Nhiều bất cập trong thu phí bảo trì đường bộ

Svetlauz
“Vì có quá nhiều khoản thu đối với người dân nên cần nghiên cứu kỹ hơn để đảm bảo hợp lý, công bằng”, ông Đặng Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an đã chia sẻ những suy nghĩ của mình với các phương án thu phí bảo trì đường bộ.
Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu ra những bất cập của phương án thu phí bảo trì đường bộ. Đành rằng bảo trì đường bộ đang thiếu tiền và cần tiền để lập quỹ.
 
Vấn đề đặt ra là thu từ nguồn nào, thu như thế nào đảm bảo hợp lý, hiệu quả mà không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của dân, đảm bảo sự công bằng, minh bạch, đúng luật. Mặt khác thu thành quỹ rồi phải chi, chi như thế nào? Đường nào được chi? Hỏng như thế nào mới được chi?...
 
Với phương án thu trên đầu xe có quá nhiều bất cập. Đành rằng sử dụng phương tiện giao thông thì phải đóng phí, nhưng đóng như thế nào cho thỏa đáng, hiện nay có quá nhiều loại thuế và phí đuợc tính trên đầu xe: Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ, phí đăng ký, phí đường bộ thu qua các trạm thu phí, phí bảo hiểm xe cơ giới, phí đăng kiểm, phí môi trường và hạ tầng (thu qua xăng dầu), nay lại thêm phí bảo trì đường bộ, ngoài ra còn có phí đậu xe, phí giữ xe.
 
Làm cách nào để thu phí trên đầu xe được công bằng, không thất thu?
 
Tôi thấy các nước không thu nhiều loại phí như ta, họ mua xe về khi đến đăng ký chỉ đóng một khoản tiền nhất định cho bảo trì và môi trường (khoảng 500 - 1.000 USD). Bất cập thứ hai, thu trên đầu phương tiện có xe to, xe nhỏ, xe tải trọng lớn làm hư hỏng đường nhiều, nhưng cũng có xe không làm hư hỏng đường như xe máy, hoặc chỉ ảnh hưởng không đáng kể như xe con, thậm chí có xe nặng gấp cả trăm, ngàn lần như xe siêu trường, siêu trọng, xe tải hạng nặng là thủ phạm chính làm hư hỏng đường mà mức thu đổ đồng từ 180.000-1.440.000 đồng/tháng là không công bằng, càng không hợp lý khi thu xe máy từ 80.000-150.000 đồng/tháng ở mức bằng 1/10 xe tải, trong khi đó xe máy không làm hư hỏng đường và xe tải nặng gấp trăm, ngàn lần xe máy.
 
Thu phí trên đầu xe còn có bất cập khác là không phải xe máy, xe ôtô nào cũng sử dụng như nhau, có xe đi ít, có xe đi nhiều, có xe chỉ đi ở đường xã, đường thông hay đi trong huyện. Mặt khác làm cách nào để thu phí trên đầu xe được công bằng, không thất thu?
 
Thu qua khi đăng ký thì chỉ thu được xe mới, còn xe đã đăng ký rồi thì thu thế nào? Thu qua đăng kiểm thì hơn 31 triệu xe máy không đăng kiểm sẽ thất thu, ngay cả ôtô có xe 6 tháng, có xe 2-3 năm xe mới đăng kiểm, chẳng lẽ bắt họ nộp trước 2-3 năm.
 
Hay thu qua trạm thu phí, hiện tại cả nước có 57 trạm thu phí trên quốc lộ, có cả tổ chức, cả cá nhân thu (BOT), tỉnh lộ, huyện lộ không thu, xe máy cũng đã bỏ phí qua trạm lâu rồi… Với quá nhiều bất cập nêu trên, phương án thu phí trên đầu xe là không công bằng.
 
Thu qua xăng, dầu có vẻ công bằng hơn, xe dùng nhiều đóng nhiều, xe dùng ít đóng ít. Tuy nhiên cũng không ít bất hợp lý khi thu qua xăng, dầu không sử dụng cho phương tiện giao thông như phục vụ xay xát, máy nổ, máy phát điện, sản xuất v.v… mà sẽ đẩy giá xăng dầu lên cao, hơn nữa chúng ta đã thu qua xăng dầu tiền môi trường, tiền hạ tầng rồi...
 
Vì quá nhiều bất cập trên các phương án thu tiền, và có quá nhiều khoản thu đối với người dân nên cần nghiên cứu kỹ hơn để đảm bảo hợp lý, công bằng.
 

Theo CAND
 
buiyen