Một năm 2015 ghi dấu nhiều sự kiện lớn đã diễn ra trong làng ô tô xe máy thế giới. Mời các bạn cùng Autovina điểm nhanh 5 sự kiện ô tô xe máy tiêu biểu trong và ngoài Việt Nam vào năm qua.
Thế giới rúng động khi Volkswagen lừa dối
Volkswagen bị phát hiện dối trá trong các cuộc kiểm tra về mức độ gây ô nhiễm ở Mỹ. Hãng này đã lắp đặt một phần mềm tinh vi mà giới truyền thông gọi là “thiết bị nói dối” vào mô-đun điều khiển điện tử của các mẫu xe chạy nhiên liệu diesel sản xuất trong thời gian 2008 - 2015.
Dựa trên vị trí của bánh xe dẫn động, tốc độ xe, thời gian vận hành động cơ và áp suất khí áp kế, thiết bị này có thể cảm ứng khi chiếc xe trong quá trình kiểm tra phát thải. Một khi thu thập được các dữ liệu đầu vào này, phần mềm gian lận sẽ chuyển sang “chế độ kiểm tra” ngay khi hai bánh xe trước của chiếc xe nằm trên một động lực kế. Điều này cho phép bộ phận kiểm soát khí thải hoạt động tối đa trong khi chiếc xe bị kiểm tra mức phát thải. Tuy vậy, trên thực tế, khi chiếc xe chạy trên đường, mức phát thải cao gấp 10-40 lần tiêu chuẩn cho phép.
Những cáo buộc nhằm vào Volkswagen được Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đưa ra hôm 18/9, sau khi các nhà nghiên cứu độc lập đặt ra những nghi vấn về mức độ phát thải của xe chạy diesel do Volkswagen sản xuất. Cáo buộc này khiến các cơ quan giám sát của Chính phủ Mỹ đã vào cuộc để tiến hành điều tra kỹ lưỡng hơn. Khi được cơ quan giám sát đề nghị giải thích, EPA nói Volkswagen đã thừa nhận xe của họ được gắn phần mềm gian lận.
Giám đốc điều hành Martin Winterkorn đã từ chức, và Công ty đã chi 6,5 tỷ euro (tương đương 7,3 tỷ USD) cho chiến dịch khắc phục hậu quả này. Trong bốn ngày giao dịch đầu tiên kể từ khi vụ bê bối nổ ra vào ngày 18/9, cổ phiếu của VW đã giảm 1/3, xuống còn 26 tỷ euro. Một số chuyên gia cho rằng vụ bê bối này có thể sẽ là dấu chấm hết cho nhiên liệu diesel. Trên thực tế, cải thiện động cơ chạy bằng xăng hoặc chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn như methane, điện hoặc điện - xăng kết hợp, vẫn là việc nằm trong khả năng của các hãng xe. Hiện nay, nhiều hãng xe cũng đang đổ hàng tỷ USD vào những loại nhiên liệu mới này, nhằm đáp ứng được mục tiêu giảm khí thải. Như vậy, ở một khía cạnh khác, sự kiện này có thể lại là sự khởi đầu của kỷ nguyên ô tô điện.
VAMA thay đổi cơ cấu
Ông Yoshihisa Maruta, chủ tịch đương nhiệm của VAMA
Hồi đầu năm 2015, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) diễn ra đợt thay đổi nhân sự lãnh đạo theo nhiệm kỳ mới. Theo đó, vị trí Chủ tịch nhiệm kỳ mới của VAMA sẽ do ông Yoshihisa Maruta đảm nhiệm. Ông Yoshihisa Maruta hiện đang là Tổng giám đốc Công ty ô tô Toyota Việt Nam.
Hai Phó chủ tịch VAMA lần lượt là ông Bùi Kim Kha, Tổng giám đốc Thaco PC (thuộc Công ty cổ phần ô tô Trường Hải - Thaco Group) và ông Jesus Metelo Arias Jr., Tổng giám đốc Ford Việt Nam. Ông ông Jesus Metelo Arias Jr. chính là Chủ tịch VAMA nhiệm kỳ 2012 - 2014.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Thaco Group tham gia vào Đoàn chủ tịch của tổ chức đại diện cho khối các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Thaco Group cũng đồng thời là doanh nghiệp ô tô trong nước đầu tiên tham gia đảm nhiệm vai trò điều hành VAMA.
Các vị trí chủ tịch và phó chủ tịch VAMA trước đây đều do các liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đảm nhiệm, trong đó chủ yếu xoay quanh các hãng xe lớn như Toyota, Ford, GM, Mercedes-Benz hay Honda. Theo đánh giá, việc Thaco Group tham gia điều hành VAMA sẽ giúp khối doanh nghiệp này có sự tươi mới trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh, có những đóng góp sát thực hơn vào định hướng và chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô và thị trường ô tô trong nước.
Hiện tại, VAMA đang có tổng cộng 18 hãng xe thành viên, trong đó có 6 doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước gồm Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco Group), Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin - Vinacoal), Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) và Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
Triển lãm nội địa phân mảnh
Sau 3 năm cùng sát cánh, các doanh nghiệp thuộc VAMA và những nhà nhập khẩu chính hãng đã quyết định tách khỏi nhau do nhiều lý do khách quan, mà chủ yếu là những bất đồng từ sự phân chia quyền lợi. VAMA tiếp tục duy trì Triển lãm ô tô Việt Nam VMS, trong khi các nhà nhập khẩu tổ chức sân chơi riêng với tên gọi Triển lãm ô tô quốc tế Việt Nam VIMS.
Mặc dù sự chia ly kể trên khiến mỗi triển lãm dường như hao hụt đi phần hấp dẫn, nhưng theo các nhà tổ chức của mỗi bên thì họ đều thu được thành công đáng kể. VIMS 2015 kết thúc với hơn 70.000 lượt khách tham quan và hơn 200 hợp đồng mua bán xe được ký kết, những con số khá lớn đối với một sự kiện lần đầu diễn ra và lượng xe trưng bày đều là nhập khẩu nguyên chiếc, phần lớn thuộc hạng sang. VMS 2015 có quy mô lớn hơn nên ghi nhận trên 178.000 lượt khách tham quan triển lãm, với gần 2.500 xe được đặt hàng và bán ra trong thời gian triển lãm.
Ngoài 2 triển lãm này, tại Việt Nam vẫn còn Saigon Autotech (TP.HCM) và Auto Expo (Hà Nội), nhưng chúng ngày càng bị thu hẹp về cả chất lẫn lượng, không có khả năng gây tiếng vang như trước. Chính vì vậy nên trong tương lai gần, sự vươn lên mạnh mẽ của VIMS (năm 2016 đã xác nhận có thêm Rolls-Royce, Maserati, Subaru, Volkswagen) và khả năng VAMA duy trì phong độ cho VMS vẫn sẽ là tâm điểm để người tiêu dùng nhìn vào, đánh giá về thị trường ô tô nước nhà.
Người Việt tan mộng "ô tô giá rẻ"
Thị trường ô tô Việt Nam đang đứng trước một trang mới đầy biến động. Không phải ngẫu nhiên mà lượng xe CBU nhập khẩu về nước trong tháng 11/2015 tăng đột biến đến 95% so với tháng liền trước, lên mức 12.577 chiếc và không còn khoảng cách quá xa với sản lượng bán hàng 17.129 chiếc của xe lắp ráp trong nước CKD. Xu hướng xe nhập khẩu áp đảo xe lắp ráp dần hiển hiện.
Tuy nhiên, vào ngày 28/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016.
Theo nghị định này, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) sẽ được tính trên giá bán buôn của nhà nhập khẩu kể từ ngày 1/1/2016 thay cho cách tính trên giá CIF + thuế nhập khẩu trước đây. Giá bán lẻ ô tô CBU kể từ năm tới sẽ được tính trên cả những chi phí khác lẫn lợi nhuận của doanh nghiệp. Đại diện các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng nhận định, với cách tính giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới, giá bán lẻ ô tô CBU từ ngày 1/1/2016 sẽ đội lên khoảng 15-30% so với hiện nay, tuỳ chủng loại, xuất xứ và dung tích xi-lanh động cơ.
Sức ép này khiến thời điểm cuối 2015 tỏ ra là thời điểm thích hợp nhất để mua xe trong nhiều năm qua, bởi lẽ đây là cơ hội cuối cùng để người tiêu dùng bỏ ra số tiền phù hợp như họ đã định, thay vì mất thêm một khoản rất lớn và chưa rõ sẽ còn tăng đến mức nào khi bước qua năm 2016. Tổng lượng ô tô bán ra trên toàn thị trường tháng 11/2015 đạt 29.706 chiếc, tăng đến 33% so với tháng liền trước và tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái, những con số đủ nói lên tất cả.
Thị trường xe máy Việt Nam bão hòa
Ông Minoru Kato, Tổng giám đốc Honda Việt Nam, cũng là Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), chia sẻ: “Chúng tôi thấy rất đau đầu, thị trường năm tới rất khó dự đoán. Thị trường ở một số thành phố có dấu hiệu bão hòa. Tuy nhiên, thị trường nông thôn đang có chiều hướng tăng...”.
Tại TP. HCM, theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải, trong 10 tháng đầu năm 2015 có hơn 224.400 xe máy đăng ký mới, tức bình quân mỗi ngày có khoảng 750 xe, giảm 25% so với mức bình quân năm 2014. VAMM ước tính kết quả kinh doanh của toàn thị trường xe máy năm nay đạt khoảng 2,75 triệu xe. Với con số này, đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp thị trường giậm chân tại chỗ. Còn nếu so với năm 2011 - 2012 thì lượng tiêu thụ sụt giảm khá mạnh. Cụ thể năm 2013 tiêu thụ 2,79 triệu xe, giảm khoảng 10% so với năm 2012; năm 2012 tiêu thụ 3,11 triệu xe, giảm 6,6% so với năm 2011.
Các đại lý xe máy đều cho rằng thời hoàng kim đã qua. Họ bán xe theo giá đề xuất của nhà sản xuất còn khó thì không còn chuyện nâng giá xe để ăn chênh lệch. Mỗi hãng xe hiện chỉ có một, hai dòng xe chiến lược thu hút khách hàng và cung không đủ cầu, chỉ những dòng xe này mới có thể nâng giá bán để bù lỗ cho nhiều dòng xe khác được bán dưới giá đề xuất. Hàng loạt đại lý thậm chí phải ngưng kinh doanh xe máy, chuyển qua lĩnh vực khác (chẳng hạn như đồ ăn nhanh) mới có thể tồn tại.
Tổng công suất xe máy của Việt Nam hiện đạt từ 4,5-5 triệu xe/năm trong khi sức tiêu thụ của thị trường trong nước hiện vẫn dưới mốc 3 triệu xe/năm. Chính vì vậy, các hãng xe máy phải tính việc mở rộng thị trường xuất khẩu như lối thoát duy nhất, sau khi đã lỡ đầu tư quá nhiều.