Người bán dửng dưng, kẻ mua giành giật
Tại những bãi đỗ xe ôtô hợp pháp trên các phố Đinh Tiên Hoàng, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm), Ngọc Khánh (quận Ba Đình), Hàng Chuối (quận Hai Bà Trưng)… trước đây thường xuyên xảy ra tình trạng ôtô dừng, đỗ tùy tiện; nhưng sau khi Nghị định 34/CP chính thức có hiệu lực, trong đó tập trung xử lý các trường hợp xe ôtô dừng, đỗ sai quy định, gây cản trở giao thông, tình trạng trên cơ bản được cải thiện.
Tuy nhiên, do các điểm dừng đỗ này chỉ đủ chỗ cho vài ba chục xe ôtô, nên các "thượng đế" hàng ngày phải “khổ sở” đi sớm, về sớm để “xí chỗ” đỗ xe, chậm chân là hết chỗ, muộn làm, không có thời gian ăn sáng, uống càphê. Đây đang là nỗi khổ của người giàu.
Thực tế này khiến nhiều người có ôtô có sáng kiến cho xe chạy lòng vòng, chui vào các ngõ nhỏ, phố nhỏ xung quanh phố lớn tìm chỗ gửi xe, vừa tránh vi phạm, tránh cảnh sát giao thông, vừa tạo điều kiện cho nhiều điểm đỗ nhỏ lẻ phát triển. Và cuộc giành giật từng mét vuông điểm đỗ xe trong phố nhỏ bắt đầu diễn ra, kéo theo nhiều hệ quả.
Điểm dừng, đỗ xe trên phố Lý Thường Kiệt từ 8 giờ sáng, phần đường dành đỗ ôtô đã nêm cứng, trên vỉa hè hàng trăm xe máy ken đặc. Anh Hữu Sơn (ở phố Điện Biên Phủ) đang cho xe chầm chậm lăn bánh trên phố Lý Thường Kiệt muốn gửi xe đã nhận được một lời từ chối khéo từ nhân viên trông xe.
Chui vào phố nhỏ Nguyễn Khắc Cần-Phạm Sư Mạnh tìm chỗ, mặc dù chỗ đỗ không còn nhiều, xe đỗ xếp hàng kín vỉa hè, nhưng được nhân viên tại đây hét “30.000 đồng/xe/3 tiếng” (bình thường chỉ có 10.000 đồng), không gửi thì thôi mà cũng chẳng có vé gửi. Vậy là anh Sơn đã phải chạy xe ra điểm trông xe trên đê Trần Quang Khải, sau đó đi xe ôm đến công sở trên phố Trần Hưng Đạo.
Điều đáng nói là tình trạng ôtô lui vào các phố nhỏ, ngõ phố hẹp để đỗ xe đang khiến những con phố này bị “thắt cổ chai.”
Do lượng xe ôtô đỗ xếp hàng kín vỉa hè, lòng đường, người đi bộ buộc phải đi ra giữa đường và vô tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong khi Nghị định 34/CP cũng quy định xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm này.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp trông xe không có vé, còn khiến Nhà nước thất thu một khoản thuế không nhỏ. Đối mặt với tình trạng khan hiếm chỗ đỗ xe, nhiều người có ôtô giờ ngậm ngùi đi xe máy, hãn hữu mới ngồi “xế hộp” lên phố.
Khảo sát các điểm trông giữ xe tại các quận nội thành, câu hỏi đầu tiên mà các nhân viên trông xe hỏi lái xe là “thời gian gửi bao lâu?”, nếu lâu hơn 3 tiếng đồng hồ chắc chắn sẽ bị từ chối.
Trong khi đó, hiện nay không còn một điểm đỗ ôtô nào trên phố được cấp phép mới, kể cả những tuyến phố dài với hàng chục trụ sở cơ quan, siêu thị, cửa hàng kinh doanh có mặt tiền trên phố. Điều đó gây bức xúc rất lớn cho các chủ phương tiện ở chính những tuyến phố đó và từ nơi khác đến làm việc trên những phố này.
Theo Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, đơn vị đang quản lý 159 điểm đỗ xe, với diện tích gần 24ha. Với diện tích như vậy, các điểm đỗ xe mới chỉ đạt 0,45% quỹ đất xây dựng đô thị dành cho giao thông tĩnh hiện nay.
Trong đó, chỉ có 6 điểm đỗ được quy hoạch gồm: Ngọc Khánh, Dịch Vọng, Gia Thụy, Nam Thăng Long, Mỹ Đình 1 và 2 với diện tích 14,4 ha, với sức chứa chỉ khoảng 2.500 xe. Còn lại hầu hết các điểm đỗ xe hiện nay trên các phố trông cậy chính vào các tuyến phố đó và cũng chỉ đáp ứng được chỗ cho khoảng 7.500 xe, tổng cộng chỉ khoảng 10.000 xe có chỗ đỗ.
Còn theo phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, đến hết tháng 4/2010, Hà Nội đã đăng ký khoảng 310.000 xe ôtô, cộng với khoảng 50.000 xe ôtô ngoại tỉnh thường xuyên hoạt động trong thành phố, nâng số ôtô tại Hà Nội thường xuyên lên con số 360.000 xe. Con số 10.000 chỗ đỗ/360.000 xe cho thấy các điểm dừng, đỗ xe hiện chỉ như "muối bỏ bể” ở Hà Nội.
Khốc liệt còn kéo dài
Với những thực tế rõ ràng trên, “cuộc chiến” tìm chỗ đỗ xe ôtô tại Hà Nội sẽ còn tiếp tục kéo dài, chưa có hồi kết.
Theo các chuyên gia giao thông Hà Nội, với điều kiện hạ tầng các tuyến phố thuộc các quận nội thành như hiện nay thì không thể quy hoạch điểm dừng, đỗ phương tiện, vì quỹ đất dành cho hệ thống giao thông tĩnh quá thấp.
Đơn cử như tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên... các tuyến giao thông được quy hoạch từ cách đây hàng chục năm, nếu áp dụng cho mật độ phương tiện giao thông thời điểm này là rất khập khiễng, bởi lẽ tốc độ gia tăng phương tiện hiện nay quá nhanh so với sự phát triển đô thị, việc quy hoạch thêm các điểm dừng, đỗ trong nội thành sẽ gây áp lực cho giao thông nội đô, dễ dẫn tới ùn tắc.
Chưa hết, có một bất cập lớn nữa là ngoài nhiều người có ôtô hiện không dám tham gia giao thông vì phải "mỏi mắt" tìm chỗ đỗ xe, thì lượng taxi hoạt động tại Hà Nội lại đang quá lớn, khiến cho giao thông thủ đô thêm bế tắc.
Hiện nay có khoảng 34 điểm đỗ xe tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, trong đó quy định các taxi chỉ được dừng đỗ không quá 15 phút/lần. Chính vì vậy, tình trạng taxi dừng, đỗ tùy tiện, chiếm chỗ các điểm đỗ xe hiện có trong thành phố hay chạy lòng vòng bắt khách, cộng với lượng taxi dù hoạt động dày đặc, đang khiến các cơ quan liên quan “đau đầu” khi giải bài toán quy hoạch điểm đỗ xe ôtô của Thủ đô.
Theo VietNam+