Kiến nghị không thu phí tràn lan với ô tô, xe máy

(Autovina) - Nhiều loại phí áp dụng với ô tô, xe máy thời gian qua đã tăng quá cao, nếu tăng thêm nữa dân sẽ không gánh nổi.

Đề xuất điều chỉnh nhiều loại thuế, phí như thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ, phí đăng ký phương tiện của dự thảo đề án Hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn là không phù hợp thực tế”. Đó là nội dung văn bản góp ý cho đề án do Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam gửi Bộ GTVT, ngày 31-8. (Trong các số báo gần đây, Pháp Luật TP.HCM đã liên tiếp đăng tải các ý kiến góp ý cho đề án này).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, giải thích: Do phải chịu các loại thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế GTGT nên giá ô tô của Việt Nam hiện cao gấp 2,5-3 lần các nước trong khu vực. Từ đầu năm 2012, phí trước bạ đăng ký ô tô, xe máy đã được điều chỉnh tăng (từ 12% lên 20% đối với Hà Nội và từ 10% lên 15% đối với TP.HCM). Phí đăng ký và cấp biển số cũng tăng không ít, như tại Hà Nội phí đăng ký lần đầu cho ô tô dưới 10 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải đã từ 2 triệu đồng vọt lên 20 triệu đồng. Phí đăng ký xe máy trị giá trên 40 triệu đồng cũng tăng gấp đôi, từ 2 triệu đồng lên 4 triệu đồng/xe.

Thời gian qua, phí ô tô, xe máy đã tăng quá cao. Ảnh: HTD

“Tất cả loại phí áp dụng với ô tô, xe máy thời gian qua đều đã tăng quá cao rồi, không thể tăng thêm được nữa vì dân sẽ không gánh nổi” - ông Hùng nói.

Về đề xuất thu phí môi trường đối với ô tô, xe máy, Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng lý giải ban soạn thảo đưa ra (đóng phí vì ô tô, xe máy phát thải và gây ô nhiễm không khí) cũng không hợp lý. Bởi hiện nay phí môi trường đã được thực hiện theo Luật Môi trường với mức thu là 1.000 đồng/lít xăng dầu. “Như vậy, ô tô, xe máy khi sử dụng xăng dầu để lưu thông đã phải đóng phí. Nếu đóng thêm loại phí này nữa sẽ là phí chồng phí” - ông Hùng khẳng định.

Hiệp hội Vận tải Việt Nam cũng kiến nghị bỏ đề xuất thu phí xe vào trung tâm TP. Lý do là trong đề án đã đề xuất thu phí lưu thông vào giờ cao điểm rồi. “Ùn tắc tại Hà Nội, TP.HCM và các TP lớn khác chủ yếu rơi vào giờ cao điểm, còn các thời điểm khác giao thông vẫn bình thường. Do đó, nếu vừa thu phí xe vào trung tâm TP, vừa thu phí lưu thông trong giờ cao điểm sẽ dẫn tới tình trạng lạm thu” - ông Hùng nói.

Theo Pháp Luật

cuongvc

Link nội dung: https://autovina.com/kien-nghi-khong-thu-phi-tran-lan-voi-o-to-xe-may-a7348.html