Cơn mưa kỷ lục kéo dài từ 31/10 đến 3/11 kéo theo hàng trăm ôtô bị hỏng khi chết máy do ngập nước. Sau quãng thời gian vật lộn với việc gọi cứu hộ, chờ bảo hiểm và đối mặt với khoản tiền sửa không nhỏ, chủ nhân những chiếc xe mới ngẫm lại và rút ra những kinh nghiệm cho mình.
Ngoài nguyên nhân khách quan, nhiều tai nạn xảy ra lại do chính sự "liều lĩnh" của tài xế. Những người đứng trú mưa sáng 31/10 trên đường Thái Hà vẫn nhớ chiếc thể thao đa dụng hạng sang Audi Q7 "hùng dũng" lao qua vũng nước và "chết đứng" ngay sau đó.
Xem xét kỹ, quan sát xe xung quanh để ước lượng mực nước trước khi quyết định đi qua. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trên diễn đàn chuyên về ôtô Otofun, chủ đề chia sẻ kinh nghiệm lái xe qua vũng ngập nhận được sự chú ý khi kéo dài tới gần 20 trang. Không ít thành viên tỏ ra hối tiếc vì có được thông tin quá muộn.
Trước lượng xe BMW bị chết máy phải đưa về xưởng lên tới 80 chiếc, nhà phân phối Euro Auto ra khuyến cáo cho người sử dụng. Còn đội cứu hộ 116 cũng từng có những hướng dẫn rất cụ thể.
Trong tất cả các tình huống đường phố bị ngập nước, biện pháp tốt nhất là...không hoặc hạn chế đi qua.
Trường hợp không có sự lựa chọn, buộc phải mạo hiểm đi qua vùng ngập thì nên tháo lọc gió động cơ ra để lấy gió trực tiếp từ khoang động cơ vào (vị trí cao nhất) mà không thông qua đường khí nạp theo xe (vị trí thấp hơn). Qua khỏi đoạn ngập lụt, lắp lại lọc gió động cơ như ban đầu. Tuy nhiên, mức nước an toàn cảnh báo là dưới 25 cm, không vượt qua tâm bánh xe.
Đặc biệt chú ý khi có xe chạy cùng chiều và ngược chiều sẽ xảy ra hiện tượng tạo sóng, có khả năng nước dâng cao và tràn vào đường nạp gió, vào lọc gió động cơ.
Cổ hút gió trên xe Ford Laser, nơi rất dễ bị nước vào. Ảnh: Giaothongmienbac. |
Nên tắt công tắc AC (điều hòa), đi số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải, giữ cho nổ tròn máy, lái điềm tĩnh. Với xe số tự động, chuyển sang chế độ bán tự động và để ở số 1. Nếu để nguyên, xe sẽ tự sang số 2 khiến ga bị yếu, dẫn tới nước tràn vào động cơ thông qua ống pô. Không nên đạp côn xe số sàn khi qua chỗ ngập.
Rất nhiều tài xế cho rằng phải thốc ga thật mạnh để xe vượt qua. Trên thực tế giải pháp này rất nguy hiểm bởi tăng ga mạnh sẽ khiến nước tràn qua lưới tản nhiệt, đổ vào ống hút. Ngoài ra, khi tăng ga đột ngột vòng tua máy lên cao, nếu nước vào sẽ khiến hiện tượng thủy kích mạnh hơn, dẫn tới cong tay biên.
Qua chỗ ngập, bạn cần đi tiếp một đoạn, rà phanh để loại bớt nước trên đĩa. Sau đó xuống kiểm tra lại động cơ, gầm xe.
Nếu xe bị tắt máy đột ngột giữa vùng ngập, tuyệt đối không được khởi động lại và phải liên lạc ngay đến điện thoại đường dây nóng của cứu hộ, đại lý hoặc nhân viên bán hàng để được tư vấn hướng dẫn, tìm biện pháp tối ưu để xử lý.
Nguyên nhân là do khi máy vận hành bình thường, các piston lao lên ép hỗn hợp khí nạp với tốc độ khoảng 1.000 vòng/phút. Do hỗn hợp khí nạp đã bị nước chiếm chỗ và vì nước không chịu nén nên chính lực ép này đã tạo phản lực làm biến dạng cong các tay biên và piston, khi tay biên cong quá sẽ bị gẫy. Đoạn gẫy này sẽ chọc thủng thành động cơ phá hủy máy
Khi gọi cứu hộ, tài xế cũng lưu ý nếu xe trang bị số tự động, hệ thống tự động chống trượt, tự động cài cầu, tự động ổn định chống lật hoặc dẫn động 4 bánh toàn thời gian thì chỉ nên kéo xe bằng xe bàn (4 bánh không quay).
Ngoài ra, do mất bình tĩnh nên nhiều tài xế mở cửa ngay mà không chú ý tới mức nước. Nếu nước cao hơn phần thấp nhất của cửa ra vào, tuyệt đối không mở cửa, vì sẽ làm nước bên ngoài tràn vào làm hư các hệ thống điện tử, khi đó cần mở cửa sổ để ra vào xe.
autovina
Link nội dung: https://autovina.com/kinh-nghiem-lai-xe-qua-duong-ngap-nuoc-a870.html