Theo lý lẽ của các hãng này, đối với cả hai trường hợp sản xuất lắp ráp trong nước và nhập khẩu xe nguyên chiếc, việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng trên tổng giá trị của một chiếc xe thành phẩm, bao gồm tất cả chi phí và mức lợi nhuận từ nhà sản xuất – dù trong hay ngoài nước – trước khi giao hàng cho nhà phân phối bán lẻ.
Trong trường hợp nhập khẩu xe nguyên chiếc, các nhà sản xuất đa số là các công ty nước ngoài tính phí bảo hiểm và vận chuyển đối với từng chiếc xe cho nhà nhập khẩu/phân phối. Các đơn vị sản xuất và nhập khẩu xe nguyên chiếc là 2 đơn vị khác nhau hoạt động theo điều khoản hợp đồng. Giá trị CIF được sử dụng trong cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đã bao gồm các chi phí sản xuất và marketing cũng như lợi nhuận khi bán cho các nhà nhập khẩu.
Trong trường hợp các đơn vị lắp ráp trong nước, các đơn vị sản xuất tính phí bảo hiểm và vận chuyển các bộ phụ tùng cho các đơn vị lắp ráp ở Việt Nam. Các đơn vị sản xuất nắm giữ quyền kiểm soát của các đại lý lắp ráp qua việc trở thành cổ đông. Chi phí của các bộ phụ tùng, chi phí lắp ráp trong nước và chi phí marketing là nền tảng cấu thành nên giá trị của sản phẩm cuối cùng và chính giá trị này được sử dụng để tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Cũng giống như trường hợp các đơn vị nhập khẩu nguyên chiếc, giá trị này bao gồm chi phí của các nhà sản xuất (chi phí phụ tùng + chi phí lắp ráp) và chi phí marketing cũng như lợi nhuận khi bán cho nhà phân phối.
Điều mà các nhà sản xuất này đang muốn đề cập đến chính là quy định “giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (có thời hạn và lộ trình) cho các loại xe dưới 10 chỗ, có dung tích xy lanh đến 2.000cm3 để kích cầu tiêu dùng” trong Dự thảo Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đang được Bộ Công Thương hoàn tất trình Thủ tướng Chính phủ. Các doanh nghiệp này muốn “xóa bỏ câu văn” trên.
Theo như ông Dương Đình Giám - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương thì ban đầu Dự thảo Quy hoạch đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt cho các loại xe sản xuất trong nước, song vấp phải phản ứng của một số doanh nghiệp, vì cho rằng như thế là vi phạm cam kết quốc tế về phân biệt đối xử. Cuối cùng, Ban soạn thảo đã đưa ra phương án mức thuế giống nhau cho cả xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu, nhưng sản phẩm sản xuất trong nước được giảm giá trị tính thuế.
Như vậy, có thể nói xe nội địa vẫn tiếp tục được bảo hộ so với xe nhập. Vậy nhưng, các doanh nghiệp trong nước vẫn ký “đơn tập thể”, cho rằng như vậy là ưu đãi cho đối thủ cạnh tranh.
(theo Pháp Luật Việt Nam)