Những lưu ý khi vệ sinh khoang máy động cơ ô tô

Admin
Rửa khoang máy bằng nước giúp làm sạch các chi tiết động cơ bị bụi bẩn nhưng nhiều người vẫn lo lắng những tác hại có thể xảy ra khi xịt nước.

Khoang động cơ ô tô bị bẩn có thể khiến quá trình tản nhiệt bị ảnh hưởng, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để chuột bọ vào làm tổ. Ngoài ra, nếu khoang máy quá bẩn còn khiến quá trình kiểm tra phát hiện các sự cố bất thường trong khoang máy gặp khó khăn.

Rửa khoang máy bằng nước là giải pháp hữu hiệu, nhưng nhiều người lo lắng những tác hại to lớn khi xịt nước. Dưới đây là những điều khiến người sử dụng ô tô lo lắng nhất khi làm sạch khoang máy bằng cách xịt nước.

Những dòng xe nào, đời nào thì không nên rửa khoang máy bằng nước?

Khó có một câu trả lời cụ thể dành cho các loại xe nói chung. Nếu xe thường xuyên sử dụng trong điều kiện khắc nghiệt thì có thể dăm bảy năm đã xảy ra hiện tượng lão hóa các chi tiết cao su hay phớt dầu, gây lọt nước khi xịt nước vào khoang máy. Kỹ thuật viên tại xưởng chăm sóc xe sẽ kiểm tra cụ thể để đánh giá.

Các chi tiết nào kỵ nước và cần được bảo vệ khi rửa khoang máy?

Cửa hút gió động cơ cần được che chắn để nước không lọt vò bầu lọc gió. Tiếp đó là kiểm tra và bảo vệ hộp điều khiển động cơ, kiểm tra bộ chia điện, hộp điều khiển ABS, các dây cao áp, các cảm biến. Ngoài ra, trên một số xe, bugi được bố trí trong hốc sâu, không nên để nước chui vào rồi không tự thoát ra được.


Nên rửa khoang máy khi động cơ nóng hay nguội?

Nếu không có gì bất thường ở hệ thống làm mát thì động cơ ô tô luôn được kiểm soát ở nhiệt độ tối ưu, khiến chiếc xe có thể đối mặt với bất kỳ điều kiện vận hành nào, ngay cả khi gặp nước. Tuy nhiên, để an tâm hơn, bạn vẫn nên để máy ngừng hoạt động khoảng 10 phút trước khi tiến hành.

Áp lực nước thế nào là phù hợp và không gây hại cho động cơ?

Nếu xịt rửa két tản nhiệt thì áp lực nước cần vừa phải và phải xịt vuông góc để không làm hư hại các lá tản nhiệt. Một số chi tiết có thể chịu được áp lực nước mạnh như chassis, thước lái, thanh cản, thành lốc máy… Hầu hết các chi tiết còn lại như các đường ống, dây dẫn, máy phát điện,… chỉ có thể chịu được áp lực nước rất nhẹ.


Sử dụng hóa chất gì? Bột giặt hay nước rửa bát được không?

Chỉ sử dụng hóa chất chuyên dùng, được sản xuất bởi các thương hiệu uy tín. Các hóa chất chuyên dùng luôn có công thức đặc biệt để làm sạch các cặn bẩn mà không làm ăn mòn hay gây hại cho các chi tiết máy.

Thao tác đặc biệt để loại bỏ nước ra khỏi các khe kẽ chi tiết?

Vòi xịt khí nén là giải pháp duy nhất để loại bỏ nước ra khỏi các khe kẽ. Cần chú ý đặc biệt những vị trí giắc cắm.

Sau khi động cơ đã được rửa sạch và xịt khô, các trung tâm dịch vụ có thể dùng hóa chất để dưỡng khoang máy, giúp tạo ra một màng mỏng bảo vệ bên ngoài các chi tiết.


Làm sao để biết chắc là động cơ không việc gì sau khi rửa xong?

Thường thì sau khi đã được rửa sạch, xịt khô, bạn có thể khởi động động cơ, nhưng điều quan trọng lúc này là theo dõi trên bảng đồng hồ. Sự cố được ghi nhận (hiếm khi xảy ra) là một số chi tiết hay giắc cắm có thể bị lỏng hay còn đọng hơi ẩm và báo lỗi, thì cần tắt máy ngay lập tức, tiến hành kiểm tra và xử lý (sấy khô nếu cần thiết).

Việc rửa khoang máy nên được tiến hành bao lâu một lần?

Mỗi lần rửa xe hay bảo dưỡng định kỳ, bạn có thể mở nắp máy và tiến hành xịt bụi bẩn bằng vòi khí nén. Không có lời khuyên cụ thể nào về thời gian bạn cần vệ sinh khoang máy, mà hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định hay điều kiện sử dụng của bạn. Bất cứ khi nào thấy khoang máy bẩn là có thể đi rửa.

Nguồn: G.T