Các loại xe máy điện tại Việt Nam hiện nay khác nhau điểm gì?

Admin
Thời gian qua xuất hiện hàng loạt mẫu xe máy điện tại Việt Nam. Tuy nhiên không phải mẫu xe nào cũng có cấu tạo, thiết kế giống nhau.

Xe máy điện VinFast Klara

Thị trường xe máy điện tại Việt Nam trước đây được coi là sân chơi của các mẫu xe Trung Quốc thì nay dần trở nên sôi động với sự xuất hiện của hàng loạt hãng xe trong và ngoài nước. Nổi bật nhất là thương hiệu VinFast với sản phẩm xe máy điện đầu tay Klara. Sau VinFast, một hãng xe máy điện của Hàn Quốc là Zio Motors cũng bắt đầu giới thiệu sản phẩm xe máy điện của mình tại Việt Nam và dự kiến sẽ bán ra trong năm 2019. Hay mới đây, hãng xe điện Pega cũng để lộ thông tin về một mẫu xe máy điện mới sắp ra đời, cạnh tranh trực tiếp với VinFast Klara với tên gọi NewTech.

Tuy nhiên, không phải xe máy điện nào cũng có cấu tạo và trang bị giống nhau. Bên cạnh chất lượng, độ bền hay thiết kế, các loại xe máy điện hiện nay được chia thành nhiều loại.

Xe máy điện động cơ trong trục bánh xe và động cơ ngoài bánh xe

Xét về cấu tạo, xe máy điện tại Việt Nam hiện nay sử dụng phổ biến là loại có động cơ đặt bên trong trục bánh xe, từ xe máy điện Trung Quốc cho đến VinFast. Tuy nhiên, chiếc xe máy điện Zio Motors giới thiệu tại Việt Nam lại sử dụng động cơ nằm bên ngoài bánh xe.

Xét về cấu tạo, theo ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT), công nghệ đặt động cơ tại trục bánh xe hiện nay khá phổ biến và thiết kế đơn giản. Còn theo ông Đào Xuân Hải, Phó phòng Chất lượng xe cơ giới (VAQ) - Cục Đăng kiểm VN, động cơ đặt trong trục bánh thì truyền trực tiếp vào trục bánh nên dễ dàng thiết kế và sửa chữa.

Còn theo PGS. TS Tạ Cao Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ (CTI), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, về bản chất, động cơ trên xe máy điện đặt bên trong trục hay bên ngoài bánh xe tương tự nhau, chỉ khác về vị trí đặt. Khi gặp các yếu tố thời tiết như trời mưa hay đi đường ngập nước chịu tác động ảnh hưởng từ môi trường như nhau.

Xe máy điện Zio Motors sử dụng động cơ đặt bên ngoài bánh xe, khác với các mẫu xe máy điện khác hiện nay tại Việt Nam

Tuy nhiên, trên xe máy điện, việc đặt động cơ ở ngoài bánh xe có một số ưu điểm. PGS. TS Tạ Cao Minh cho biết, đầu tiên về mặt cơ khí, việc đưa động cơ ra ngoài bánh xe giúp cho việc thiết kế mềm dẻo hơn, không bị phụ thuộc về mặt cơ khí cũng như kích thước động cơ. Ví dụ đối với xe có động cơ nằm bên trong bánh, nếu muốn tăng kích cỡ động cơ rõ ràng sẽ phải làm lại bánh. Còn khi động cơ nằm ở ngoài, ít phụ thuộc cơ khí hơn, chỉ việc thay động cơ rất đơn giản.

PGS. TS Tạ Cao Minh cũng thông tin thêm, hiện tại, động cơ đặt bên trong trục bánh xe trên các loại xe máy điện tại Việt Nam hiện nay không thể thay đổi được số, sử dụng như xe tay ga thông thường. Còn đối với động cơ lắp bên ngoài bánh xe, nó có thể thay đổi được cấp số bởi có hộp số được tích hợp, dễ dàng tăng công suất khi cần leo dốc hay tăng tốc.

Bên cạnh đó về mặt mẫu mã, khi động cơ đặt bên ngoài bánh xe, hãng xe có thể dễ dàng thay đổi động cơ lớn hơn, tăng công suất mà không tốn nhiều công thiết kế. Nhưng hệ thống khung xe cũng sẽ phải được tính toán lại một cách chi tiết để đảm bảo an toàn.

Nhận xét về hai loại thiết kế động cơ này, ông Đào Xuân Hải cho biết, việc mô tơ điện đặt ngoài bánh xe có thể giúp thay đổi được tỉ số truyền, mô men xoắn (sức kéo) tốt hơn các xe đặt trong. Hiểu đơn giản là chiếc xe có thể leo dốc tốt, chở được nặng hơn so với những động cơ đặt trong bánh. Tuy nhiên, nếu đặt ngoài thì xe máy điện sẽ cần trang bị thêm bộ phận truyền động từ động cơ xuống đến các bánh xe.

PGS. TS Tạ Cao Minh cũng nhận định, hiện tại, vẫn chưa thể có nhận định chính xác về loại động cơ nào ưu việt hơn bởi còn nhiều khía cạnh khác nhau cần phải xem xét thật kỹ từng loại.

Yamaha Grande 2019 sử dụng công nghệ Hyid

Xe máy động cơ hybrid

Trên thị trường Việt Nam hiện nay mới chỉ xuất hiện duy nhất 2 mẫu xe tích hợp động cơ hybrid là Yamaha Grande 2019 mới và Honda PCX Hybrid. Động cơ hybrid tương đối phổ biến trên ô tô, được gọi là động cơ lai giữa xăng và điện. Tuy nhiên nếu như trên ô tô, động cơ điện có thể hoạt động độc lập ở dải tốc độ thấp (tùy từng mẫu xe) thì trên xe máy động cơ hybrid tại Việt Nam, động cơ điện này chỉ mang tính bổ trợ cho động cơ xăng được trang bị trên xe, không hoạt động độc lập.

Như trên Honda PCX, động cơ điện sẽ bổ trợ cho động cơ xăng, có công suất 1,8 mã lực. Động cơ điện sẽ kích hoạt khi xe tăng ga đột ngột, để giúp tăng sức kéo và tiết kiệm nhiên liệu. Tương tự như Honda PCX, động cơ điện trên Yamaha Grande 2019 cũng chỉ bổ trợ cho động cơ xăng, giúp xe tăng sức kéo cho động cơ trong tối đa 3 giây, hiệu quả rõ nhất khi lên dốc hoặc chở thêm người ngồi sau.

Theo GT