5 sự kiện ô tô/xe máy nổi bật nhất VN 2013

Svetlanauhn
(Autovina) - 2013 là một năm nhiều biến động đối với ngành ô tô/xe máy tại Việt Nam. Dưới đây là những sự kiện ấn tượng nhất, có ảnh hưởng sâu sắc nhất.

Triển lãm Vietnam Motorshow 2013

1. Tưng bừng triển lãm ô tô và lễ hội xe máy

Năm 2013 đánh dấu việc diễn ra kỳ triển lãm ô tô Việt Nam - Vietnam Motorshow (VMS) hoành tráng và quy mô nhất từ trước đến nay. Tổng cộng 15 thương hiệu xe tham gia, trong đó có 2 thương hiệu hạng sang lần đầu góp mặt (Lexus và Infiniti), cùng 22 mẫu xe mới lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Chỉ trong 4 ngày, lượt khách tham quan lên tới 155.300 người và các hãng xe cũng bán được hơn 200 xe. Tất cả đều nói lên rằng VMS 2013 đã thành công vượt mong đợi.

Bên cạnh đó là lễ hội mô tô đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, với tên gọi Vietnam Motorbike Festival (VMF). Tuy là lần đầu tiên nhưng lễ hội đã quy tụ được hàng loạt tên tuổi lớn về lĩnh vực xe phân khối lớn như Ducati, Benelli, KTM, v.v... cùng sự tham gia của nhiều CLB chơi xe và hàng nghìn khán giả. Lễ hội còn tạo nên điểm nhấn qua những màn trình diễn đẳng cấp cao của các vận động viên chuyên nghiệp cả trong lẫn ngoài nước (Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc), khiến người hâm mộ thực sự mãn nhãn.



Vietnam Motorbike Festival 2013

VMS (về lĩnh vực ô tô) và VMF (xe máy) đã chứng tỏ sự quan tâm của người Việt luôn rất cao, nếu các đơn vị tổ chức thực hiện một cách đúng đắn, bài bản. Chúng chính là tiền đề cho những sự kiện lớn hơn trong năm 2014.

2. Chính sách kích cầu: giảm phí trước bạ

Đầu tháng 4/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP với một nội dung rất đáng chú ý: đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngôi phí đăng ký trước bạ lần đầu có mức chung là 10%, các địa phương được điều chỉnh tăng không quá 50% của mức chung.

Thực hiện Nghị quyết trên, Hà Nội giảm mức phí trước bạ từ 15% xuống 12% kể từ ngày 12/7/2013, Đà Nẵng giảm từ 15% xuống còn 10% từ ngày 1/8/2013. Thành phố Hồ Chí Minh cũng chính thức giảm phí từ 15% xuống 10% từ ngày 1/1/2014. Đối với ô tô đăng ký từ lần thứ hai trở đi, mức lệ phí trước bạ giảm xuống rất mạnh, từ 12% xuống còn 2%, góp phần gỡ nút thắt đối với thị trường ô tô đã qua sử dụng.



Ngoài ra, việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện cũng được tạm hoãn. Tuy đến nay vẫn chưa thể biết rõ chính sách này đến bao giờ mới được triển khai, nhưng người tiêu dùng và các nhà sản xuất đã bớt đi được một nỗi lo lớn.

Kết quả: toàn thị trường ô tô Việt Nam năm 2013 đã tiêu thụ được khoảng 110.000 xe các loại, tăng 8% so với năm 2012. Tuy con số này vẫn ở mức thấp hơn các nước trong khu vực, nhưng là một tín hiệu tốt.

3. Cho phép tự do thi bằng lái A2

Cuối tháng 10/2013, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã ký ban hành Thông tư 38/2013 sửa đổi, bổ sung quyết định bãi bỏ việc hạn chế thi bằng lái A2 và cho phép thi đại trà bắt đầu từ tháng 3/2014. Theo đó, người học lái xe bằng A2 không còn nhất thiết phải thuộc những đối tượng Công an, Quân đội, Thanh tra Giao thông, Quản lý thị trường, Kiểm lâm, Sát hạch viên, vận động viên mô tô mới được thi. Một trường dạy lái xe ở TP.HCM còn được tổ chức thi thí điểm vào tháng 12/2013, thu hút hàng trăm người đăng ký.

Hiệu quả của quyết định này là rất rõ ràng: người tiêu dùng được cởi bỏ tâm lý "bức bối" và các hãng sản xuất mô tô phân khối lớn bắt đầu đổ bộ hàng loạt vào Việt Nam. Ngoài Ducati và Benelli đã có ở Việt Nam từ trước, trong năm 2013 vừa qua thị trường đón nhận thêm thương hiệu KTM (Áo) và Harley-Davidson (Mỹ). Kế đó, Kawasaki và Keeway cũng tuyên bố chắc chắn sẽ vào Việt Nam trong năm 2014.



Đối với những hãng vốn thường được biết đến qua các sản phẩm xe số, xe tay ga phổ thông thì hiện chỉ duy nhất Suzuki có phân phối mô tô phân khối lớn. Tuy nhiên, Honda và Yamaha cũng đã rục rịch chuẩn bị tung ra các dòng xe thể thao hấp dẫn trong thời gian tới. Vì thế, thị trường xe máy và mô tô Việt Nam năm 2014 hứa hẹn sẽ rất nóng bỏng.

4. Nở rộ thương hiệu xe sang

Chỉ trong vòng một năm, số lượng các hãng xe có mặt trên thị trường Việt Nam tăng vọt. Những thương hiệu chính thức đặt chân đến Việt Nam năm 2013 qua gồm có: MG Cars, Rolls-Royce, MINI, Lexus, Infiniti và Peugeot. Đáng chú ý là ngoại trừ MG Cars thuộc phân khúc phổ thông giá thấp, toàn bộ các thương hiệu còn lại đều từ sang cho đến siêu sang, và đều là xe nhập khẩu.



Trong khi đó, các thương hiệu sẵn có ở Việt Nam cũng giới thiệu rất nhiều mẫu xe sang mới: Mercedes-Benz có A-Class, E-Class 2014 và S-Class 2014; BMW có 1-Series, 4-Series; Audi ra mắt A3 Sedan; Porsche trình làng Cayman 2013 và Panamera 2014; Land Rover đưa về Việt Nam Range Rover 2013 cùng Range Rover Sport 2014, v.v...

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kế, tổng lượng ô tô nhập khẩu về nước năm 2013 ước tính gần 34.500 chiếc với giá trị kim ngạch 709 triệu USD, trong đó riêng xe sang nhập từ Anh, Pháp, Đức, Mỹ đạt gần 2.500 xe, giá trị kim ngạch 90 triệu USD. Xu hướng nhập xe sang đã được dự báo từ trước và sẽ còn tiếp diễn, bởi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN đã giảm xuống 50% từ đầu năm 2014 và xuống còn 0% từ năm 2018 trở đi.

5. Phân khúc xe hạng B sôi động với nhiều xe ra mắt

Trong toàn bộ năm 2013 vừa qua, ở Việt Nam không có phân khúc nào sôi động bằng phân khúc xe hạng B. Tổng cộng 7 mẫu xe mới thuộc phân khúc này đã được ra mắt, bao gồm: Honda City, Nissan Sunny, Chevrolet Aveo 2013, Ford Fiesta 2014, Mitsubishi Mirage, Hyundai Accent 2014 và Hyundai Grand i10.



Những mẫu xe này đều có đặc điểm riêng đáng chú ý. Chẳng hạn như Fiesta 2014 xuất hiện cùng với động cơ EcoBoost nổi tiếng tiết kiệm nhiên liệu, Mitsubishi Mirage sở hữu bán kính quay vòng thấp nhất phân khúc ở mức 4,6 mét, Hyundai Grand i10 "cháy hàng" chỉ sau 2 tuần ra mắt với hơn 1.000 xe được bán ra, trong khi Aveo 2013 rẻ bất ngờ khi giá khởi điểm chỉ từ 435 triệu đồng...

Xe thuộc phân khúc hạng B có kích thước lớn và rộng rãi hơn hạng A, nhưng lại nhỏ và rẻ hơn hạng C, đồng thời được trang bị vừa đủ tính năng phù hợp nhu cầu người Việt Nam. Do đó, không có gì lạ khi các hãng sản xuất đồng loạt giới thiệu xe ở phân khúc này và cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn.

Nguyễn Nam

kynam