Sáng 6/10, PV đã trao đổi với các chuyên gia giao thông về đề xuất thu phí lưu hành ôtô, xe máy của Bộ Giao thông Vận tải.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải VN: Trong
khi ngân sách dành cho sửa chữa đường còn thiếu thì việc lập quỹ bảo
trì là rất cần thiết. Bộ Giao thông đưa ra phương án thu khi ôtô kiểm
định hàng năm và xe máy đăng ký mới. Phương án này không công bằng vì
những xe đi nhiều và đi ít cũng phải đóng phí hằng năm như nhau, xe máy
đã có biển số thì không phải đóng phí.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Đoàn Loan.
Do vậy, nhà nước nên thu phí theo giá xăng. Xe đi nhiều sẽ phải đóng nhiều tiền. Cơ quan quản lý cần có biện pháp tách bạch xăng dầu sử dụng cho lưu thông trên đường bộ và xăng dùng cho thủy sản, nông nghiệp... để việc thu phí có hiệu quả.
Ngoài ra, quy định xe lớn phải đóng phí 20% lũy tiến cao hơn các xe nhỏ là chưa hợp lý. Các xe lớn có nhiều trục, không làm hư hỏng đường như nhiều người lầm tưởng. Khi xe nhỏ chở quá tải mới gây ra hỏng đường bởi tải trọng của trục xe vượt quá quy định. Do vậy, theo tôi phải thu phí thật cao đối với những xe chở quá tải.
Theo đề xuất của Bộ Giao thông, các phương tiện cơ giới sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Trần Ngọc Thành, Vụ trưởng Vụ Vận tải: Nhiều nước trên thế giới đã thu phí bảo trì đường bộ theo giá xăng dầu bởi phần lớn xăng dầu được sử dụng cho đường bộ hơn là sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Nhà nước có thể hỗ trợ cho nông dân theo các chương trình khuyến nông để bù lại phần tiền đã tính vào giá xăng.
Theo tôi, quỹ bảo trì đường bộ khác với nguồn thu phí cầu đường. Nguồn thu từ phí cầu đường để hoàn vốn đầu tư cho các công trình đã xây dựng, còn quỹ bảo trì để đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng tránh xuống cấp cho những tuyến đường đã xây dựng.
Ngoài ra, quy định xe tải trọng lớn thu phí cao là hợp lý. Các xe này sử dụng đường nhiều hơn các xe nhỏ, vận chuyển khối hàng hóa lớn hơn thì phải đóng góp lớn hơn. Người dân cần phải nộp phí để bảo dưỡng đường, không phải thu phí quá tải đường bộ.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục phó Cục Đường bộ:Bộ GTVT đã đưa ra 2 phương án thu phí bảo trì theo giá xăng dầu và đăng
kiểm, đăng ký mới để lấy ý kiến các ngành. Chúng tôi đã nhận được nhiều
ý kiến về các phương án, cách nào cũng có ưu điểm, khuyết điểm. Tuy
nhiên, theo tôi, nhà nước nên thu theo giá xăng thì sẽ hợp lý hơn.
Chúng ta dễ quản lý, tránh thất thoát, không tăng thêm nhân sự...
Ông Nguyễn Văn Thanh. Ảnh: Đoàn Loan.
Có ý kiến cho rằng phí bảo trì đường chồng lên với phí cầu đường đang thực hiện. Việc này, Bộ GTVT sẽ xem xét tùy theo nguồn gốc còn đường để tính toán có tiếp tục thu phí cầu đường nữa hay không. Đường được doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT thì nhất định vẫn phải thu phí để hoàn trả vốn đầu tư.
Đoàn Loan