạnh. Chìa khóa cơ không bao giờ phải lo lắng tới bất kỳ điều gì kể trên.
Smartkey tuy có sự tiện nghi nhưng vẫn đi kèm với những bất tiện mà nó mang lại. Vì vậy, người dùng cần tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra quyết định lựa chọn xe có smartkey.
Theo GT