Toyota lại gặp “hạn”

Dường như đen đủi vẫn không chịu buông tha cho hãng xe danh tiếng của Nhật Bản khi chỉ còn vài ngày nữa là sang năm mới thì “đứa con cưng” Prius gặp trục trặc về phanh.

Theo Ủy ban kiểm soát an toàn đường bộ quốc gia (NHTSA), đã có hàng chục lái xe lên tiếng phàn nàn họ gặp khó khăn trong việc giảm tốc độ khi chuyển từ phanh tái tạo năng lượng qua phanh ma sát. Hiện tại, tuy chưa điều tra đầy đủ nhưng NHTSA tỏ ra khá quan tâm tới vấn đề này.

Nhiều chuyên gia nhận định, đây là một vấn đề khá phức tạp, và nó chính là một trong những lý do giải thích vì sao các nhà sản xuất ôtô lại mất khá nhiều thời gian mới đưa được sản phẩm ra thị trường đến vậy.

Dòng xe Hybrid và EV thường có hai cơ chế phanh khác nhau. Bên cạnh chế độ phanh ma sát thủy lực truyền thống vốn được sử dụng trong suốt thế kỷ qua, các nhà sản xuất cũng sử dụng phanh tái tạo năng lượng để chuyển đổi động lực trở thành năng lượng điện để xạc pin.

Vấn đề phát sinh ở đây là cơ chế kiểm soát bàn đạp thắng. Người ta dùng nhiều thiết bị điện tử và thủy lực phức tạp để dung hòa cả hai hệ thống phanh này, đảm bảo việc giảm tốc độ phải tỷ lệ thuận với áp suất mà người lái tác động lên bàn đạp. Và tất cả mọi thứ sẽ hoàn hảo nếu hoạt động của cả hai hệ thống có thể kiểm soát được. Trong trường hợp đó, cả hai hệ thống phanh có thể được mô hình hóa theo kiểu toán học, và các mô men xoắn cũng có thể được tính toán một cách cụ thể.

Tuy nhiên, phanh ma sát có thể tạo ra những biến đổi khác nhau do tác động của nhiệt độ, độ ẩm hay nhiều yếu tố khác. Các kỹ sư kiểm soát và kiểm định chất lượng đã mất hàng ngàn giờ để phát triển các hệ thống này, nhằm mục đích chắc chắn rằng chúng hoạt động theo đúng tính toán, cũng như kéo dài tuổi thọ của phương tiện dưới nhiều điều kiện khác nhau.

Vấn đề mà Prius đang gặp phải liên quan đến việc giảm tốc độ khi phanh được chuyển đổi từ phanh tái tạo năng lượng sang phanh ma sát về cơ bản là do phanh ma sát sinh ra ít mô men xoắn hơn tính toán ban đầu của các chuyên gia.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên nhưng cơ bản nhất chính là ở tấm lót phanh ít ma sát hơn so với dự kiến. Vì vậy, cần xem lại công thức điều khiển phanh của xe. Vấn đề cũng có thể nằm ở bộ phận cảm ứng áp suất trong đơn vị thủy lực. Các cảm biến có thể sẽ đưa ra những tín hiệu sai hoặc sai thời gian, nhiệt độ. Nếu vậy, cần phải xem lại các cơ chế điều khiển.

Rõ ràng là đã đến lúc Toyotacần phải vào cuộc để đưa ra những kết luận cuối cùng cho vấn đề này, nhằm giữ vững niềm tin người tiêu dùng dành cho hãng từ trước đến nay.



autovina

Link nội dung: https://autovina.com/toyota-lai-gap-han-a2048.html