Tranh cãi về giá bán và chất lượng của Ford Ranger lắp ráp tại Việt Nam

Admin
Thông thường, các mẫu xe lắp ráp nội địa sẽ có giá thấp hơn xe nhập khẩu. Do đó, việc Ford Ranger 2021 bản lắp ráp trong nước ngang giá với bản nhập khẩu Thái Lan trước đó tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.
Hôm qua, ngày 15/7, Ford giới thiệu Ranger 2021 tại Việt Nam. Trừ bản Raptor, 5 phiên bản còn lại của Ranger gồm XL 2.2L 4x4 MT, XLS 2.2L 4x2 MT, XLS 2.2L 4x2 AT, Limited 2.0L 4x4 AT và Wildtrak 2.0L 4x4 AT đều được chuyển sang lắp ráp. Dù vậy, giá của Ford Ranger 2021 vẫn không được giảm so với đời trước, dao động từ 616 triệu đến 925 triệu đồng.
 
Ranger mới lăn bánh trên đường thử tại nhà máy Ford Hải Dương. Ảnh: Ford Việt Nam.
 
Tranh cãi về mức giá
 
Việc Ford Ranger CKD giữ nguyên giá so với bản nhập khẩu Thái Lan nhận khá nhiều ý kiến trái chiều. Đang sử dụng Ranger Wildtrak đời 2018, anh Nguyễn Tuấn Kiệt (sống tại TP. Vĩnh Long) cảm thấy khó hiểu khi Ranger bản CKD lại có giá ngang với bản nhập Thái trước đây.
 
"Cách đây vài tháng, khi nghe tin Ford Ranger sắp chuyển sang lắp ráp trong nước, tôi cảm thấy mừng vì nghĩ rằng giá xe sẽ giảm đôi chút so với bản CBU. Tôi cảm thấy khá khó hiểu khi xe lắp ráp bằng giá xe nhập khẩu", anh Kiệt chia sẻ.
 
Đồng quan điểm với anh Kiệt, anh Vũ Minh Trung (TP. HCM) cảm thấy mức giá của Ranger 2021 hiện tại chưa hợp lý. "Người tiêu dùng mong chờ Ranger bản lắp ráp trong nước sẽ có giá thấp hơn bản nhập khẩu trước đó. Lợi thế về giá của xe lắp ráp so với xe nhập khẩu đã không xuất hiện trên Ranger 2021", chủ xe Ranger Raptor cho biết.
 
Ford Việt Nam không bình luận hay giải thích gì khi công bố mức giá của Ranger CKD. Tuy nhiên, trong thông cáo phát đi, liên doanh Mỹ tập trung nhấn mạnh vào việc mở rộng nhà máy ở Hải Dương cho dây chuyền mới phục vụ xuất xưởng mẫu bán tải bán chạy số 1 Việt Nam.  
 
Ranger mới trên dây chuyển lắp ráp mới tại nhà máy Ford Hải Dương. Ảnh: Ford Việt Nam.
 
Để đối chiếu, trên thực tế, trước Ranger, những mẫu xe như Toyota Fortuner, Mitsubishi Xpander hay Honda CR-V khi chuyển sang lắp ráp trong nước cũng có giá bằng hoặc thậm chí cao hơn bản nhập khẩu. 
 
Theo Trưởng phòng truyền thông, bán hàng của một hãng xe tại Việt Nam, chi phí nhập linh kiện hoàn chỉnh dùng để lắp ráp ô tô từ nhà cung ứng nước ngoài còn cao hơn so với chi phí nhập một mẫu xe hoàn thiện từ khu vực ASEAN. Hiện tại, thuế nhập khẩu linh kiện ô tô vào Việt Nam khoảng 7-9% trong khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia là 0%.
 
Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ban đầu cho dây chuyền lắp ráp mỗi dòng xe khá cao, lên đến hàng triệu USD. Chi phí này sẽ được khấu hao theo số lượng xe sản xuất. Tuy nhiên, lượng xe lắp ráp tại Việt Nam không đủ lớn để giảm chi phí sản xuất như Thái Lan.
 
Chất lượng có được đảm bảo?
 
Bên cạnh giá, chất lượng của xe lắp ráp so với xe nhập khẩu cũng là vấn đề được phần đông độc giả quan tâm. Anh Tuấn Kiệt bày tỏ quan ngại: "Nếu so sánh 2 phiên bản CKD và CBU của cùng một mẫu xe, tôi cảm thấy bản nhập khẩu hoàn thiện tốt hơn và cứng cáp hơn".
 
"Dù công bố là quy trình lắp ráp đạt chuẩn toàn cầu, người tiêu dùng vẫn sẽ có sự so sánh về chất lượng giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu. Phần đông người tiêu dùng Việt sẽ chọn xe nhập khẩu nếu phải đắn đo giữa 2 phiên bản", anh Minh Trung, chủ xe Ranger Raptor chia sẻ.
 
Loạt xe Ranger CKD đã hoàn thiện và đang đi vào công đoạn kiểm tra trước khi xuất xưởng ở nhà máy Ford Hải Dương. Ảnh: Ford Việt Nam.
 
Như để trấn an khách hàng của mình, trong ngày ra mắt Ranger bản lắp ráp, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam đã khẳng định Ford có tiêu chuẩn toàn cầu đối với tất cả dòng xe. Nói dễ hiểu thì xe Ford sản xuất tại Việt Nam có chất lượng ngang với xe tại bất cứ thị trường nào trên thế giới.
 
Đại diện Ford Việt Nam cho biết nhà máy đã được đầu tư các trang thiết bị hiện đại nhất của Ford, đảm bảo xe sẽ xuất xưởng với tiêu chuẩn cao nhất. Sau vài tháng thử nghiệm, Ranger sản xuất trong nước cho số liệu thống kê tương đồng với phiên bản nhập khẩu. Do đó, hoàn toàn không có sự chênh lệch về chất lượng giữa Ranger CKD và CBU.
 
Dẫu vậy, lời khẳng định này cần có thời gian để khách hàng trong nước kiểm chứng và tin tưởng. Ranger CKD cũng cần có thời gian để "làm quen" với thị trường dù bản CBU đang áp đảo thị phần. 
 
Trước Ranger, Ford đã lắp ráp mẫu SUV đô thị EcoSport từ năm 2014. Sử dụng EcoSport được hơn 1 năm, anh Lê Minh Thành (Hà Nội) cho biết khá hài lòng với chiếc xe của mình. "Nhìn chung, tôi cũng không quan tâm lắm đến vấn đề xe nhập khẩu hay lắp ráp trong nước. Riêng với chiếc EcoSport, tôi chưa gặp vấn đề gì sau hơn 1 năm sử dụng. Nếu có bản EcoSport nhập khẩu, tôi nghĩ xe lắp ráp cũng không hề thua kém về chất lượng", anh Thành chia sẻ.
 
Xe lắp ráp giúp ổn định nguồn cung hơn
 
Bên cạnh những tranh cãi trên, không thể phủ nhận việc Ranger được lắp ráp tại Việt Nam mang đến một số lợi ích cho người tiêu dùng. Anh Tuấn Kiệt cho biết Ford chuyển sang lắp ráp Ranger sẽ giúp giảm tình trạng khan hàng, nguồn cung ổn định hơn, đặc biệt là sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 
Theo tìm hiểu, giá bán thực tế của Ford Ranger lắp ráp tại đại lý sẽ thấp hơn giá niêm yết. Một số đại lý tại TP. HCM bắt đầu bán Ranger 2021 các phiên bản XL, Limited và Wildtrak với mức giá thấp hơn giá niêm yết 14-20 triệu đồng.
 
Dù niêm yết bằng giá với bản nhập khẩu nhưng Ranger lắp ráp đang được chào bán với giá thấp hơn ở các đại lý như một cách kích cầu ở thời điểm thị trường đang đi xuống.
 
Ford Ranger 2021 thuộc phiên bản nâng cấp mới nhất, ra mắt Việt Nam cuối năm 2020. Mẫu bán tải bán chạy nhất thị trường Việt Nam chỉ được thay đổi ở lưới tản nhiệt, không có nâng cấp về trang bị.
 
Ford Ranger 2021 có 3 tùy chọn động cơ, gồm động cơ diesel 2.2L, mạnh 158 mã lực, động cơ diesel 2.0L mạnh 178 mã lực và động cơ diesel tăng áp 2.0L mạnh 210 mã lực.
 
Ở tháng 6 vừa rồi, Ranger đạt mốc doanh số 754 xe - mức thấp so với hàng tháng nhưng vẫn đủ sức giữ vị trí dẫn đầu nhóm xe bán tải tại Việt Nam. Cộng dồn 6 tháng đầu năm, Ford bán được 6.912 xe, bỏ xa mẫu xe xếp thứ 2 là Toyota Hilux (1.878 xe).