>> Văn hóa chơi xe của người Nhật
Những người yêu xe và yêu tốc độ tại Nhật Bản thường xuyên tụ tập vào các ngày nghỉ cuối tuần ở các đường đua hợp pháp cũng như bất hợp pháp ngoài đường phố.
Tại đây, họ có thể thoải mái trò truyện với nhau, tự do nhìn ngắm những chiếc xe của người khác cũng như chia sẻ kinh nghiệm sử dụng xe và đua xe. Ở Nhật, hai thể thức phổ biến nhất đó là Drift và Time Attack. Chắc hẳn nhiều bạn đọc đã biết về Drift – chúng tôi đã dành hẳn một bài viết để nói về bộ môn này; tuy nhiên Time Attack lại khá xa lạ đối với người Việt Nam.
Thực ra, ý tưởng đằng sau Time Attack khá đơn giản: bạn không đua trực tiếp trên đường đua với bất kỳ đối thủ nào, tất cả được phân biệt thắng thua qua thời gian hoàn thành một vòng đua, càng ngắn càng tốt. Tuy nhiên, để đạt được thành tích tốt trong Time Attack không phải là một điều dễ dàng. Chiếc xe tham gia không cần quá mạnh, tuy nhiên phải có độ ổn định và tính khí động học cao. Ngoài ra, tay đua tham gia cũng cần phải có kinh nghiệm để có thể đạt thành tích tốt.
Mặc dù Nhật Bản có nhiều đường đua, tuy nhiên vào cuối tuần, chúng vẫn có thể trở nên quá tải. Thêm vào đó, phí vào cửa của các đường đua không rẻ, lên đến 20.000 yên (~253$). Chính vì vậy, nhiều người thường gặp gỡ nhau ở các địa điểm khác.
Một buổi hẹn của dân đua xe đường phố
Điểm đỗ xe Daikoku, nằm trong hệ thống đường cao tốc Tokyo -Yokohama là một điểm như vậy. Nếu đến đây hàng tối, bạn sẽ có cảm giác như đang lạc vào một triển lãm xe độ với đủ mọi loại xe theo các phong cách, kiểu dáng, đẳng cấp khác nhau. Bên cạnh đó, bởi những lý do trên, nạn đua xe bất hợp pháp rất phát triển ở Nhật.
Những tay đua đường phố được gọi bằng cái tên Hashiriya. Vào mỗi buổi tối thứ 7, các con đường đèo ở Nhật lại trở nên sôi động và ồn ào hơn thường ngày bởi âm thanh từ những chiếc xe đang drift và tiếng hò reo cổ vũ của người xem. Bên cạnh những cung đường núi, dân drift trái phép còn đua ở ngoài đường phố vào ban đêm hay sáng sớm, hoặc trong các bãi để xe nhiều tầng như bạn thấy trong bộ phim The Fast and the Furious: Tokyo Drift. Những người yêu bộ môn Drag thì tìm đến những con đường thẳng, ngắn trong các khu công nghiệp và bãi chứa container.
Số khác chọn đua ở đường đua hợp pháp
Tuy nhiên, khi nói về đua xe trái phép ở Nhật Bản, Mid Night Club là cái tên nổi tiếng nhất. Đây là một nhóm những hashiriya chỉ chuyên tổ chức và đua những cuộc đua tốc độ trên Wangan – đoạn đường cao tốc thẳng nhất Nhật Bản. Họ đã trở nên nổi tiếng bởi những cuộc đua tốc độ cao, tính tổ chức và những luật lệ chặt chẽ; xuất hiện trong phần nổi bật của hơn 200 tờ tạp chí chuyên về xe cả trong và ngoài nước Nhật.
Mid Night Club được thành lập vào năm 1987. Để được gia nhập câu lạc bộ, thành viên mới cần phải vượt qua một loạt bài kiểm tra khó khăn. Chiếc xe của họ phải có khả năng vượt quá mốc 280 km/h, do tốc độ khi đua thường lớn hơn 300 km/h. Những thành viên mới sẽ được coi như đang “học việc” trong một năm, và họ phải có mặt ở tất cả các buổi gặp gỡ của CLB. Chỉ có 10% trong số này sẽ trở thành thành viên chính thức, và họ buộc phải rời khỏi CLB nếu họ gây nguy hiểm tới những người đi môtô và những thành viên khác.
Thành viên của CLB sẽ được dán logo Mid Night Special trên cản trước hoặc sau và dòng chữ “Mid Night” trên kính. Bởi những tiêu chuẩn khắt khe đặt ra cho các thành viên, cảnh sát không bao giờ bắt được họ, do những chiếc xe cảnh sát vào thời kỳ đó bị giới hạn tốc độ ở mức 180 km/h. Trung bình, có khoảng 30 thành viên trong Mid Night Club, và họ hẹn nhau tại một địa điểm vào nửa đêm – đúng như tên gọi của CLB.
Một tay đua đang trổ tài thi Time Attack
Những cuộc đua sẽ diễn ra tại Wangan và thỉnh thoảng kéo dài ra một số đoạn trên đường cao tốc Shuto. Người chiến thắng trong mỗi cuộc đua sẽ được quyết định dựa trên những tiêu chí khác nhau, chẳng hạn như “khả năng không còn nhìn thấy xe đua khác ở phía trước”, hay “vượt qua một điểm đỗ trên đường cao tốc trước”.
Để tổ chức một cuộc gặp mặt, trưởng CLB sẽ đặt một quảng cáo trên tờ báo địa phương ở Tokyo, trong mục Rao vặt miễn phí. Nội dung của mẩu quảng cáo này trông sẽ không liên quan gì đến xe, hay tốc độ, và được thống nhất ở cuộc gặp mặt trước, để cho thành viên có thể biết ngay được ngày giờ và địa điểm gặp mặt. Một mẩu quảng cáo trông sẽ tương tự như sau:
“Cần bán túi xách giá rẻ. Để biết rõ hơn, gặp tôi tại Daikoku PA vào thứ ba, từ 11 giờ đến 2 giờ đêm. Cảm ơn đã đọc tin”.
Sau đó, những thành viên sẽ đến điểm hẹn và bắt đầu đua.
Mặc dù hoạt động bí mật, một thành viên đã từng nói: “Drift và Autocross chỉ dành cho những kẻ yếu đuối. Chúng tôi chỉ quan tâm tới tốc độ cao nhất”. Những chiếc xe của các thành viên chính thức thường có công suất vượt quá 600 mã lực và khả năng phóng với tốc độ hơn 320 km/h. Người ta đồn rằng một thành viên đã bỏ hơn 2 triệu USD chỉ để “độ” lại chiếc Porsche 911 của anh ta. Nghề nghiệp của từng tay đua được giấu kín, do trong luật của CLB, thành viên không được phép hỏi người khác làm gì để có tiền “độ” xe. Từ trước đến nay, chỉ duy nhất tạp chí Max Power của Anh cung cấp thông tin về nghề nghiệp của hai thành viên: một người đi Mazda RX-7 FD3S kinh doanh bất động sản và người còn lại, lái Nissan Skyline GT-R R32, quản lý chuỗi cửa hàng bán xe của gia đình anh ta. Nhiều chủ shop độ xe ở Nhật cũng được đồn đại là những thành viên đầu tiên của CLB.
Mid Night Club bị tan rã vào năm 1999, khi một băng Bosozoku đợi họ trên đường cao tốc để “đùa” trong lúc họ đang đua. Hậu quả là 8 người phải vào bệnh viện. Một người đi môtô, cùng với một thành viên trong băng Bosozoku kia qua đời. Do phạm phải luật (không gây nguy hiểm hoặc chấn thương cho bất kỳ người đi môtô nào), CLB đã bị tan rã ngay lập tức và vĩnh viễn.
Kể từ lúc đó, cũng có nhiều nhóm khác được lập ra bắt chước tiêu chí hoạt động của Mid Night Club, tuy nhiên với luật giao thông mới khắt khe hơn, các nhóm này cũng dần tan rã. Những thành viên còn lại của Mid Night Club vẫn tiếp tục giữ bí mật, và họ tránh nói chuyện/nhắc đến CLB trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Mid Night Club đã đi vào huyền thoại và nhận được sự tôn trọng của những người yêu xe, do đã đặt sự an toàn của người dân lên trên bản thân họ.
Ngày nay, với những hình phạt nặng hơn, sự tuần tra thường xuyên của cảnh sát và việc lắp đặt hàng loạt camera bắn tốc độ, những cuộc đua tốc độ ở Nhật có chiều hướng giảm xuống. Vào năm 2001, số lượng hashiriya giảm xuống từ 9,624 (1995) xuống còn 4,365. Những chiếc ô tô thường xuyên bị kiểm tra xem có được chỉnh sửa trái luật hay không và nếu có, chủ xe sẽ bị phạt nặng và buộc phải khôi phục xe về trạng thái ban đầu. Tuy nhiên để đối phó với cảnh sát và luật pháp, những hashiriya ngày càng nghĩ ra những thủ đoạn tinh vi hơn, chẳng hạn như lắp đặt các thiết bị tự động giấu biển số ở tốc độ cao hay lắp kính chống chụp ảnh. Có vẻ như cuộc chiến giữa cảnh sát Nhật và các tay đua đường phố sẽ còn lâu mới kết thúc.
Một số hình ảnh dân chơi Nhật Bản tụ tập về đêm :
Quang Huy
cuongvc
Link nội dung: https://autovina.com/muc-so-thi-dua-xe-duong-pho-o-nhat-ban-a8076.html