Ai cũng biết ngủ gật khi lái xe là một việc hết sức nguy hiểm. Nhưng làm cách nào để kiểm soát cơn buồn ngủ không cưỡng nổi sau vô lăng ? Hãy sử dụng một thiết bị mang tên: máy chống ngủ gật. Và bạn sẽ tự cứu mình khỏi mọi nguy cơ tai nạn do ngủ gật gây ra.
Không phải lúc nào chúng ta cũng duy trì sự tỉnh táo khi điều khiển vô lăng. Đôi khi do công việc áp lực, do mệt mỏi vì thiếu ngủ triền miên...bạn có thể buộc phải lên xe với đầu óc gà gật. Nếu tiếp tục lái xe khi không thể làm chủ cơn buồn ngủ ập đến, bạn sẽ đối mặt với rất nhiều hiểm nguy. Một cuộc thăm dò tiến hành bởi Tổ chức chăm sóc giấc ngủ quốc gia Mỹ (National Sleep Foundation) cho thấy 60 % người Mỹ ngủ gật khi lái xe, 37 % thú nhận không tỉnh táo sau vô lăng trong năm qua. Đây là điều hết sức nguy hiểm bởi theo Cục An toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA), ngủ gật khi lái xe là nguyên nhân dẫn tới hơn 100.000 vụ đụng xe và khiến trên 1.500 người tử vong mỗi năm. HIểu rõ điều này, các nhà sản xuất đã thiết kế một thiết bị giúp các tay lái kiểm soát tình trạng mơ màng khi làm chủ vô lăng: máy chống ngủ gật khi lái xe.
Có hai dạng thiết bị giúp phát hiện dấu hiệu ngủ gật: dạng đeo lên tai lái xe và dạng gắn trên xe như một hệ thống hỗ trợ người lái nhận biết dấu hiệu buồn ngủ. Dạng thứ nhất có ưu điểm rẻ, dễ sử dụng. Tại Mỹ, các lái xe chỉ việc bỏ ra khoảng 10 tới 20 USD (tương đương 222.000 - 444.000 đồng) để sở hữu máy chống ngủ gật đeo tai của những nhãn hiệu như Nap Zapper, No Nap hay Doze Alert. Bất cứ khi nào lái xe có dấu hiệu ngủ gật, máy sẽ phát âm thanh cảnh báo để đánh thức.
Thiết bị nhỏ bé này có thể cứu nguy lái xe khi họ có dấu hiệu ngủ gà ngủ gật
Về cấu tạo, máy chống ngủ gật đeo tai được làm từ vật liệu dẻo siêu nhẹ với phần móc cài qua tai giống như tai nghe nhạc headphone. Khi được kích hoạt, chức năng cảm biến bên trong máy sẽ đo góc vuông khi đầu thẳng. Thiết bị báo động thông báo góc đo ở mức 0o khi lái xe tỉnh táo (đầu giữ ở tư thế thẳng). Khi người lái có dấu hiệu gà gật, đầu ngả xuống, góc đo của máy cảm biến tự động tăng từ 0 - 15 hay 30o, máy lập tức phát âm thanh để cảnh báo người dùng. Âm thanh này được thiết lập đủ lớn để đánh thức lái xe song không quá chói để tránh tình trạng người đeo choàng tỉnh và nhấn nhầm ga hay bẻ vô lăng do giật mình. Bạn có thể điều chỉnh âm lượng của máy đeo tai này.
Đây là hệ thống hỗ trợ an toàn nhỏ gọn nhưng tiện lợi để đánh thức lái xe đang "say giấc"
Dạng thiết bị chống ngủ gật thứ hai là hệ thống được lắp trên xe, với camera và màn hình cảm biến. Có thể kể tới một số hãng xe sang đã sử dụng hệ thống tiện dụng này như:
Hãng Mercedes-Benz: Thiết bị Attention Assist sử dụng bộ điều khiển động cơ để giám sát các thay đổi về điều khiển vô lăng và hành vi lái xe của người ngồi trên xe, báo động khi cần thiết.
Hãng Lexus: gắn camera tại bảng táp lô để quan sát gương mặt của lái xe thay vì hành vi của người đó, cảnh báo lái xe khi phát hiện dấu hiệu buồn ngủ.
Hãng Volvo: Hệ thống Driver Alert Control cũng chính là hệ thống cảnh báo sai làn: giám sát và hỗ trợ lái xe đi đúng làn đường, cảnh báo khi phát hiện dấu hiệu lấn làn.
Hãng Saab: sử dụng hai camera tại buồng lái để quan sát cử động mắt của lái xe, cảnh báo bằng thông điệp chữ tại bảng táp lô và thông điệp âm thanh nếu lái xe vẫn buồn ngủ.
Nếu bạn có điều kiện kinh tế, thiết bị chống ngủ gật lắp trên xe là lựa chọn thông minh
Thiết bị chống ngủ gật trên xe có giá thành cao hơn so với máy đeo tai, đặc biệt camera tại bảng táp lô. Tuy nhiên, cho hiệu quả cao hơn, chính xác hơn. Vì thế, đây cũng là sự lựa chọn của những lái xe có điều kiện về kinh tế và dám đầu tư "mạnh tay".
Và bất kể bạn chọn máy chống ngủ gật theo cách nào, lời khuyên đưa ra luôn luôn là: Hãy ngủ đủ giấc. Không bao giờ liều lĩnh cầm lái khi có dấu hiệu mơ màng !
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn đang không tỉnh táo khi lái xe, theo chia sẻ của Tổ chức chăm sóc giấc ngủ quốc gia Mỹ:
Bạn không thể tập trung, mắt nháy liên tục và khó mở mắt
Bạn mơ màng cả ngày, đầu óc bị phân tán, xao động
Bạn không thể nhớ số km hành trình vừa trải qua
Bỏ qua các dấu hiệu hoặc cảnh báo giao thông
Ngáp không dừng và dụi mắt liên tục
Không thể giữ đầu thẳng
Đi chệch làn đường, lái xe chệnh choạng
Cảm thấy mệt mỏi, khó chịu
Nếu bạn đang mắc phải một trong những biểu hiện nói trên, cần nhanh chóng dừng xe để bảo vệ tính mạng của bản thân và người khác.
Theo Howstuffworks