>> Văn hóa "chơi" xe của người Nhật (Phần 2)
Trên thực tế, việc sở hữu và lái một chiếc ô tô ở Nhật là một thử thách lớn đối với lòng kiên nhẫn và... túi tiền của bạn. Những chủ xe ở Nhật phải đối mặt với hai cuộc đăng kiểm xe nghiêm ngặt và đắt đỏ mỗi năm, cùng với mức phí lưu thông trên đường cao tốc thuộc loại “cắt cổ” nhất nhì Thế giới. Ngoài ra, họ phải thường xuyên lưu thông trên những con đường chật như nêm cối – nơi mà bạn có cảm giác rằng một chiếc Toyota Yaris cũng kềnh càng như một chiếc Hummer vậy.
Mặc dù có vô vàn yếu tố bất lợi khi sở hữu một chiếc ô tô, tuy nhiên tình yêu xe của người Nhật vẫn không vì thế mà giảm đi. Mặc dù có diện tích chỉ xấp xỉ bằng với bang California – Mỹ, tuy nhiên những đường đua lớn nhỏ nằm ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản. Và khi nhìn vào bất kỳ sạp báo hay hiệu sách nào, bạn cũng có thể thấy được “hằng hà sa số” những ấn phẩm, tạp chí về xe. Ở bất kỳ cửa hàng tiện lợi nào, bạn cũng sẽ tìm thấy những mô hình xe với đủ hình dáng và kích cỡ.
Những cửa hàng “đồ chơi” xe nhỏ nhất ở Tokyo cũng khiến bạn có cảm giác đang lạc vào một siêu thị, với đủ món phục vụ cho chiếc “xế cưng”, từ la-zăng, ghế thể thao, các loại đèn, hệ thống âm thanh, nước hoa xe hơi tới cả những món nhỏ nhặt nhất như chìa khoá hay nắp van hơi. Giá đất ở Nhật, đặc biệt là ở Tokyo rất đắt đỏ, phần lớn mọi người đều sống trong những căn hộ tập thể y hệt nhau; chính vì vậy chiếc xe là nơi người Nhật thể hiện phong cách, cá tính và cả độ “chịu chơi” của mình.
Ngành công nghiệp phụ tùng và “độ” xe ở Nhật là một “mảnh đất” màu mỡ, với doanh thu hàng năm trên 3,5 tỉ USD. Có lẽ vì vậy mà Nhật Bản là nơi sản sinh ra nhiều phong cách chơi xe độc đáo, không “đụng hàng”. Một sự hiểu nhầm khác về câu chuyện xe hơi ở Nhật đó là mọi người ở đây đều lái những chiếc xe với “tuổi đời” tối đa chỉ 3-5 năm. Mặc dù đúng là phí đăng kiểm của những chiếc xe cũ đắt hơn nhiều so với xe mới, tuy nhiên điều đó không ngăn cản người Nhật chơi những chiếc xe cũ, xe cổ. Nhiều người chơi xe cũ không phải do không có tiền mua những model mới hơn, mà vì đơn giản là họ có một tình cảm đặc biệt với dòng xe mà họ đang sở hữu. Toyota Corolla AE86 là một ví dụ điển hình. Mặc dù đã có tuổi đời hơn 25 năm, tuy nhiên ngày nay, bạn vẫn có thể dễ dàng bắt gặp một chiếc AE86 cả trên đường đua lẫn đường phố ở Nhật.
Ngoài ra ở Nhật, thuế đánh vào những chiếc xe với dung tích động cơ và công suất lớn rất cao; chính vì vậy, ngay cả những mẫu xe thể thao cũng hiếm khi được trang bị những động cơ với dung tích xi-lanh vượt quá 4 lít và công suất bị giới hạn ở mức 280 mã lực. Tuy nhiên nhờ vào việc sử dụng những công nghệ hiện đại, turbo cùng với sự hỗ trợ từ các hãng độ xe và thị trường sau bán hàng, những chiếc xe này vẫn có thể đạt được những mức công suất cao một cách đáng ngạc nhiên. Nissan Skyline, Toyota Supra và Mazda RX-7 là những ví dụ điển hình.
Khi đọc đến đây, chắc hẳn các bạn đã có thể hình dung được những nét chung nhất về văn hoá xe của người Nhật. Và tiếp theo, chúng ta hãy cùng xem qua một số xu hướng và phong cách chơi xe độc đáo của xứ Phù Tang:
1 -VIP Style
VIP Style là cụm từ dùng để chỉ những mẫu sedan lớn của Nhật được hạ thấp gầm, lắp những bộ mâm với bản rộng và ốp bodykit nhằm làm cho chúng trông bề thế, sang trọng hơn. Phong cách VIP thường gắn liền với những mẫu sedan cỡ lớn, dẫn động bánh sau, sản xuất bởi các hãng xe của Nhật. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, phong cách này đã vươn tới nhiều loại xe hơn, từ minivan, xe hạng nhỏ hay thậm chí là xe thể thao.
Lịch sử phát triển của phong cách độ xe VIP gắn liền với các băng Yakuza ở Nhật. Người ta tin rằng Vip Style xuất phát từ mối việc các băng nhóm mafia bị đe doạ khi họ đi những chiếc xe sang trọng của châu Âu như Mercedes S-Class hay BMW 7 Series: những chiếc xe này khiến cảnh sát và các băng nhóm khác chú ý nhiều hơn. Bằng cách sử dụng những chiếc sedan lớn do chính các hãng Nhật Bản sản xuất, họ có thể tránh được sự chú ý đó.
Ngoài ra, phong cách VIP còn có liên quan đến những tay đua đường phố tại vùng Osaka và các băng xe máy Bosozoku tại vùng Kanto. Vào những năm 90, khi cảnh sát bắt đầu hướng mục tiêu vào những loại xe thể thao cỡ nhỏ, các tay đua ở vùng Osaka bắt đầu chuyển sang những chiếc sedan nhằm tránh bị chú ý. Những băng này thường lái xe rất ẩu, cố tình gây tắc đường và thường xuyên tìm cách “lách” phí lưu thông trên đường cao tốc. Để “bắt chước” những băng Yakuza, họ cũng sử dụng những chiếc sedan cỡ lớn màu đen.
Những chiếc xe theo phong cách VIP thường có những điểm chung sau: la zăng đắt tiền với đường kính lớn, bản rộng, được đánh bóng hoặc mạ chrome và nằm sát với vòm bánh xe; trang bị đầy đủ bodykit/bodylip, sơn bóng và khoảng sáng gầm xe thấp. Những chiếc xe VIP với những bánh xe có góc nghiêng rất lớn (góc camber âm) không phải là điều hiếm gặp. Nội thất của xe thường được bọc bằng những vật liệu đắt tiền, với những bề mặt được thêu tay hoàn toàn thủ công có thể thách thức bất kỳ hãng xe sang trọng nào và được trang bị hệ thống thông tin giải trí hi-end. Những màu truyền thống của những chiếc xe theo phong cách VIP bao gồm đen, trắng, xám và bạc.
Một số mẫu xe thường được “độ” theo phong cách VIP bao gồm Toyota Crown, Toyota Aristo, Toyota Century, Toyota Celsior, Nissan President, Nissan Cima, Nissan Gloria, Nissan Cedric và Nissan Fuga. Ngoài ra, một số mẫu xe sang trọng của châu Âu và Mỹ cũng bắt đầu được “độ” theo phong cách này như Jaguar XJ, Mercedes S-Class và Chrysler 300C. Khi một mẫu xe đến từ châu Âu được “độ” theo phong cách VIP, người Nhật sẽ gọi chúng là “VIP Euro” để phân biệt.
2 - Itasha
Ngoài xe hơi, Nhật Bản còn nổi tiếng với ngành công nghiệp truyện tranh (manga), phim hoạt hình (anime) và game. Bật bất kỳ một chiếc TV nào ở nhật, bạn cũng có thể bắt gặp một bộ anime đang được trình chiếu, và bạn cũng có thể dễ dàng mua một cuốn tạp chí manga tại bất kỳ một sạp báo nào. Nhiều fan hâm mộ (otaku) đã trang trí hình những nhân vật trong những bộ anime/manga hay game (thường là nữ) trên những chiếc xe của mình như một cách thể hiện sự yêu thích cuả họ đối với nhân vật đó, dẫn đến sự ra đời của phong cách Itasha.
Ban đầu, Itasha là từ lóng nhằm ám chỉ những chiếc xe nhập khẩu từ Ý. Vào thập niên 80, khi nền kinh tế Nhật Bản đang ở đỉnh cao, trên đường phố xuất hiện hàng loạt những chiếc xe hạng sang; và trong số chúng, những chiếc Itasha được nhiều người ngưỡng mộ nhất.
Tuy nhiên từ những năm 1990, từ ‘Itai” thường gắn liền với Miyazaki Tsutomu – một otaku đồng thời là kẻ giết người hàng loạt khét tiếng, và được sử dụng để chỉ những hành động vượt quá giới hạn của dân otaku. Kể từ lúc đó, “Itasha”, được ghép từ hai từ “Itai” (sự đau đớn) và “Sha” (xe) bắt đầu mang nghĩa là những chiếc xe được trang trí. “Itai” trong “Itasha” có thể được hiểu là “đáng xấu hổ một cách đau đớn” do những chiếc xe được trang trí với hình những nhân vật kỳ dị hay quá thiếu vải, hoặc “đắt đau đớn” do chi phí để tạo nên một chiếc Itasha là khá cao, tuỳ vào độ “chơi” của chủ xe.
Trên thực tế, những chiếc xe đầu tiên theo phong cách Itasha đã bắt đầu manh nha xuất hiện vào những năm 80; tuy nhiên mãi đến đầu Thế kỷ 21, với sự phát triển của Internet, phong cách Itasha mới bắt đầu được biết đến rộng rãi. Năm 2007, buổi offline đầu tiên về Itasha, Autosalone lần đầu tiên được tổ chức tại Ariake, gần hội chợ về anime/manga nổi tiếng Comiket. Cũng trong năm này, những chiếc xe đua đầu tiên mang phong cách Itasha, bắt đầu xuất hiện ở các giải đua khác nhau, chẳng hạn như chiếc Mitsubishi Lancer Evo VII trang trí hình những nhân vật trong anime Lucky Star tại giải Japan Dirt Trial. Các hãng sản xuất ô tô cũng không đứng ngoài cuộc chơi Itasha. Năm 2009 tại triển lãm Nagoya Motor Trend, một chiếc Chevrolet Corvette với chủ đề từ game Phantom of Inferno và một chiếc Toyota Estima với hình những nhân vật trong game Chaos;Head được công bố. Thậm chí không chỉ dừng lại ở ô tô, phong cách Itasha còn vươn đến các phương tiện và sản phẩm khác như máy bay, xe máy, xe đạp, điện thoại và máy tính.
Ngày nay, Itasha đã trở thành một “công cụ” để quảng bá hình ảnh về nền văn hoá anime/manga của nước Nhật, đồng thời phong cách này cũng bắt đầu vươn đến các quốc gia khác trên Thế giới.
Autovina sẽ tiếp tục gởi đến độc giả một số phong cách và văn hóa chơi xe khác của người Nhật Bản trong những bài viết tới, mời quý độc giả đón theo dõi.
Quang Huy
cuongvc
Link nội dung: https://autovina.com/van-hoa-choi-xe-cua-nguoi-nhat-a7787.html