Trong cuộc họp báo ra mắt sản phẩm vào cuối năm 2005, lãnh đạo Honda cho biết các túi khí hoạt động tốt nhất trong các tình huống va chạm trực diện ở tốc độ tối đa 50km/h và hãng dự kiến sẽ ứng dụng trên nhiều mẫu mô-tô, nhưng trước tiên là với Gold Wingm vì những hạn chế về thiết kế của các mẫu xe khác.
Honda cũng khẳng định rằng mô-tô phải đủ nặng để người lái không bị văng qua cả túi khí ra khỏi xe khi xảy ra va chạm. Hệ thống túi khí này cũng không thể ứng dụng cho các mẫu xe kiểu dáng thể thao, vì để túi khí phát huy hiệu quả, người điều khiển phải ngồi ngả về phía tay lái.
Nhiều năm đã trôi qua kể từ khi Honda ra mắt túi khí dùng cho mô-tô, và nhà sản xuất Nhật Bản vẫn tiếp tục nghiên cứu cải tiến hệ thống. Các chuyên gia của Honda vẫn đang tiến hành các thử nghiệm va chạm để tiếp tục cải tiến hình dáng, vị trí và điểm neo giữ túi khí trên xe mô-tô.
Dựa trên một phân tích số liệu thống kê về các vụ tai nạn, cho thấy nhiều trường hợp thương tích hoặc tử vong do tai nạn xe máy xảy ra khi người lái va đập vào xe khác, mặt đường hoặc các vật thể khác sau khi đâm trực diện, Honda đi đến kết luận rằng vai trò của túi khí trên mô-tô là giảm động năng của người lái khi họ bị lao về phía trước.
Honda cho biết hệ thống túi khí cho mô-tô của họ chỉ nổ trong trường hợp đâm trực diện mạnh, khi cảm biển phát hiện lực tác động vượt giá trị định sẵn trong bộ điều khiển. Về nguyên tắc, túi khí này sẽ không nổ trong các trường hợp đâm bên hông hay ở đuôi xe, hoặc khi xe đổ. Vì một vụ va chạm có thể liên quan đến nhiều yếu tố, như góc tác động hay xe chui xuống dưới xe tải, nên túi khí loại này không thể giúp giảm thương tích trong tất cả mọi trường hợp tai nạn. Túi khí có thể cũng sẽ nổ khi bánh trước sa vào hố hoặc rãnh sâu, đâm mạnh vào lề đường hoặc các vật thể khác.
Cơ chế hoạt động
Về cơ bản, có 5 bước liên quan đến cơ chế hoạt động của túi khí dùng cho xe mô-tô khi xảy ra va chạm.
Có 4 cảm biến va chạm được gắn 2 chiếc vào mỗi bên phuộc trước của mô-tô, còn mô-đun túi khí - gồm túi khí và thiết bị bơm hơi được bố trí ở phía trước ngồi lái, và ECU túi khí nằm ở bên phải mô-đun.
Trước tiên, các cảm biến va chạm phát hiện thay đổi về gia tốc của xe do lực tác động phía trước. Sau đó, ECU túi khí phân tích các tín hiệu do các cảm biến truyền về để xác định xem có cần bơm túi khí không. Nếu kết quả là có, túi khí sẽ được bơm phồng và chỉ mất 0,015 giây để kích hoạt túi khí.
Khi túi khí đã bung, nó sẽ hấp thụ động năng của người lái khi anh/cô ta lao về phía trước. Túi khí tiếp tục hấp thụ động năng bằng cách cho khí thoát ra qua các lỗ xì hơi ở hai bên túi khí.
Hoàng Phát