Đến lượt 'ông lớn' Toyota lo lắng

Cạnh tranh nhau khốc liệt để giành ngôi vị hãng xe lớn nhất thế giới, nhưng khi General Motors có nguy cơ sụp đổ, Toyota lại đứng ngồi không yên.

Không chỉ các hãng xe ở Detroit, thủ phủ công nghiệp ôtô Mỹ, mới mong quốc hội thông qua khoản vay 14 tỷ USD. Bên cạnh họ lại là các công ty Nhật, những đối thủ vốn không đội trời chung. Trong số đó, Toyota sốt sắng nhất. Nhà sản xuất này vận dụng mọi quan hệ để tác động chính phủ Mỹ đồng ý trích một phần trong số 700 tỷ USD dành cho phố Wall nhằm cứu các hãng xe.

"Chúng tôi cố hết mức có thể nhằm giúp ngành công nghiệp ôtô mạnh, có sức cạnh tranh tốt", người phát ngôn của Toyota, Mira Sleilati nói.

Toyota cũng không nằm ngoài ảnh hưởng nếu GM phá sản. Ảnh:Reuters.
Toyota cũng không nằm ngoài ảnh hưởng nếu GM phá sản. Ảnh: Reuters.

Điều này có vẻ bất ngờ. Bởi ý kiến phản đối cho Detroit vay tiền chủ yeeusn đến từ thượng nghĩ sĩ các bang miền nam, nơi đóng đô nhiều nhà máy của các công ty châu á như Alabama hay nam Carolina.

Thế nhưng, sự thật sẽ được phơi bày nếu phân tích sâu hơn động thái của Toyota, Honda và Nissan. Họ không làm nếu không có lợi. Vấn đề có vẻ lạ lùng chủ yếu do bên cạnh sự đảm bảo an toàn cho mình, Toyota vô tình "che chở" cả Detroit.

Nếu ở ngoài cuộc, chúng ta có cảm giác Toyota, Honda có lợi từ sự xuống dốc của GM, Chrysler hay Ford. Nhưng thực tế, nếu xe Mỹ phá sản thì các công ty Nhật cũng bị vạ lây.

Hiện đang sản xuất tới 3 triệu xe mỗi năm trên đất Mỹ, chỉ cần một trong số 3 ông lớn Detroit sụp đổ, ôtô Nhật sẽ bị giáng một đòn đau. Đơn giản bởi sự phá sản của GM hay Chrysler sẽ khiến hàng loạt nhà cung cấp phụ trợ rơi vào cảnh nợ nần. Trong khi đó, chính các công ty này cũng đang cung cấp hàng cho Toyota hay Honda.

Theo nhà phân tích Erich Merkle ở Crowe Horwath LLP, công nghiệp ôtô ở trạng thái đan xen và có quan hệ lớn với nhau. Các công ty liên kết theo một chuỗi phức tạp và chỉ cần một mắt xích gặp sự cố, cả hệ thống sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt khi mỗi nhà cung cấp chịu trách nhiệm sản xuất một linh kiện nhất định.

Chẳng hạn 70% nhà cung cấp cho GM cũng là đối tác của Ford. Còn các hãng xe châu á chia sẻ 58% số lượng các hãng phụ kiện với GM. Vì vậy, trường hợp xấu nhất là GM "ngã ngựa" thì Toyota cũng phải mất vài tháng mới có thể sản xuất bình thường.

Bên cạnh những công ty sản xuất phụ kiện, các nhà phân phối cũng bị ảnh hưởng. Phần lớn trong số đó bán cả xe trong nước và nước ngoài. Do đó, nếu xe Mỹ ế hàng, chắc chắn tình hình xe ngoại cũng xấu đi.

Ngoài tác động trực tiếp, sự phá sản của "Big Three" còn tác gây ảnh hưởng xấu tới kinh tế Mỹ. Người tiêu dùng sẽ tẩy chay ôtô và bằng chứng rõ nhất là lượng xe năm 2008 đang ở mức thấp nhất trong vòng 26 năm qua.

Kinh tế Mỹ có thể rơi vào trạng thái hỗn loạn và không còn khả năng sinh lợi. Toàn bộ thị trường đang phải đối mặt với doanh số ở mức thấp sau nhiều năm và không một công ty nào thoát khỏi khủng hoảng.

Mới đây nhất, Toyota phải thông báo hoãn vô thời hạn kế hoạch xây dựng nhà máy ở Mississippi dù nó đã hoàn thành 90%. Phải đến 2011 nhà máy này mới có thể cho ra đời những chiếc Prius đầu tiên lắp ráp trên đất Mỹ.

Vấn đề cuối cùng mà Toyota, Honda lo sợ là sự xuống dốc của các nhà sản xuất Mỹ là cơ hội cho Trung Quốc và Ấn Độ phất lên. Những hãng xe Trung Quốc đang nhăm nhe mua lại tài sản của GM, Chrysler. Từ đó lắp ráp ôtô chất lượng thấp để bán cho chính người Mỹ.

Hai đại diện đang nổi lên là Tata của Ấn Độ và Geely Trung Quốc. Các nhà sản xuất này đã phát triển nhiều công nghệ và đang có tham vọng bành trướng thị trường rộng lớn như Mỹ.

Toyota không hề lo hão khi từng chứng kiến cảnh Hyundai, Kia nuốt dần phân khúc xe hạng nhỏ bằng các mẫu giá rẻ.

Điều nguy hiểm là nếu Hyundai mất vài thập kỷ để đạt được thành quả thì Geely hay Tata sẽ thuận lợi hơn nhiều. Bằng cách tung tiền mua tài sản, công nghệ và bí mật thiết kế, Geely có thể nhanh chóng cho ra đời những chiếc xe giá rẻ mà không cần tốn nhiều công sức. Trong lúc đó, Toyota và Honda lại không thể mua tài sản của đối thủ bởi nó không mang lại lợi lộc gì.

Vì tất cả những lý do trên, cách mà các nhà sản xuất Nhật chọn là cố gắng tác động để GM, Chrysler và Ford sống sót. Dù sao, cạnh tranh với những ông lớn này Toyota có thể sòng phẳng mà không lo ngại bất cứ điều gì.

autovina

Link nội dung: https://autovina.com/den-luot-ong-lon-toyota-lo-lang-a993.html