Không chỉ doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhiều địa phương cũng than khó vì sự sụt giảm thê thảm của thị trường ôtô năm 2012.
“Tình hình sản xuất, kinh doanh năm nay quả thật là rất bi đát. Riêng với sự sụt giảm tiêu thụ đến 40% của thị trường ôtô, cả nước và nhiều địa phương, trong đó Vĩnh Phúc gặp khó khăn nhất, thiệt hại nhất về thu ngân sách”, ông Đại Văn Giới, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, đã “than” như vậy trong một cuộc họp giao ban sản xuất mới đây do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Ông Giới cho biết, năm 2012, số thu ngân sách Trung ương giao cho Vĩnh Phúc là 17.500 tỷ đồng, Hội đồng Nhân dân giao thêm nữa, nhưng nhiều khả năng tổng thu ngân sách cả năm giỏi lắm cũng chỉ đạt khoảng 13.600 tỷ đồng. Đó là một sự thâm hụt lớn mà cơ bản xuất phát từ sự tuột dốc của thị trường ôtô, bởi thu ngân sách nhà nước của Vĩnh Phúc nằm chủ yếu ở mảng ôtô, xe máy.
Vĩnh Phúc được xem là địa phương điển hình về sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp ôtô, xe máy khi có 2 nhà sản xuất chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam là Toyota và Honda đặt nhà máy tại đây.
Ví dụ Toyota. Năm ngoái liên doanh ôtô Nhật Bản đạt sản lượng bán hàng 30.000 xe, nộp vào ngân sách tỉnh khoảng 16.000 tỷ đồng. Do sản lượng sụt giảm mạnh, 8 tháng năm 2012 Toyota mới chỉ nộp vào ngân sách được 7.000 tỷ đồng. Theo tính toán của ngành thuế Vĩnh Phúc, với tình hình ôtô ế ẩm và vẫn chưa có dấu hiệu đi lên, khả năng thâm hụt thu ngân sách của tỉnh năm 2012 đến con số hơn 1.000 tỷ đồng là khó tránh khỏi.
Dù không phụ thuộc quá nhiều như Vĩnh Phúc nhưng Hải Dương cũng gặp khó về chỉ tiêu thu ngân sách năm nay do ảnh hưởng từ thị trường ôtô. Với việc Ford đặt nhà máy tại đây, từ nhiều năm nay Hải Dương đã trở thành một trong những địa phương có nguồn thu ngân sách cao trên cả nước.
Tuy nhiên, tính đến hết 8 tháng, hãng xe Mỹ này mới bán được 2.332 xe, bằng 30% kế hoạch dự kiến, tương ứng số nộp ngân sách 419 tỷ đồng, đạt 25% dự toán, chỉ bằng 43 % so với cùng kỳ. Đáng chú ý, Ford là doanh nghiệp đầu đàn về tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương. Ngành thuế Hải Dương tính toán, riêng số thu ngân sách hụt đi từ Ford cũng lên đến vài trăm tỷ đồng.
Trong bối cảnh khó khăn đó, tại buổi lễ xuất xưởng chiếc Focus đầu tiên, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển, đã chia sẻ bằng một câu chuyện nhỏ: “Tôi vẫn thường khuyên các cơ quan, đoàn thể đóng trên địa bàn nếu mua ôtô thì nên chọn xe Ford để xem như một hành động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp luôn có đóng góp ngân sách lớn cho địa phương”, ông Hiển bày tỏ.
Một điển hình nữa có thể kể đến là tỉnh Quảng Nam với sự hiện diện của nhà sản xuất ôtô Trường Hải.
Năm 2011, nhà sản xuất ôtô vốn đầu tư trong nước này đạt tổng sản lượng bán hàng 32.474 xe thuộc tất cả các phân khúc, đạt doanh thu 11.611 tỷ đồng và nộp ngân sách 4.141 tỷ đồng. Năm nay, dự báo được tình hình khó khăn của thị trường, số ngân sách dự toán phân bổ cho Trường Hải rút xuống còn hơn 2.115 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo thống kê thì 6 tháng đầu năm Trường Hải mới chỉ nộp ngân sách được hơn 568 tỷ đồng, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Và dự báo, số thu ngân sách mà tỉnh Quảng Nam có được từ sự đóng góp của Trường Hải cũng là rất lớn.
Ngoài Hà Nội và Tp.HCM, rõ ràng với việc phụ thuộc nhiều và các doanh nghiệp ôtô, xe máy đóng trên địa bàn, khi thị trường ảm đạm thì nỗi lo hụt nguồn thu ngân sách ở mức lớn của không ít địa phương là hiện hữu.
(theo VnEconomy)
kynam
Link nội dung: https://autovina.com/oto-lam-kho-tui-tien-dia-phuong-a8034.html