Chưa thu phí hạn chế phương tiện năm 2012

Svetlikj
(Autovina) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trong cuộc họp báo trưa nay (1/4) song ông vẫn tỏ rõ quyết tâm theo đuổi việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông khi tuyên bố “chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân về đề án này”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 3 diễn ra vào trưa nay (1/4), Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết hiện Bộ GTVT đang tiến hành đề xuất thu 3 loại phí liên quan đến phương tiện giao thông gồm: phí bảo trì đường bộ, phí hạn chế phương tiện vận tải cá nhân (ô tô cá nhân và xe máy người dân ở nội độ 5 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ),  phí lưu hành ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

“Trước mắt không có chuyện thu phí đối với tất cả xe máy trên cả nước” - Bộ trưởng Thăng nêu rõ.

Chưa thu phí hạn chế phương tiện giao thông trong năm 2012

Theo ông Thăng, việc đổi tên từ phí lưu hành phương tiện thành phí hạn chế phương tiện cá nhân là điều chỉnh sau khi Bộ GTVT tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, về tên chính thức của loại phí này, theo ông Thăng, phải chờ quyết định của Chính phủ và Quốc hội. 

Ông Thăng cho biết cả 3 loại phí mà Bộ GTVT đề xuất đều không phải là sáng kiến của Bộ GTVT. Phí bảo trì đường bộ dự kiến áp dụng từ 1/6/2012 là thực hiện theo Luật Đường bộ; 2 loại phí còn lại - phí hạn chế phương tiện vận tải cá nhân và phí lưu hành ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm - là thực hiện theo Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quộc hội khóa XIII.

Bộ GTVT đang tính toán để thu thêm 3 loại phí mới đối với phương tiện giao thông

“Đây không phải là sáng kiến của Bộ GTVT mà thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết 13 Hội nghi Trung ương 4. Căn cứ vào các yếu tố trên, Bộ GTVT cùng Bộ Tài chính, Bộ Công an… xây dựng đề án thu phí là một trong những giải pháp hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông” - Bộ trưởng Thăng nói.

Tuy nhiên, theo ông Thăng, do chưa chuẩn bị kịp nên việc thu phí bảo trì đường bộ đã không thực hiện đúng lịch trình. Đặc biệt, ông Thăng nhấn mạnh: “Hiện vẫn chưa quyết thời điểm thu phí hạn chế phương tiện vận tải cá nhân và phí lưu hành ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vì cần thời gian chuẩn bị và vì nền kinh tế đang khó khăn nền cần chậm lại. Thời điểm nào sẽ thu phí chưa thể khẳng định nhưng chắc chắn không thể trong năm 2012”.

Cũng theo ông Thăng, kết quả thống kê cho thấy có 600.000 ô tô cá nhân sẽ phải chịu tác động của phí hạn chế phương tiện vận tải cá nhân. Tuy nhiên, sau khi có nhiều ý kiến đóng góp từ nhiều phía, Bộ GT-VT đã điều chỉnh hạ mức phí đối với loại phí này so với mức thu từ 20-50 triệu đồng/xe như lúc đầu. Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất đối với ô tô dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống sẽ nộp phí 10 triệu đồng/xe/năm; từ 1.000 cm3 trở lên là 15 triệu đồng; trên 1.500 cm3 là 20 triệu đồng và từ 2.000 – 2.500 cm3 mức thu sẽ cao hơn.

Ngoài nhiều khoản phí, ô tô cá nhân có thể phải chịu thêm khoản phí hạn chế phương tiện ít nhất 10 triệu đồng/tháng

“Đối với phí hạn chế phương tiện dành cho xe máy, hộ nghèo sẽ được miễn và việc thu phí giao cho HĐND các địa phương quyết định mức thu và thời điểm thu” - Bộ trưởng Thăng cho biết.

Về 2 loại phí trên, Bộ GTVT đã trình đề án lên Chính phủ và Chính phủ sẽ xem xét cụ thể để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì 2 loại phí này không nằm trong Pháp lệnh Phí và lệ phí, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung thì Chính phủ sẽ quyết. Về chủ trương, Quốc hội đã biểu quyết thông qua với tỉ lệ rất cao.

“Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân về đề án này” - ông Thăng quả quyết và cho biết phương thức thu được tiến hành khi xe đi đăng kiểm.

Trả lời câu hỏi về việc Bộ GTVT dự tính số ô tô sẽ giảm đi bao nhiêu trong tổng số 600.000 xe tại các TP lớn khi áp dụng 2 loại phí mới, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay 3 tháng đầu năm 2012, sau khi có thông tin về thu phí thì số lượng xe sẽ giảm nhưng thực tế, số ô tô đăng ký mới lại tăng 11,4% và xe máy tăng tới 13,76% so với cùng kỳ năm 2011.

“Điều này cho thấy chỗ cần hạn chế vẫn hạn chế, nơi có nhu cầu xe thì vẫn gia tăng. Nhưng việc thu phí sẽ có thêm nguồn thu để tổ chức giao thống tốt hơn, hạn chế được tai nạn… nên dù có thu phí người dân vẫn sẵn sàng. Hơn nữa, có thêm kinh phí đầu tư hạ tầng như Hà Nội có thêm 50 cây cầu vượt giống như 5 cây cầu đang xây dựng thì sẽ hết sạch cảnh tắc đường” – ông Thăng lý giải.

Trả lời tiếp câu hỏi “khi người dân đã nộp phí thì họ cũng phải sử dụng phương tiện, chứ chẳng ai để xe ở nhà?”, ông Thăng nói: “Ai không có việc thì ra đường làm gì đâu?”.

Về việc người dân đóng phí phải chăng chỉ nhằm hạn chế mà không phải được nâng chất lượng dịch vụ, ông Thăng cho biết việc thu phí nhằm đa mục tiêu, vừa hạn chế phương tiện nhưng đồng thời nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ, các giải pháp an toàn giao thông…

Trả lời phóng viên về việc Bộ trưởng có lường đến tình huống Quốc hội sẽ không thông qua đề án thu phí, ông Thăng chia sẻ: “Chính phủ hoặc Quốc hội cũng có thể không thông qua nhưng trách nhiệm của bộ thì bộ phải đề xuất”.

Theo Người Lao Động

cuongvc