Đồng thuận giảm thuế TTĐB với xe 5 chỗ

Admin
Tại phiên thảo luận ở tổ chiều 21/10, đa số các ĐB Quốc hội đều thống nhất với dự thảo của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), theo đó giảm thuế suất xuống 40% với ôtô từ 5 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh từ 2.000 cc trở xuống.
Sau khi có ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, mức thuế suất mới nhất trong dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) với ôtô các loại được Chính phủ trình trước Quốc hội đã giảm đúng 10% so với dự thảo trước đó, cụ thể từ 5 chỗ ngồi trở xuống và có dung tích xi lanh từ 2.000 cc trở xuống là 40%; dung tích xi lanh trên 2000 cc đến 3000 cc có thuế suất là 50%  và loại có dung tích xi lanh trên 3000 cc có thuế suất là 60%.
Như vậy, theo dự thảo, thuế suất thuế TTĐB của xe 5 chỗ ngồi trở xuống giảm 10% so với quy định hiện hành, trong khi các loại xe từ 9 chỗ trở xuống sẽ tăng thêm 20-30% tuỳ theo dung tích xi lanh. Riêng ôtô từ 10 đến dưới 16 chỗ ngồi và từ 16 chỗ đến dưới 24 chỗ ngồi vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành, tương ứng là 30% và 15%.
 

Đa số đồng tình với dự thảo giảm thuế TTĐB với xe 5 chỗ trở xuống

Theo ĐB Ngô Thị Doãn Thanh, ĐB Vũ Thị Hồng Hà ( cùng đoàn Hà Nội), hiện nay ôtô mặc dù chưa phổ biến nhưng không còn là sản phẩm quá xa xỉ, hơn nữa khi đời sống của người dân được nâng nên thì nhu cầu sở hữu một chiếc ôtô để đi lại là chính đáng, vì thế đối với xe từ 5 chỗ trở xuống nên điều chỉnh giảm thuế xuống 40% như quy định của dự thảo.
Trước đó, đa số các thành viên của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng tán thành với việc giảm thuế suất xuống 40% vì cho rằng, việc giảm thuế đối với loại xe có dung tích nhỏ sẽ tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội mua xe ôtô, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, việc phân biệt xe ôtô có phân khối nhỏ chịu mức thuế suất thấp hơn xe ôtô có phân khối lớn như quy định của Dự thảo luật là hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế (xe có dung tích trên 2000 cc đến 3000 cc thuế suất là 50%; xe có dung tích trên 3000 cc thuế suất là 60%).
Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến không đồng tình với quy định tại dự thảo. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng trong bối cảnh cơ sở hạ tầng của chúng ta còn nhiều bất cập, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra thì việc giảm thuế với xe từ 5 chỗ trở xuống sẽ không hợp lý. "Trong khi thu nhập của người dân chưa cao, theo tôi để đảm bảo nguồn thu ngân sách và định hướng sản xuất, tiêu dùng, nên giữ nguyên mức thuế suất 50% với xe 5 chỗ trở xuống"- bà Hường nói.
Đối với xe từ 9 chỗ trở xuống, ĐB Ngô Thị Doãn Thanh cũng đồng tình với dự thảo vì cho rằng đối tượng sở hữu những chiếc xe này thuộc diện có thu nhập cao trong xã hội, do đó cần đánh thuế cao để điều tiết thu nhập xã hội.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc tăng thuế suất đối với loại xe ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh trên  2000 cc đến 3000 cc và xe có dung tích xi lanh trên 3000 cc là hợp lý vì đây là loại xe có phân khối lớn, chủ yếu được tiêu dùng bởi tầng lớp dân cư có thu nhập cao. Do vậy, việc tăng thuế suất sẽ góp phần điều tiết thu nhập, hướng dẫn tiêu dùng và bảo đảm tính công bằng đối với dòng xe có phân khối nhỏ hơn.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị có lộ trình áp dụng, nhằm một mặt vẫn đáp ứng yêu cầu điều tiết thu nhập, song mặt khác, không gây đột biến cho thị trường, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo của Chính phủ, việc thực hiện theo các mức thuế suất như dự thảo Luật sẽ không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước đối với loại xe từ 5 chỗ ngồi trở xuống mà còn có lợi hơn (giảm từ 50% còn 40%), trong cơ cấu xe sản xuất trong nước loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cc chịu mức thuế suất tăng từ 50% lên 60% chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 3% số lượng xe sản xuất và tiêu thụ thuộc diện chịu thuế TTĐB).
Đối với xe từ 6 đến 9 chỗ ngồi sẽ chịu tác động của việc điều chỉnh cách tính thuế nêu trên do mức thuế suất dự kiến được điều chỉnh tăng từ 30% lên 40%, 50% và 60% tuỳ theo dung tích xi lanh. Tuy nhiên, trong từng doanh nghiệp sản xuất xe ô tô hiện nay đều có sản xuất cả loại xe từ 5 chỗ ngồi trở xuống và xe từ 6 đến 9 chỗ do đó về cơ bản sẽ không ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh. Mặt khác, loại xe từ 6 đến dưới 9 chỗ có dung tích trên 3.000 cc với mức tăng thuế cao nhất (từ 30% lên 60%), hiện trong nước sản xuất không đáng kể, chiếm khoảng 0,8% số xe sản xuất trong nước thuộc diện chịu thuế TTĐB.
Chính phủ cũng dự kiến thực hiện phương án này, số thu ngân sách Nhà nước từ thuế TTĐB đối với ôtô dự kiến sẽ tăng khoảng trên 700 tỷ đồng/năm, trong đó số thu từ thuế TTĐB đối với xe sản xuất trong nước tăng khoảng trên 400 tỷ đồng/năm.
autovina