Honda bị phạt đến 10% doanh thu nếu 'liên minh làm giá'

Admin
Vẫn có thể xử lý Honda nếu chứng minh được Honda và HEAD có sự “liên minh làm giá". Theo Luật Cạnh tranh, trường hợp vi phạm này sẽ bị phạt tối đa 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi.

Đó là nhận định của ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT), Bộ Công thương liên quan đến hướng xử lý vụ Honda LEAD sốt giá thời gian qua.

Xử được chỗ này, ... hổng chỗ khác

Trả lời phỏng vấn Phóng viên cách đây ít lâu, Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh Đặng Hoàng Hải cho biết, Cục đã phát hiện chi tiết mâu thuẫn trong hợp đồng (*) ký kết giữa Honda VN với các HEAD, đó là Honda tuy một mặt đề xuất bán theo giá Hãng đề nghị, song mặt khác, lại chỉ coi các HEAD là nhà phân phối.

Các cơ quan quản lý vẫn đang tỏ ra lúng túng trong việc xử lý vụ Honda LEAD. (Ảnh Khánh Hoà).

Theo Luật Cạnh tranh, khái niệm phân phối và đại lý hoàn toàn khác nhau. Nếu là đại lý thì HEAD bán hàng theo giá của hãng và chỉ ăn hoa hồng mà không được quyền tăng giá bán. Còn nếu là nhà phân phối thì họ có thể mua một sản lượng nhất định của Honda sau đó bán với giá tuỳ thích.

Tuy nhiên, có lẽ nhờ sự "lập lờ" này trong hợp đồng của Honda và HEAD đã khiến cho các cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam hết sức lúng túng vì xét ở góc độ pháp lý, nếu trám được chỗ này thì... hổng chỗ khác. 

Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm

- áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng

- Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hoá, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng

- áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh.

- áp đặt điều kiện cho DN khác ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc DN khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.

(Trích Điều 13 Luật Cạnh tranh 2004)

Đơn cử, nếu Cục Quản lý cạnh tranh kết luận Honda vi phạm thì Honda sẽ viện dẫn: Khi Honda bán sản phẩm cho HEAD thì sản phẩm đó đã trở thành tài sản của HEAD chứ không còn là của Honda nữa. Do đó, Honda không có quyền quyết định giá với tài sản của HEAD vì tất cả HEAD đều là những công ty độc lập với Honda.  

Tuy nhiên, theo ông Hải, hợp đồng lại có điều khoản yêu cầu các HEAD phải cam kết bán theo giá Honda đưa ra. Nếu dựa vào cơ sở này để cho rằng Honda vi phạm thì theo Luật Cạnh tranh, lại phải chứng minh được Honda chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường. (Theo Luật Cạnh tranh, một DN chiếm thị phần từ 30% trở lên được coi là vị trí thống lĩnh trên thị trường).

Về vấn đề này, ông Đặng Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục QLCT cũng thừa nhận, để chứng minh một sản phẩm có vị trí thống lĩnh thị trường là hết sức khó khăn, đòi hỏi tốn rất nhiều công sức, thời gian, nhất là với chế độ sổ sách, kế toán và thống kê hiện nay ở Việt Nam, không dễ để có thể tính toán và xác định thế nào là chiếm lĩnh thị phần, độc quyền hay lạm dụng vị trí thống lĩnh.

"Đến bây giờ vẫn chưa có một thống kê, phân tích đánh giá Honda có vị trí thống lĩnh thị trường vì hiện nay thị trường xe máy ở Việt Nam có thể nói là hết sức đa dạng, nhiều hãng, chủng loại phong phú. Việc chứng minh được Honda vi phạm là rất khó", ông Hải thừa nhận.

Phạt đến 10% doanh thu nếu "liên minh làm giá"

Cùng quan điểm này, ông Vũ Bá Phú, Cục phó Cục QLCT cho rằng, hiện nay nhiều tập đoàn kinh tế đang nắm thị phần chi phối nhưng có phạm luật hay không còn phụ thuộc vào việc có xác định được “hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh” hay không.

Ngoài ra, thông thường, câu hỏi này cũng chỉ được đặt ra khi có ai đó khiếu kiện các tập đoàn này lên Cục Quản lý cạnh tranh.

Nhưng tại Việt Nam, đây là vấn đề quá mới mẻ, nên theo ông Phú: “Nhiều DN thậm chí còn không biết ai được quyền khiếu kiện, quy trình kiện ra sao... mà một trong những điều kiện để xử lý các vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh là phải có đơn khởi kiện của các DN hoặc cá nhân”.

Song, ông Vũ Bá Phú cho rằng, vẫn có thể xử lý nếu chứng minh được Honda và HEAD có sự “liên minh làm giá”.

Theo Luật Cạnh tranh, trường hợp này sẽ bị phạt tối đa 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi.

(*) "Trong hợp đồng ký với HEAD, Honda ghi rất rõ là HEAD phải bán theo giá của hãng Honda đưa ra. Song, trong nội dung ghi tại hợp đồng, Honda lại chỉ coi các HEAD là nhà phân phối, có thể bán với giá tuỳ thích"

Điều 10. Hành vi thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp 1. Phạt tiền đến 5% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp là các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thoả thuận áp dụng thống nhất mức giá với một số hoặc tất cả khách hàng;

b) Thoả thuận tăng giá hoặc giảm giá ở mức cụ thể;

c) Thoả thuận áp dụng công thức tính giá chung;

d) Thoả thuận duy trì tỷ lệ cố định về giá của sản phẩm liên quan;

đ) Thoả thuận không chiết khấu giá hoặc áp dụng mức chiết khấu giá thống nhất;

e) Thoả thuận dành hạn mức tín dụng cho khách hàng;

g) Thoả thuận không giảm giá nếu không thông báo cho các thành viên khác của thoả thuận;

h) Thoả thuận sử dụng mức giá thống nhất tại thời điểm các cuộc đàm phán bắt đầu.

2. Phạt tiền từ 5% đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp là các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên đối với một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hàng hoá, dịch vụ liên quan là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi và các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ;

b) Doanh nghiệp vi phạm giữ vai trò tổ chức, lôi kéo các đối tượng khác tham gia vào thoả thuận.

3. Ngoài việc bị phạt tiền theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều này, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, bao gồm cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm;

b) Buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc giao dịch kinh doanh.

(Trích Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/09/2005 quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh)

autovina