Doanh nghiệp làm nên kỳ tích rất ngoạn mục này trong lịch sử phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki, một doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô của thành phố Hà Nội.
Đây cũng là chiếc xe ô tô duy nhất làm tại Việt Nam mà các công đoạn nghiên cứu, thiết kế và chế tạo vỏ xe (yếu tố quyết định nhất để tạo hình hài, kiểu dáng đặc trưng của chiếc xe) do một DN trong nước là tư nhân chủ trì, thông qua hợp tác chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản và một số nước châu Âu.
Đây là thành quả đầu tiên của chiến lược đầu tư tập trung công nghệ cao của Xuân Kiên Vinaxuki bao gồm 14 dự án đã được khởi động từ năm 2008. Dự án xe ô tô con này của Vinaxuki là sự tiếp nối và là kết quả trực tiếp của các dự án công nghệ cao mà Vinaxuki đã triển khai trước đó như: Dự án đầu tư đúc công nghệ cao tại nhà máy đúc Phổ Yên-Thái Nguyên, Dự án đầu tư hệ thống gia công cơ khí kích thước lớn CNC, Dự án đầu tư trung tâm thiết kế phát triển sản phẩm mới, Dự án đầu tư tự động hóa công đoạn hàn, cắt, đột dập, sơn …
Các dự án trên đã lần lượt đưa vào vận hành vào các năm 2010 và 2011. Một loạt thiết bị máy móc hiện đại của các dự án này đã được Vinaxuki đầu tư và đưa vào khai thác như: Hệ thống lò đúc gang hợp kim theo công nghệ mẫu xốp tự hủy furan Nhật Bản; Các trung tâm gia công cơ khí kích thước lớn CNC 4 chiều; Các thiết bị đột dập công suất lớn kích thước lớn; Các hệ thống robos tự động hóa của hãng ABB trong khâu đột dập, cắt laze, plasma; Hệ thống máy dò hình số hóa quét tái tạo dữ liệu 3D; Hệ thống phần mềm thiết kế vỏ xe ô tô chuyên dùng được chuyển giao từ phía Nhật Bản,… Sắp tới, Cty sẽ đưa vào vận hành nhà máy sơn xe cao cấp hoàn toàn tự động hóa theo công nghệ Thụy Điển, Thụy Sỹ và Nhật Bản.
Các chi tiết lốp, la răng chiếc xe trên do DN vốn FDI Hàn Quốc tại Bình Dương sản xuất và cung cấp. Tất cả các chi tiết về đèn do Công ty điện Stanley, một DN vốn FDI Nhật Bản tại Gia Lâm Hà Nội chế tạo và cung cấp. Đây là lần đầu tiên, tại Hà Nội không chỉ có quan hệ hợp tác theo chiều DN trong nước gia công linh kiện ô tô xe máy cung cấp cho DN lắp ráp Nhật Bản mà đã có sự hợp tác theo chiều ngược lại. Động cơ lắp cho loại xe này là của hãng Nhật Bản Mitsubishi liên doanh, là một trong các hãng sản xuất động cơ ô tô hàng đầu của Nhật Bản.
Trao đổi với Phòng Quản lý công nghiệp Sở Công thương Hà nội, ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki cho biết:
Để có một ngành công nghiệp ô tô thật sự thì phải đầu tư dài hạn và tốn kém cho công nghệ cao, cho nội địa hóa. Phải rất quyết tâm nhưng cũng không thể nóng vội và cũng phải chấp nhận sau 3 - 4 năm thì mới có hiệu quả. Tuy nhiên, đó là con đường duy nhất để có một ngành công nghiệp ô tô tự chủ. Hai công nghệ cốt lõi nhất của công nghiệp ô tô là chế tạo động cơ và chế tạo vỏ xe thì Xuân Kiên đều đang triển khai. Tuy nhiên, theo ông Huyên, bên cạnh các tiêu chí về động cơ, tốc độ, nội thất thì tiêu chí kiểu dáng bề ngoài của xe chiếm vai trò rất quan trọng. Đây là lý do đầu tiên để thu hút, giành được sự quan tâm của khách hàng. Một loại động cơ có thể lắp cho 10 loại vỏ xe khác nhau.
Chính vì vậy, Xuân Kiên đã triển khai dự án chế tạo vỏ xe ô tô trước. Riêng về vỏ ô tô con có tới 265 chi tiết cơ khí lớn nhỏ khác nhau. Để làm được nó cần có 400-500 bộ khuôn mẫu đột dập khác nhau với tổng trọng lượng lên đến 1.500 tấn. Một bộ khuôn mẫu vỏ ô tô nước ngoài nếu nhập khẩu có thể lên tới hàng chục triệu USD. Để có một chi tiết vỏ xe hoàn chỉnh phải qua hàng chục công đoạn chế tạo khác nhau. Sau khi làm xong lại phải qua kiểm tra rất khắt khe. Phải thử nghiệm rồi hiệu chỉnh nhiều lần thì mới hoàn chỉnh để đi vào sản xuất hàng loạt. Thị trường ô tô thế giới ngày càng đòi hỏi cao về các mẫu mã mới. Vì vậy, trong hơn 3 năm qua, Xuân Kiên đã tập trung đầu tư để hướng tới tự chủ về thiết kế và chế tạo vỏ xe, cho dù khá tốn kém.
Về chiếc xe con đầu lòng của Xuân Kiên Vinaxuki, ông Bùi Ngọc Huyên cho biết: Xuân Kiên đã nghiên cứu nhiều loại mẫu mã xe, nhất là các mẫu xe từ các cường quốc ô tô như Nhật Bản, Hàn Quốc khi thiết kế loại xe này. Chiếc xe này được thiết kế mới theo đúng qui trình và kỹ thuật thiết kế tiên tiến thế giới, bao gồm cả việc tạo mô hình bằng nhựa, mô hình đất sét do các họa sỹ tạo hình Nhật Bản làm với kích thước 1/3 rồi kích thước 1/1 trị giá tới 600 nghìn USD,... trước khi đi vào thiết kế chi tiết hoàn chỉnh bằng các phần mềm và thiết bị chuyên dụng dò quét tiên tiến nhất.
Theo ông Huyên, chiếc xe này đáp ứng được nhu cầu về kiểu dáng hiện đại, một số chi tiết sườn được tạo hình theo hướng thể thao, chắc và khỏe hơn. Điểm nhấn về nét duyên dáng thanh lịch người Hà Nội được thể hiện tại phần thiết kế đuôi xe. Thị trường hướng tới sẽ là giới trẻ, vì vậy phần nội thất được thiết kế rộng rãi hơn. Mẫu xe đầu tiên sẽ có hai loại. Một loại lắp động cơ dung tích là 1.3, một loại động cơ 1.5, hộp số tự động 4 cấp, 16V mạnh mẽ hơn. Khí thải đạt tiêu chuẩn Euro 4 thân thiện với môi trường hơn. Do đạt được tỷ lệ nội địa hóa rất cao nên giá bán của chiếc xe này sẽ có giá rất cạnh tranh so với các loại xe con tương tự nhập khẩu.
Các nước quanh khu vực chúng ta làm công nghiệp ô tô theo nhiều hướng khác nhau. Thái Lan không đi theo hướng làm xe thương hiệu quốc gia mà tập trung mời gọi các hãng xe Mỹ Nhật Đức vào đầu tư để sản xuất xe trên lãnh thổ của họ và họ chỉ tham gia làm phụ tùng. Malaysia lại tập trung cho làm xe thương hiệu quốc gia thông qua chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Họ đã có những bài học nhất định về thành công cũng như chưa thành công. Là nước đi sau, chúng ta cần tham khảo học hỏi kinh nghiệm của họ.
Việt Nam nên đi theo con đường của Hàn Quốc và Nhật Bản, cho dù lúc đầu phải dựa vào đầu tư và công nghệ các hãng xe lớn nước ngoài nhưng họ luôn hướng tới mục tiêu làm xe thương hiệu riêng của mình. Có làm như thế mới thoát khỏi vị thế làm thuê để chuyển sang làm chủ, mới không bị lệ thuộc. Vị thế hàng đầu hiện nay của Nhật Bản và Hàn Quốc trong công nghiệp ô tô thế giới đã chứng minh hướng đi và cách làm của họ là đúng đắn. Chính bằng lòng yêu nước và tinh thần dân tộc mà họ làm được điều này.
Về tên dòng xe này, ông Huyên cho biết đây là xe ô tô Việt Nam và sẽ được mang thương hiệu của Việt Nam, Công ty đang cân nhắc một số phương án nhưng chắc chắn chữ đầu của tên dòng xe này sẽ là chữ V, cũng có nghĩa là chữ cái đầu của chữ Việt Nam.
Lịch sử công nghiệp ô tô thế giới cho thấy: Để đứng được trên thị trường, một thương hiệu xe phải trải qua một quá trình liên tục hoàn thiện và cải tiến. Đầu những năm 1960, chiếc xe Crown đầu tiên của Toyota xuất sang Mỹ đã bị đánh giá thấp do kiểu dáng không bắt mắt, hay bị tắt máy khi chạy không tải, khi leo dốc bị chảy dầu. Nhưng các phiên bản sau đó dần dần chinh phục thị trường Mỹ, nơi có nền công nghiệp ô tô lâu đời nhất thế giới. Cũng như vậy, vào những năm 1980, chiếc xe Pony của Hyundai Hàn Quốc với hỗ trợ công nghệ của hãng Mitsubishi Nhật Bản khi mới vào thị trường Mỹ cũng bị coi là kém về sức bền và độ tin cậy.
Nhưng tới nay, thương hiệu này đã chiếm được lòng tin của khách hàng Mỹ do chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Chiếc xe con đầu tiên của Việt Nam đã chuyển bánh, nhưng khó khăn thử thách đang chờ đợi ở chặng đường phía trước. Đây có thể xem là cuộc chạy tiếp sức mà để đi đến đích rất cần sự tham gia, nỗ lực của nhiều thế hệ. Sự nghiệp cao cả này rất cần sự khát vọng, quyết tâm, lao động không mệt mỏi của các DN Việt nam như Cty Xuân Kiên Vinaxuki. Bằng sự chinh phục đỉnh vinh quang này mà chúng ta chứng minh tinh thần yêu nước, sức sáng tạo, ý chí tự lực tự cường và trí tuệ Việt Nam với thế giới. Sự nghiệp này rất cần sự hỗ trợ và chung sức của Nhà nước đối với ngành công nghiệp non trẻ này. Sự nghiệp này đặc biệt rất cần sự ủng hộ, chia sẻ của người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Ông Huyên cho biết đã có nhiều khách hàng đặt mua, Công ty dành ưu đãi về giá, bảo hành dài hạn, một chuyến du hành xuyên Việt với nhiều hoạt động tích cực, được đài thọ chu đáo.
Theo tapchicongnghiep.vn