>> Chi tiết vụ tai nạn
Xem kĩ lại đoạn băng Video của VOV Giao Thông ghi lại được tại hiện trường, có thể dễ dàng quan sát thấy rằng chiếc ô tô màu đen đã hoàn toàn chấp hành nghiêm chỉnh đèn báo hiệu. Thấy rõ chiếc xe màu đen dừng lại chờ đèn đỏ và sau đó thì từ từ lăn bánh khi đèn xanh bật sáng. Nhưng không hiểu ở đâu có chiếc xe máy từ "trên trời rơi xuống", vượt đèn đỏ với tốc độ chóng mặt và điều gì đến cũng phải đến, một vụ đâm xe rất mạnh đã xảy ra.
Đã tìm thấy chiếc xe và người điều khiển chiếc xe ô tô trong vụ tai nạn này.
Vụ tai nạn này tất nhiên sẽ trở nên rất bình thường nếu như người lái chiếc xe ô tô không tiếp tục điều khiển xe, bỏ trốn khỏi hiện trường khiến dư luận xôn xao trong mấy ngày nay. Như vậy, xét về luật pháp, người thiếu úy cảnh sát điều khiển chiếc xe máy đã sai luật hoàn toàn. Nhưng ngược lại nếu xét về tình, thì người lái ô tô lại bị chỉ trích.
Đối với người điều khiển xe máy, lỗi vượt đèn đỏ đã rành rành và không thể nào chối cãi, hậu quả để lại thật đáng tiếc. Còn đối với người lái ô tô, chỉ vì phút hoảng loạn, mất bình tĩnh mà để đánh mất mình, bỏ chạy sau khi tai nạn xảy ra, điều này thật đáng trách, và người lái ô tô cuối cùng cũng phạm luật, vì pháp luật có quy định: người thấy người bị thương có nguy cơ tử vong mà không cứu là vi phạm pháp luật.
Thiếu úy công an được đưa vào bệnh viện Việt Đức trong tình trạng chấn thương sọ não và mất tai phải.
Từ vụ tai nạn đáng tiếc này, bài học rút ra được tuy đã quá cũ, được đề cập rất nhiều trong sách vở và các kênh truyền thông, nhưng vẫn có người coi thường tính mạng như nạn nhân đi xe máy trong vụ tai nạn này. Hậu quả để lại thì ai cũng đã biết thông qua các kênh truyền thông lớn, nhưng bài học sau tai nạn này, liệu mọi người có nhớ : “Không vượt đèn đỏ, bình tĩnh xử lý sau tai nạn”.
Nghị định 34/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người điều khiển môtô, xe máy (và xe tương tự) vượt đèn bị phạt từ 100 đến 200 nghìn đồng (điểm a, khoản 3, điều 9); vi phạm tại nội thành ĐTĐB bị phạt từ 300 đến 500 nghìn đồng (khoản 2, điều 44) và bị tước quyền sử dụng GPLX 30 ngày.
Đặc biệt, khi điều khiển xe ôtô (và xe tương tự ôtô), lái môtô, xe máy (và xe tương tự), lái máy kéo, xe máy chuyên dùng vượt đèn đỏ mà gây tai nạn giao thông đều bị tước quyền sử dụng GPLX.
Không chỉ bị tước quyền sử dụng GPLX, người điều khiển phương tiện tham gia GT mà gây TNGT từ mức nghiêm trọng trở lên có thể còn phải đối mặt với việc bị khởi tố hình sự, đưa ra xét xử trước tòa.
Theo luật sư Phạm Thanh Bình, nếu quá trình điều tra chứng minh được lái xe ôtô không có lỗi khi xảy ra tai nạn thì anh ta có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi "bỏ mặc, không cứu giúp người bị nạn". Trường hợp nghiêm trọng lái xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” quy định tại Điều 102 Bộ luật hình sự với mức hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Cường Vũ
cuongvc
Link nội dung: https://autovina.com/hau-qua-nang-ne-chi-vi-vuot-den-do-a6126.html