Bị thu thuế 'oan', hàng loạt DN ôtô có nguy cơ phá sản

Admin
Việc Bộ Tài chính, cơ quan Hải quan quyết tâm truy thu thuế TTĐB xe tải Van nhập khẩu trước 21/7/2008 khiến nhiều doanh nghiệp bỗng dưng mất oan tiền tỉ và rơi vào cảnh lao đao, trong khi doanh nghiệp nhỏ thì đứng trước nguy cơ phá sản hoặc tìm cách giải thể để khỏi chịu oan...
Bỗng dưng mất tiền tỉ

Chỉ vì sự bất nhất của các cơ quan quản lý mà các doanh nghiệp nhập khẩu xe tải Van đang bị yêu cầu truy thu thuế TTĐB với gần 1.200 chiếc xe tải Van nhập khẩu từ 1/1/2006 đến 21/7/2008, tổng số tiền truy thu trên 26 tỉ đồng.

Một trong những đơn vị chịu hậu quả nặng nề nhất trong đợt truy thu này là Tổng công ty thuỷ sản Hạ Long - chi nhánh TP.Hồ Chí Minh. ông Lương Đức Cường, Trưởng phòng đại lý kinh doanh xuất nhập khẩu chi nhánh, cho biết Tổng công ty có 176 chiếc xe tải Van bị truy thu thuế với tổng số tiền lên tới hơn 6 tỉ đồng.

"Khó khăn lớn nhất của chúng tôi cũng như hàng chục doanh nghiệp nhập khẩu xe tải Van khác là chúng tôi không có lỗi trong việc này, nhưng lại là người gánh chịu hậu quả. Bây giờ chúng tôi không biết lấy nguồn nào để bù đắp khoản thuế đó, ngay kể cả khi Nhà nước cho giãn thời gian nộp " - ông Cường nói - "Cái án lơ lửng trên đầu kéo dài từ tháng này qua tháng khác khiến những doanh nghiệp làm ăn chân chính như chúng tôi chẳng còn tâm trí nào để làm ăn nữa".

Ảnh minh họa

Gần 1.200 xe tải Van nhập khẩu từ 1/1/2006 đến 21/7/2008 thuộc diện bị truy thu thuế TTĐB

Cẩn thận hơn, trong năm 2006, công ty cổ phần An Việt (Hà Nội) liên tục có công văn gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan để hỏi về xe tải Van và luôn được trả lời việc xác định xe tải Van là xe chở người hay chở hàng do Cục Đăng kiểm xác định (theo Cục Đăng kiểm, xe tải Van thuộc nhóm xe tải- PV). Thậm chí trong công văn số 6070/TCHQ-GSQL gửi công ty An Việt và Cục Hải quan Hải Phòng, Tổng Cục hải quan đã nghiêm cấm việc đặt ra điều kiện cam kết "nếu Bộ Tài chính truy thu thuế TTĐB thì doanh nghiệp cam kết nộp"; đồng thời yêu cầu Cục Hải quan Hải Phòng xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với công chức hải quan tự ý đặt ra yêu cầu trên. Tuy nhiên, "chạy trời cũng không khỏi nắng", An Việt vẫn là một trong hàng chục doanh nghiệp trên cả nước bị truy thu thuế TTĐB với hơn 100 xe tải Van, tổng số tiền lên tới trên 4 tỉ đồng.

Cùng chung số phận với xe tải Van, các mẫu xe chuyên dụng như xe cứu thương, xe chở tù...cũng bị áp vào đợt truy thu này với mức thuế suất dự kiến rất cao. Đại diện công ty ôtô Sao An Lạc (TP.Hồ Chí Minh) cho biết kể từ đầu năm 2006 tới giữa năm 2008 công ty nhập khẩu 76 chiếc xe chuyên dụng và đã tiêu thụ hết, nếu bị truy thu thì công ty sẽ lâm vào tình trạng phá sản.

"Nếu như Chính phủ và Bộ Tài chính áp đặt mức thuế TTĐB như các văn bản mới ban hành thì tất cả các doanh nghiệp chúng tôi chỉ có 1 con đường duy nhất là phá sản, vì mức thuế TTĐB bị truy thu còn lớn hơn gấp nhiều lần so với vốn điều lệ của doanh nghiệp. Điều này là vô cùng bất hợp lý"- vị đại diện này nói. Cụ thể, với  mức giá xe 20.000 USD - 30.000 USD/ chiếc, thuế suất theo số chỗ ngồi từ 30%-50% thì công ty này sẽ phải nộp trên 700.000 USD, tương đương trên 12 tỉ đồng.

Kêu oan bất thành

Những bất hợp lý về việc truy thu thuế TTĐB đã được Bộ Tài chính trình bày tại Công văn 4162/BTC-CST ngày 24/3, theo đó việc truy thu thuế là bất khả thi do xe đã tiêu thụ hết, bất hợp lý do đây không phải là lỗi của doanh nghiệp...Tuy nhiên, sau khi Văn phòng Chính phủ có Công văn 2228/VPCP-KHTH ngày 9/4 thì Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã có các văn bản yêu cầu tiếp tục truy thuy thuế TTĐB với xe tải Van và xe chuyên dụng.

Ngày 21/4, Bộ Tài chính có công văn số 5767/BTC-TCHQ gửi Hải quan các tỉnh và thành phố với nội dung: Theo Luật  Thuế TTĐB và Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2005, xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB; tùy theo số chỗ ngồi có các mức thuế suất tương ứng, chưa có quy định mặt hàng xe ô tô VAN và các xe ô tô chuyên dùng dưới 24 chỗ ngồi không thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB.

Ảnh minh họa

Xe chuyên dụng như xe cứu thương, chở tiền...cũng thuộc diện bị truy thu

Bộ Tài chính yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ nhập khẩu các mặt hàng ô tô nêu trên, căn cứ hàng hóa thực nhập khẩu, thiết kế của nhà sản xuất về số chỗ ngồi của xe tại thời điểm nhập khẩu để tính và truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt theo đúng quy định trên.

Ngày 11/5, Tổng cục Hải quan tiếp tục ra Công văn số 2544/TCHQ-KTTT trả lời kiến nghị của 19 doanh nghiệp nhập khẩu xe tải Van, trong đó trích dẫn công văn 5767/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính làm cơ sở.

Như vậy, cho tới thời điểm này, dù không làm sai văn bản chính sách thuế nhưng hàng loạt doanh nghiệp ôtô đang phải gánh chịu hậu quả của sự thay đổi chính sách. Họ đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản, giải thể nếu bị truy thu số tiền thuế rất lớn với họ...

"Tẩu vi thượng sách"

Được biết, với một số công ty nhỏ, lượng xe nhập khẩu ít thì họ chọn cách nộp thuế cho "êm chuyện" và chuyển qua kinh doanh trong lĩnh vực khác. Trong khi đó, một công ty ở phía Bắc đã nhập hơn 200 xe tải Van thuộc diện chịu thuế cũng đã nhanh chóng tẩu tán tài sản, ngừng hoạt động.

ông Phạm Ngọc Đoàn, Chủ tịch HĐQT công ty CP An Việt, cho hay một số công ty nhỏ có thể giải thể công ty và lập công ty mới để hoạt động nếu Nhà nước quyết tâm thu thuế chứ họ không chịu nộp tiền oan.

"Có chết là chết những doanh nghiệp lớn, làm ăn chân chính và không thể muốn là giải thể được như chúng tôi. Giờ chúng tôi không biết lấy đâu ra hơn 6 tỉ đồng để nộp thuế, trong khi xe đã bán hết"- ông Lương Đức Cường nói- : "Hàng loạt hoạt động kinh doanh khác của chúng tôi cũng bị đình trệ vì việc này: 12 công-ten-nơ vải sợi đang ách ở cảng Hải Phòng; 8 công thép ách ở TP. HCM, chưa kể rất nhiều hợp đồng kinh doanh bị huỷ bỏ...".

autovina