>> xem Chặng đường 96 năm của "Cánh chim không mỏi" Mazda P1
Hơn 90 năm qua, cùng với việc tạo dựng chỗ đứng vững chắc trong ngành công nghiệp ôtô, Mazda cũng liên tục làm mới mình trong những xu hướng thiết kế khác nhau. Hãng xe Nhật đã trải qua 5 nền tảng thiết kế để làm ra các sản phẩm thật sự giá trị.
Những dấu mốc quan trọng trong nền tảng thiết kế:
1. Nền tảng đầu tiên: Kiểu dáng power training package của những năm 60:
Mazda là hãng xe có lịch sử thiết kế Motion design (thiết kế chuyển động) từ lâu đời. Vào năm 1960, nền tảng này được bắt đầu với mẫu xe R 360 của hãng. Tiếp đó là dòng xe cosmo sport - một dòng xe thể thao ứng dụng động cơ pít tông quay đầu tiên trên thế giới và Mazda đã áp dụng nền tảng power training package lên các thiết kế thời kỳ này. Đây cũng được xem là giai đoạn sơ khai cho những tác phẩm sau này của Mazda.
Sự hợp tác với hãng động cơ Wankel của Châu Âu vào đầu thập niên 60 cũng tác động phần nào tới phong cách thiết kế của Mazda. Hãng xe Nhật luôn nỗ lực phát triển động cơ pít tông quay thương hiệu Wankel như một cách khẳng định sự khác biệt so với nhiều doanh nghiệp ôtô Nhật Bản lúc bấy giờ.
R 360 Coupe là mẫu xe xây dựng trên nền tảng power training package - nền tảng thiết kế đầu tiên của Mazda (Ảnh: Test-drivez)
Cosmo Sport 1967, mẫu xe được sản xuất với số lượng hạn chế, là mẫu xe đầu tiên sử dụng động cơ pít tông quay của Mazda. Động cơ này hiện vẫn được hãng xe Nhật áp dụng trên thế hệ RX-8 và Mazda trở thành nhà sản xuất động cơ Wankel duy nhất tại Nhật Bản.
Cosmo Sport phiên bản 1967 là chiếc xe được sản xuất với số lượng giới hạn của Mazda (Ảnh: Mad4wheels)
Các mẫu xe sử dụng động cơ xoay nhanh chóng trở nên phổ biến nhờ công suất lớn và trọng lượng nhẹ nếu so với các động cơ pít tông V6, V8 cồng kềnh sản sinh công suất tương đương. Những mẫu xe như R100 và thế hệ RX nổi tiếng (RX-2, RX-3, RX-4) đã giúp Mazda gặt hái thành công và bắt đầu được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Trong năm 1968, Mazda bắt đầu sản xuất chính thức tại Canada dù đã từng góp mặt tại thị trường này vào đầu năm 1959.
2. Ảnh hưởng từ trào lưu Âu - Mỹ thập niên 70:
Như đã nói trong phần trước, những năm 70 là giai đoạn Mazda bắt đầu tìm kiếm thị trường lớn cho những sản phẩm của mình. Mỹ là đối tác quan trọng của hãng xe Nhật thời kỳ này. Vì lẽ đó, các mẫu xe của Mazda chịu ảnh hưởng phong cách các kiểu dáng xe Âu - Mỹ.
Vào năm 1970, Mazda chính thức gia nhập thị trường Mỹ và nhanh chóng thành công. Sản phẩm của hãng là mẫu Mazda Rotary Pickup được người dân Bắc Mỹ đón nhận. Ngày nay, Mazda vẫn là nhà sản xuất duy nhất của các dòng pickup truck (bán tải) sử dụng động cơ Wankel đồng thời là hãng xe duy nhất chế tạo xe buýt động cơ xoay (điển hình như mẫu Mazda Parkway) hay dòng xe station wagon (như các thế hệ RX-3, RX-4 tại thị trường Mỹ).
Mazda RX-4 rotary wagon 1974, một mẫu xe nằm trong giai đoạn thiết kế thứ hai của Mazda với hơi hướng Âu - Mỹ (Ảnh: Curbsideclassic)
Mazda tiếp tục nền tảng động cơ xoay cho tới khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ nổ ra vào năm 1973. Người Mỹ và khách hàng năm châu nhanh chóng chuyển sang xài xe tiết kiệm nhiên liệu và những mẫu xe sử dụng động cơ xoay không còn được quá "cưng chiều" như trước đây. Tuy nhiên, Mazda không vì thế "quay lưng" với động cơ pít tông khi tiếp tục sản xuất một loạt sản phẩm vận hành nhờ động cơ 4 xylanh trong suốt những năm 70. Thế hệ Familia nhỏ gọn được xem là hết sức quan trọng, góp phần vào doanh thu toàn cầu của Mazda sau năm 1973, cũng giống như các mẫu xe trong gia đình Capella.
Mazda Familia Presto 1973, một thành viên trong gia đình Familia sử dụng động cơ 4 xylanh của Mazda (Ảnh: Motorshout)
Không muốn bỏ đi hoàn toàn động cơ xoay, Mazda một lần nữa quyết tâm làm mới lại các mẫu xe sử dụng động cơ xoay theo hướng xe thể thao. Bắt đầu từ mẫu RX-7 siêu nhẹ năm 1978 và tiếp đó là RX-8 phiên bản mới, Mazda không ngừng nỗ lực tạo nên những tác phẩm độc nhất vô nhị.
Cú hích này đã cho ra đời một thế hệ xe thể thao siêu nhẹ mới: Mazda Roadster chạy pít tông mà ngày nay thế giới vẫn biết tới với tên gọi MX-5 hay Miata. Đây là những chiến binh thể thao lấy cảm hứng từ mẫu concept 'jinba ittai'. Trình làng vào năm 1989, Roadster được đánh giá là mẫu xe làm hồi sinh khái niệm xe thể thao cỡ nhỏ sau sự biến mất vào cuối những năm 70.
MX-5 Roadster 1989 là mẫu xe chạy pít tông được đánh giá cao của Mazda (Ảnh: Satro-sb)
Hỗn loạn và suy giảm tài chính trong suốt những năm 60 đã dẫn tới mối quan hệ hợp tác giữa Mazda và Ford Motor Company. Bắt đầu từ năm 1979, khi Ford giành 7% vốn tài chính và cộng tác với hãng xe Nhật trong nhiều dự án. Những năm 80 cũng là giai đoạn Ford giành thêm 20% cổ phần và ảnh hưởng lớn tới các thiết kế của Mazda thời kỳ này (các thế hệ Mazda B-Series được thiết kế với biến thể Ford Courier tại Bắc Mỹ). Nền tảng Familia của Mazda cũng được sử dụng cho các thế hệ Ford như Laser hay Escort, trong khi hơi hướng Capella có thể được nhận diện trên các mẫu Telstar sedan và Probe sports model của Ford.
3. Thập niên 90, Mazda ứng dụng rộng rãi ngôn ngữ thiết kế Nagare:
Nagare concept là ngôn ngữ thiết kế được ứng dụng rộng rãi trên các mẫu xe Mazda kể từ năm 1990 (Ảnh: Caranddriver)
Kể từ năm 1990, kiểu dáng thể thao của MX-5 vẫn thu hút người hâm mộ với ngôn ngữ thiết kế Nagare. Cái tên "nagare" có nghĩa là "dòng chảy" và xuyên suốt toàn bộ ngôn ngữ thiết kế này là sự chuyển động không ngừng. Ngôn ngữ này được thiết kế bởi Laurens van den Acker, giám đốc thiết kế toàn cầu của Mazda lúc bấy giờ và nhóm cộng sự cấp cao tại Irvine, California. Với cương vị trưởng nhóm thiết kế Nagare quốc tế, công việc chính của Laurens là thiết kế và sau đó phụ trách kỹ thuật. Sau này Ikuo Maeda là người kế nhiệm Laurens.
Một mẫu xe thể hiện tinh thần Nagare tại triển lãm Los Angeles International Auto Show 2006 (Ảnh: En.wikipedia)
Nagare là tổ hợp các tỷ lệ và ngôn ngữ bề mặt sẽ xuất hiện trong các thiết kế của tương lai. Nagare là hiện thân của ánh sáng, bóng đêm và hé lộ các xu hướng thiết kế của những năm sắp tới. Khi ngắm nhìn các mẫu xe theo phong cách Nagare, người ta có cảm giác không có ranh giới rõ ràng và toàn bộ chiếc xe giống như một dòng chảy chuyển động liên tục. Kính chắn gió có kích thước rộng, trải dài, gần như hòa mình vào đường vòm mái xe phía trên. Bánh xe và la zăng lớn, "hầm hố", tạo nên tổng thể đầy kiêu hãnh cho chiếc xe. Cửa xe giống như "tàng hình" và trải rộng dọc cabin xe như đôi cánh của một con bướm.
Bước vào trong xe, bạn sẽ bắt gặp ghế lái xe đặt chính giữa phía trước cabin với 3 ghế hành khách phía sau. Toàn bộ không gian nội thất nổi bật bởi những đường lượn ê líp, cuộc dạo chơi của những sắc màu đậm-nhạt, bảng táp lô, đồng hồ công tơ mét...tất cả toát lên tinh thần của một chiến binh thể thao. Ngoài ra, bánh xe cũng được "đẩy" ra xa để tăng tốc độ vô lăng và toát lên tinh thần thể thao mạnh mẽ.
Các xe theo phong cách thiết kế Nagare sở hữu nội thất hoàn toàn đột phá (Ảnh: Carbodydesign)
Hết phần 2
Tổng hợp theo Dailynewsdig, Wikipedia