Drift là gì ?

(Autovina) - Chiếc Toyota Supra đang trượt ngang trong một khúc cua thơ mộng, những âm thanh ken két vang trời, những làn khói từ cặp lốp sau mờ mờ ảo ảo... Đó là một cú drift đẹp ! Vậy Drift là gì ?

Drift là một kỹ thuật lái xe mà trong đó, người lái xe cố tình làm thừa lái, gây ra sự trượt bánh sau, trong khi vẫn có thể điều khiển được chiếc xe theo hướng mong muốn ở tốc độ cao. Một chiếc xe được xem như đang drift khi góc trượt ở phía sau lớn hơn phía trước trước khi vào góc cua, và bánh trước xoay ở hướng đối diện so với góc cua (ví dụ như chiếc xe rẽ trái trong khi bánh phía trước đang ở vị trí rẽ phải). Hiện nay, Drift là một môn thể thao tương tự như những loại hình khách liên quan tới xe cộ. Các cuộc đua drift chuyên nghiệp hiện đang được tổ chức ở nhiều quốc gia trên Thế giới như Mỹ, Canada, Nhật Bản…

Đôi nét lịch sử về bộ môn nghệ thuật Drift…

Drift bắt nguồn từ một kỹ thuật đua xe phổ biến trong các giải đua xe du lịch ở Nhật hơn 30 năm trước. Kunimitsu Takahashi là người sáng tạo ra những kỹ thuật drift đầu tiên vào những năm 70. Ông nổi tiếng với kỹ thuật băng qua apex (điểm mà chiếc xe gần nhất so với lề trong của góc cua) với tốc độ cao sau đó drift qua góc cua. Kỹ năng này giúp ông bước lên vị trí vô địch trong một số giải đua và chiếm được cảm tình của những người yêu motosport.



Sau khi xem những kỹ thuật của Takahashi, Keiichi Tsuchiya, người mà sau này trở thành Drift King (vua Drift) bắt đầu có hứng thú đặc biệt với chúng. Từ đó, ông bắt đầu luyện tập các kỹ thuật drift trên những con đường núi ở Nhật và nhanh chóng giành được sự tôn trọng từ cộng đồng đua xe. Vào năm 1987, một vài tạp chí đua xe và các garage bắt đầu sản xuất video về những kỹ năng drift của Tsuchiya. Những video này nhanh chóng trở nên nổi tiếng và vẫn còn gây nhiều ảnh hưởng đến những drifter (tay đua drift) chuyên nghiệp ngày nay. Vào năm 1988, ông đã hợp tác cùng với người sáng lập/tổng biên tập tạp chí Option, Daijiro Ianda tổ chức sự kiện đầu tiên chỉ dành cho drift, được gọi là D1 Grand Prix.

Một trong những sự kiện drift đầu tiên diễn ra ngoài Nhật Bản vào năm 1996, được tổ chức tại đường đua Willow Spring, California và do tạp chí Option tài trợ. Ban giám khảo gồm có Ianda, Tsuchiya và tay đua drag Kenji Okazaki. Kể từ đó, drift đã bùng nổ và trở thành một thể loại đua cực kỳ phổ biến ở Mỹ, Australia và châu Âu.

Đại diện Autovina tại một giải drift bán chuyên trong khu vực

Ngày nay, drift đã trở thành một môn thể thao chuyên nghiệp. Những tay đua tranh tài phần lớn đều sử dụng xe dẫn động cầu sau hoặc 4WD, thực hiện nhiều kỹ thuật nhằm giành được điểm số cao. Ban giám khảo dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau để cho điểm thí sinh. Cũng như các thể thức đua xe khác, drift cũng có nhũng giải đua khác nhau với nhiều cấp độ khác nhau. Giải D1 Grand Prix ở Nhật và Mỹ là giải drift lớn nhất, quy tụ nhiều tay đua đẳng cấp Thế giới.

Sau D1 là hàng loạt các giải khác từ nhiều quốc gia khác nhau như Malaysia, Australia, giải Pro-drift và King of Europe Drift Series ở châu Âu, BDC Anh,URC (United Racers Club) ở Bangladesh, SUPERDRIFT ở Italy, Formula D ở Mỹ, Drift Mania ở Canada, và NZ Drift Series ở New Zealand. Các giải trên đã góp phần làm cho drift trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, các giải đua trên đều chịu ảnh hưởng từ D1 Grand Prix, với thể lệ được sửa đổi một chút để phù hợp với từng khu vực khác nhau.

Một vài thể lệ trong những giải Drift…

Những giải đua và sự kiện drift thường có cách tính điểm dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau như đường, góc cua, điểm trình diễn, và tốc độ. Các tay đua phải cố gắng đi theo một đường và được định sẵn bởi ban giám khảo. Điểm trình diễn được tính dựa trên nhiều tiêu chí như lượng khói lốp cháy mà xe tạo ra khi drift, khoảng cách giữa thân xe và bờ tường (độ sát vỉa), và phản ứng của khán giả. Góc cua là góc của chiếc xe so với khúc cua khi drift. Tốc độ bao gồm tốc độ vào cua, trong khúc cua va khi thoát khỏi khúc cua, càng nhanh càng tốt. Ban giám khảo thường ngồi ở một vị trí có thể nhìn rõ được một vài khúc cua liên tục.

Một giải drift thường có hai vòng: vòng kiểm tra và vòng loại trực tiếp. Vòng kiểm tra được gọi là Tansou, trong đó tay đua phải cố gắng gây ấn tượng với ban giám khảo để được chọn vào vòng đấu loại trực tiếp. Vòng này thường được tổ chức một ngày trước vòng đấu loại trực tiếp. Vòng cuối được gọi là Tsuiso. Ở vòng này, các tay đua được xếp cặp với nhau và lần lượt thực hiện hai lượt chạy. Vị trí xuất phát của các tay đua se bị đảo ngược giữa hai lượt: ở lượt 1, một tay đua sẽ đứng trước tay đua còn lại ở vạch xuất phát trong khi ở lượt 2, anh ta sẽ đứng sau. Mỗi tay đua chiến thắng ở mỗi cặp sẽ lần lượt được chọn vào tứ kết, bán kết và chung kết. Vòng này được quyết định dựa trên những yếu tố sau:

-Tay đua nào vượt qua được tay đua dẫn trước khi đang drift sẽ giành chiến thắng
-Tay đua nào vượt qua được tay đua dẫn trước trong điều kiện lái xe bình thường sẽ bị loại
-Xe bị quay tròn (drift hỏng) sẽ bị loại, trừ khi xe khác cũng bị quay
-Cố gắng giữ vị trí dẫn đầu và thu hẹp khoảng cách với xe trước trong khi drift sẽ giúp tay đua chiến thắng dễ dàng hơn



Điểm được tính cho mỗi lượt đua, và thường chỉ có một tay đua chiếm ưu thế. Trong một số trường hợp, khi ban giám khảo không thể quyết định được người chiến thắng hoặc quyết định vấp phải sự phản đối của khán giả, hai tay đua sẽ phải đua thêm lượt nữa cho đến khi một trong hai người giành chiến thắng. Đôi khi một số lỗi kỹ thuật sẽ quyết định đến kết quả. Nếu một xe không thể tham gia vào lượt đấu, xe còn lại sẽ chạy một mình sẽ được vào thẳng vòng trong.

Tùy từng giải drift khác nhau mà luật có thể thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Chẳng hạn như ở Australia, chiếc xe theo sau được tính điểm dựa trên độ giống của kỹ thuật và đường chạy so với chiếc xe phía trước thay vì dựa trên những kỹ thuật khác nhau.

Những xe ưa dùng cho các Drifter…

Thông thường, xe dùng để drift thường là những xe dẫn động cầu sau với hệ thống treo MacPherson, có trọng lượng nhẹ, có mức công suất không quá lớn và khoảng cách giữa hai bánh xe không quá ngắn. Những xe dẫn động 4 bánh có thể drift tuy nhiên chúng thường bị ngắt đi cầu trước để trở thành xe dẫn động cầu sau. Các xe của Nhật Bản thường được ưa chuộng hơn do có trọng lượng phần đuôi nhẹ hơn xe của các nước khác. Mặc dù phần lớn chúng được sản xuất dành riêng cho thị trường Nhật Bản, tuy nhiên một lượng lớn đã được nhập khẩu  vào Mỹ, châu Âu và các nước khác theo nhiều con đường khác nhau. Ngoài xe Nhật, các tay drift còn có thể sử dụng những loại xe có sẵn ở quốc gia của họ như Ford Mustang ở Mỹ, Mercedes-Benz và BMW ở Đức, Holden ở Australia...

Một số loại xe phổ biến nhất trong drift:

- Nissan: Silvia/180SX/200SX/240SX,  Cefiro A31, Laurel C33, 350/370Z,  Skyline GT/GTS/GTT, Infiniti G35

- Toyota: Corolla AE86, Corolla KE70, Chaser, Mark II, Supra, MR2, Soarer/Lexus SC, Altezza/Lexus IS



- Honda: S2000, NSX

- Mazda: MX5, RX-7, RX-8

Khi mua xe về, các tay đua còn phải thực hiện một loạt quá trình nâng cấp để biến chiếc xe trở thành xe drift chuyên nghiệp. Nội thất ban đầu của chiếc xe hầu như được gỡ bỏ hoàn toàn nhằm giảm trọng lượng, vô lăng và ghế lái được thay thế. Vô lăng là loại thể thao, với đường kính nhỏ và độ tròn gần như tuyệt đối, giúp tay đua dễ dàng đánh lái và trả lái hơn. Ghế lái được thay bằng loại ghế thể thao ôm lưng, các ghế còn lại bị loại bỏ. Ngoài ra, những chiếc xe drift còn được trang bị hệ thống khung thép trong cabin (rollcage), giúp chiếc xe trở nên ổn định hơn khi drift và bảo vệ tay đua khi có tai nạn.

Bodykit thường được gá vào thân xe bằng dây cáp. Khi chiếc xe bị va đập, những dây cáp này sẽ tự động nhả ra khỏi xe, giúp bodykit không bị gãy, vỡ. Những cánh đuôi lớn thường được sử dụng trong những cuộc đua diễn ra ở các đường đua lớn, giúp tăng lực nén xuống đường. Các hốc bánh xe được nới rộng để phù hợp với những lốp xe mới. Những lốp xe phía sau thường bị cháy mòn hết chỉ sau một buổi chiều drift. Chính vì vậy, khi luyện tập, các tay đua thường sử dụng lốp chất lượng tốt cho các bánh xe phía trước và lốp second-hand cho phía sau. Mặc dù những chiếc lốp giá rẻ và second-hand dễ drift hơn do có độ bám đường kém hơn, tuy nhiên, chúng sẽ đe doạ đến sự an toàn của tay đua khi drift ở tốc độ cao. Chính vì vậy, những tay đua chuyên nghiệp thường yêu cầu loại lốp có độ bám đường tối đa để đễ dàng điều khiển xe hơn.

Động cơ của một chiếc xe drift không cần phải quá mạnh vì nếu chiếc xe quá dư thừa công suất, sẽ rất khó khăn cho tay đua để điều khiển chiếc xe drift. Thông thường, công suất của một chiếc xe drift thường dưới 500 mã lực. Việc độ động cơ thường tập trung vào làm mát và tăng độ ổn định hơn là tăng công suất. Khi drift, động cơ của chiếc xe tạo ra rất nhiều nhiệt, chính vì vậy, việc "độ" hệ thống làm mát là không thể thiếu. Côn được thay thế bằng loại do các hãng linh kiện nổi tiếng sản xuất, với độ cứng lớn hơn nhiều.

Hộp số được cân chỉnh lại với tỉ số truyền thấp nhằm giữ động cơ hoạt động trong một dải công suất nhất định. Hệ thống treo được thay loại lò xo với hành trình lớn hơn, góc Caster cũng được tăng lên nhằm giúp chiếc xe có độ ổn định lớn hơn khi xoay ngang. Phần lớn xe dùng để drift đều dùng hệ thống treo kiểu MacPherson do chúng cho phép thay đổi khoảng sáng gầm xe mà không phụ thuộc vào độ dài hành trình của lò xo. Không có cách điều chỉnh hoàn hảo cho hệ thống treo và chiều cao xe, mỗi tay đua lại có một cách khác nhau để phù hợp với phong cách lái của mình. Nhiều hãng thứ 3 sản xuất những bộ giảm xóc được cân chỉnh đặc biệt dành cho drift, giúp môn thể thao này đến được với nhiều người hơn.

Một số hình ảnh drift đẹp :








Chủ đề ảnh: Drift

Mời các bạn cùng chia sẻ những bức ảnh và kinh nghiệm về Drift và gửi về địa chỉ email bandoc@autovina.com, ghi rõ chú thích ảnh, tên tác giả (Không ghi chữ, logo lên ảnh). Những bức ảnh được chọn sẽ được đăng lên Autovina.vn và Facebook của Autovina.vn. để mọi người cùng xem và bình luận.

Quang Huy

cuongvc

Link nội dung: https://autovina.com/drift-la-gi-a7579.html