Thông tin về giảm thuế nhập khẩu với ôtô du lịch từ năm 2011 - dù chỉ vài phần trăm - đủ khiến những ai có nhu cầu xế hộp “đạp phanh gấp” chờ thêm ít ngày để được hưởng giá rẻ hơn.
Phân khúc xe hạng trung trầm lắng
Theo tổng kết của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), trong 11 tháng của năm 2010, các thành viên của VAMA mới bán được 88.600 chiếc xe các loại, ít hơn con số 92.136 chiếc cùng kỳ của năm 2009.
Trong đó, xe du lịch dưới 9 chỗ mới bán được 44.136 chiếc, so với 46.591 chiếc của 11 tháng năm 2009. Mặc dù có tác động từ việc chờ giảm thuế với xe nhập, nhưng số lượng bán xe giảm của 11 tháng qua cũng nói lên khó khăn của các doanh nghiệp ôtô và phản ánh phần nào khó khăn của người tiêu dùng và doanh nghiệp trong việc mở hầu bao để sắm xe.
Ông Akito Tachibana, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, kiêm Chủ tịch VAMA thừa nhận, tình hình thị trường ôtô năm 2010 khó khăn hơn nhiều so với 2009 do tiếp tục chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và việc Chính phủ chấm dứt gói kích cầu từ tháng 1/2010. Sự khởi sắc về doanh số bán có diễn ra trong tháng 10/2010, ngay trước thềm khai hội Vietnam Motor Show, nhưng chưa thật rõ ràng thì thông tin giảm thuế đã khiến thị trường ôtô trùng lại.
Xe sang tiếp tục đổ bộ
Mặc dù trên bình diện chung, thị trường tiêu thụ có chững lại trong năm 2009, nhưng những siêu xe vẫn nối nhau “hạ cánh” ở Hà Nội hoặc TPHCM. Con số 20 tỷ đồng bao gồm các loại thuế để ra đến biển nội (chứ không phải biển ngoại giao NN hay NG) cho việc rước về “em” Maybach 62S mới đây cho thấy sự chịu chơi của thượng đế Việt !
Để nuôi dưỡng niềm đam mê với siêu xe từ người tiêu dùng, các doanh nghiệp ôtô chính hãng đã không tiếc tiền quảng bá cho sự có mặt nhanh chóng đến tức thời ở Việt Nam của những mẫu xe mới vừa được giới thiệu lần đầu ở thị trường quốc tế. Trong số này phải kể tới SLS AMG có giá hơn 8 tỷ đồng mà Mercedes Việt Nam giới thiệu cách đây 6 tháng. Đây cũng là mức giá kỷ lục của xe chính hãng cho đến thời điểm này. Ông Laurent Ganet, Tổng giám đốc Công ty TNHH Á Châu, nhà nhập khẩu Audi chính hãng cho hay, các nhà nhập khẩu chính hãng đang cạnh tranh mở rộng hoạt động của mình với các showroom mỹ miều.
Với những thượng đế không đủ tiền để sở hữu siêu xe cho riêng mình thì dịch vụ “làm thượng đế một ngày” với siêu xe hoa đón dâu đang dậy sóng. Theo Công ty Tùng Dương (Hà Nội), những siêu xe có giá từ 3 - 5 tỷ đồng này có giá thuê ngất trời với mức có thể lên tới 20 triệu đồng/ngày. Ấy vậy nhưng năm nay lượng khách hàng vẫn tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Đáng chú ý là 70% khách thuê xe xịn là người ngoại tỉnh; chỉ có 30% là ở Hà Nội.
Ì ạch công nghiệp ôtô nội
Trong khi nhu cầu xe ôtô vẫn tăng đều và thị trường đã vượt qua con số 100.000 xe mơ ước thì ngành công nghiệp ôtô nội xem ra vẫn quá lạch bạch.
Không có một dự án mới có số vốn cỡ 100 triệu USD được đầu tư thêm vào thị trường Việt Nam, nơi dân số hiện đã vượt qua con số 86 triệu người và đang được xem là chuẩn bị bước vào giai đoạn phổ cập ôtô, thay thế cho xe máy. Trong khi đó, tại Thái Lan, không chỉ một dự án 450 triệu USD của Ford Motor cập bến mà các tên tuổi khác như Suzuki, Mitsubishi… cũng chọn nơi đây là điểm khởi động trở lại cho các dự án đầu tư thời hậu khủng hoảng - đều có quy mô vài trăm triệu USD mỗi dự án.
Năm 2010 cũng đã trôi qua trong nuối tiếc khi nỗ lực của Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải nhằm “kéo” nhà sản xuất xe con Kia Motor vào đầu tư tại Việt Nam đã không thành. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch kiêm TGĐ của Tập đoàn Trường Hải cho hay, nếu Kia có mặt chính thức với tư cách là nhà đầu tư thì sản xuất ôtô của Trường Hải sẽ có những bước tiến nhất định trong việc sản xuất chứ không chỉ lắp ráp đơn thuần hay dừng lại ở mức nâng cao tỷ lệ nội địa hóa xe tải, xe bus thời gian qua.
Ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, chúng ta còn rất lúng túng trong việc đề ra chính sách đối với ngành công nghiệp ôtô. Sự thay đổi, thiếu nhất quan về chính sách khiến khó mà trách được các nhà đầu tư nước ngoài chỉ tìm cách thu hồi vốn nhanh khiến cho giá ôtô tại Việt Nam vẫn cao ngất ngưởng.
Một ví dụ cụ thể là việc các quyết định tăng, giảm thuế liên tục với sản phẩm ôtô (năm 2007, các thành viên VAMA nộp 1,5 tỷ USD tiền thuế các loại) mà không có lộ trình rõ ràng và dài hơi. Liệu các doanh nghiệp có dám bỏ hàng triệu USD để đầu tư và… chờ tới năm 2018 - thời điểm thực hiện thuế đối với mặt hàng này theo cam kết WTO?
Giá tính thuế ôtô nhập khẩu tăng, thuế giảm
Theo danh mục quản lý rủi ro về giá do Tổng cục Hải quan đang soạn thảo và dự kiến áp dụng cho năm 2011, nhiều loại xe nguyên chiếc mới 100% và xe đã qua sử dụng bị nâng giá lên mức cao hơn từ vài trăm USD đến vài nghìn USD so với bảng giá hiện hành. Đây là cơ sở để hải quan so sánh với giá khai báo của doanh nghiệp khi làm thủ tục nhập khẩu xe. Trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp khai báo không đúng và sau quá trình tham vấn, hải quan có thể sử dụng các mức giá này để tính thuế nhập khẩu.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho hay, bảng giá mới đang xây dựng và dự kiến áp dụng cho các loại xe nhập khẩu năm 2011. Bảng giá này được cập nhật dữ liệu thường xuyên cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó sẽ bổ sung thêm giá các dòng xe mới sản xuất, dòng xe chưa có trong danh mục hiện hành.
Theo DN