Những phân khúc có diễn biến đối lập ở thị trường ôtô Việt Nam

Admin
Trong vài năm qua, thị hiếu người dùng thay đổi khiến xe gầm cao được ưa chuộng nhiều hơn, trái ngược với sự thu hẹp của nhóm ôtô gầm thấp từng có thị phần tốt tại Việt Nam.

Dù phải đối mặt với dịch bệnh kéo dài và tình hình kinh doanh nhiều tháng liền ảm đạm, thị trường ôtô Việt Nam trong khoảng 2 năm qua vẫn chứng kiến sự mở rộng về số lượng sản phẩm cũng như dịch chuyển thị hiếu rõ rệt của người dùng.

Điều này đã tạo nên chuyển biến đối lập ở một vài phân khúc, rõ nhất là tương quan giữa những nhóm xe gầm thấp so với các dòng ôtô gầm cao, từ phân khúc cỡ nhỏ đến hạng trung.

SUV và MPV phổ thông phát triển mạnh

Trong giai đoạn cuối năm 2021, 2 mẫu xe gầm cao gây chú ý hàng đầu tại Việt Nam là Toyota Raize và Kia Sonet. Bộ đôi này đều là tân binh ở nhóm SUV cỡ nhỏ tầm 500-600 triệu đồng và nhanh chóng được nhóm khách hàng trẻ, mua xe lần đầu quan tâm.

Bằng chứng là trong tháng 11 và 12 năm trước, tổng doanh số của Raize đạt 769 chiếc, còn Sonet bán được hơn 1.700 xe, thành tích thuộc diện tốt đối với các sản phẩm hoàn toàn mới.

Cùng với đó, nhóm xe 7 chỗ phổ thông chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể của Suzuki XL7. Năm 2021, Suzuki XL7 có doanh số 5.175 chiếc, cao hơn cùng kỳ năm đầu tiên bán ra ở Việt Nam 16,7%.

Nhờ giá bán cạnh tranh so với Mitsubishi Xpander và ưu điểm về thiết kế, tính tiện dụng, XL7 từng bước được người dùng đón nhận và lựa chọn cho nhu cầu mua xe gia đình tầm 600 triệu đồng.

Trong thời gian tới, Mitsubishi Xpander 2022 cùng 2 tân binh của Toyota là Veloz và Avanza thế hệ mới chuẩn bị được ra mắt ở Việt Nam, hứa hẹn “tăng nhiệt” cho phân khúc xe 5+2 cỡ nhỏ gầm cao.

Mẫu MPV gầm cao Mitsubishi Xpander 2022 có thể sớm ra mắt tại Việt Nam. Ảnh: Mitsubishi.

Trái ngược với sự nở rộ của các dòng xe đa dụng kể trên, dịch bệnh khiến nhu cầu mua xe chạy dịch vụ cùng với xu hướng chọn ôtô gầm cao ngày càng phổ biến nhìn chung khiến sedan và hatchback hạng B bị thu hẹp thị phần.

Đơn cử có Toyota Vios doanh số giảm 34,1%, Kia Soluto bán kém hơn năm trước 46%, Toyota Yaris bán ít hơn năm 2020 khoảng 28,7%. Ngoài ra còn có Suzuki Ciaz và Honda Jazz bị dừng kinh doanh vì các lý do khác nhau.

Số ít tăng trưởng trong năm 2021 vừa qua có Honda City và Mitsubishi Attrage, tuy nhiên mức tăng vài nghìn chiếc của 2 mẫu sedan Nhật Bản này là không đáng kể so với tỷ lệ sụt giảm gần 13,4% của toàn phân khúc.

Ra mắt đời xe mới đầu năm 2021 nhưng Toyota Vios bị giảm mạnh doanh số so với năm 2020. Ảnh: Hoàng Tuấn.

Sedan hạng C lép vế trước SUV đô thị

So với giai đoạn 2018-2019 bùng nổ với doanh số bình quân hơn 40.000 chiếc mỗi năm, 2 năm qua xe gầm thấp hạng C thu hẹp cả về số lượng mẫu mã lẫn doanh số bán hàng.

Sau khi Chevrolet Cruze và Ford Focus lần lượt rút khỏi thị trường Việt Nam, đến lượt Mazda3 liên tiếp rớt phong độ với 2 năm liền tăng trưởng âm và đánh mất vị trí dẫn đầu phân khúc. Các dòng xe khác cũng gặp khó khăn tương tự còn có Hyundai Elantra, Honda Civic và Toyota Corolla Altis.

Đối lập với sắc đỏ toàn tập của các dòng sedan cỡ vừa là sự bùng nổ của loạt SUV đô thị tầm 600-900 triệu đồng. Cái tên hiếm hoi có thể duy trì doanh số ổn định trên 10.000 xe là Kia Cerato/K3. Dù vậy, 2021 vẫn là một năm khó khăn với mẫu xe Hàn Quốc khi kết quả bán hàng thấp hơn năm 2020 khoảng 12,7%, ít nhiều ảnh hưởng đến mức giảm doanh số chung hơn 29% của cả phân khúc.

Tiêu biểu trong số đó là Toyota Corolla Cross và Kia Seltos, 2 dòng xe này chỉ cần hơn một năm để lọt top 10 dòng ôtô du lịch bán chạy nhất thị trường, đồng thời đóng góp lớn vào mức tăng trưởng hơn 83% của nhóm xe gầm cao hạng B.

Năm 2021, thị trường cũng đón nhận nhiều mẫu SUV nổi bật hướng đến nhóm người trẻ dùng chuộng xe gầm cao, danh sách có thể kể đến Mazda CX-3, Mazda CX-30, MG ZS…

Còn trong thời gian tới, Hyundai Kona thế hệ mới nhiều khả năng sẽ được ra mắt để cạnh tranh với Corolla Cross cũng như Seltos trong bối cảnh nhu cầu mua xe gầm cao đô thị tại Việt Nam ngày càng tăng.

Sedan hạng D gặp khó vì xe gầm cao 7 chỗ

Ở tầm giá trên dưới 1 tỷ đồng, sedan cỡ trung đã không còn là ưu tiên hàng đầu khi chọn xe cho gia đình khi ngày càng nhiều mẫu crossover/SUV 7 chỗ có mặt tại Việt Nam và chứng minh được tính đa năng, tiện dụng với người dùng trong nước.

Sau năm 2019 và 2020 duy trì được tổng doanh số hơn 8.000 chiếc, 4 mẫu xe hạng D là Toyota Camry, Mazda6, Honda Accord cùng Kia Optima chỉ có được kết quả bán hàng khoảng 5.500 chiếc, giảm hơn 33% trong năm 2021.

Các dòng sedan hạng D không còn giữ được sức hấp dẫn với khách hàng tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Bối Hạ.

Ngoài lý do khách quan kể trên, việc chậm thay đổi và nâng cấp đời xe mới cũng ít nhiều khiến Camry, Optima hay Accord suy giảm doanh số và thua thiệt trước các mẫu xe gầm cao ở cùng tầm giá trong thời gian dài.

Đến tháng 12/2021, liên tiếp Toyota Camry facelift, Kia K5 (thế hệ mới của Optima) và Honda Accord đời 2022 mới được giới thiệu đến khách hàng trong nước.

Cái tên nổi bật nhất ở phân khúc xe gầm cao 7 chỗ trong năm qua là Hyundai Santa Fe. Ra mắt trong quý II ngay thời điểm dịch bệnh bắt đầu diễn biến phức tạp, Santa Fe vẫn đều đặn ghi nhận doanh số ổn định và chốt sổ với kết quả hơn 12.000 xe, tăng trưởng năm thứ 3 liên tiếp.

Hyundai Santa Fe facelift liên tiếp bán chạy trong các tháng cuối năm 2021. Ảnh: TC Motor.

Đồng hương của Hyundai Santa Fe là Kia Sorento cũng đạt được thành tích đáng kể với doanh số tăng hơn 84% nhờ kiểu dáng bắt mắt và trang bị phong phú. Đây cũng là công thức giúp Santa Fe trở thành mẫu xe gầm cao 7 chỗ bán tốt nhất tại Việt Nam trong 2 năm qua.

Dù các dòng SUV truyền thống như Toyota Fortuner, Mitsubishi Pajero Sport hay Ford Everest suy giảm phong độ, 2 model của Hyundai và Kia vẫn giúp nhóm SUV 7 chỗ duy trì được mức doanh số khoảng 30.000 chiếc trong năm 2021, tương đương với cùng kỳ năm trước.

Zing