Giảm chi phí
TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: “Việc lắp đặt thiết bị GPS sẽ nâng cao hiệu quả quản lý của doanh nghiệp, như giảm chi phí nhân sự thanh tra, giám sát; đảm bảo an toàn phương tiện và hành khách; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của tài xế…”.
Việc lắp "hộp đen" GPS sẽ giảm chi phí cho các doanh nghiệp vận tải.
Cũng theo ông Dũng, ngoài lợi ích của doanh nghiệp, nó còn mang lại lợi ích cho người dân và đơn vị quản lý nhà nước. Nâng cao sự an toàn, hạn chế tai nạn vì lái xe được quản lý tốt. Với nhà nước, sẽ nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý, hạn chế tiêu cực vì có nguồn nguyên dữ liệu thông tin phong phú, tức thời.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng: Nên tránh lối suy nghĩ dùng cơ sở dữ liệu từ GPS để xử phạt tài xế, doanh nghiệp, vì như vậy sẽ khó đưa khoa học kỹ thuật vào đời sống.
Bên cạnh việc thừa nhận những lợi ích do GPS mang lại, và nhu cầu áp dụng nó của doanh nghiệp và nhà nước, hành khách là hết sức cấp thiết. Nhưng TS. Khuất Việt Hùng - Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (ĐH GTVT) đặt nghi vấn với hệ thống văn bản pháp quy, khi chỉ còn ít tháng nữa là tới mốc 1/7, nhưng tới nay chưa có các văn bản quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về mã nguồn phần mềm hệ thống, dải tần số thiết bị, độ chính xác của thông tin (địa lý, thời gian), vấn đề bảo mật và chia sẻ thông tin…
“Trong quá trình vận hành, liên kết giữa nhà nước và doanh nghiệp nếu phát sinh vấn vấn đề tranh chấp pháp lý thì doanh nghiệp phải xử lý như thế nào, trách nhiệm của nhà nước ra sao… vẫn chưa có quy định cụ thể”, ông Hùng lấy ví dụ.
Với kết quả thử nghiệm trong gần 1 năm qua của mình, đại diện Tập đoàn Mai Linh chia sẻ, chi phí bỏ ra cho việt lắp đặt GPS là không nhỏ, đấy cũng có thể xem là một trở ngại. Tuy nhiên, về lâu dài, lợi ích của nó mang lại cao hơn vốn bỏ ra rất nhiều. Chỉ cần 3 tháng là có thể thu hồi vốn, vì tiết kiệm được nhiều chi phí khác.
“Nếu không có GPS chúng ta phải thuê người để thanh tra, kiểm soát, việc này mất nhiều công sức, thời gian, nhưng không đảm bảo tính khách quan”, đại diện Mai Linh nhận định.
Còn nhiều cái vướng
“Theo quy định, thiết bị GPS phải có tem hợp chuẩn, vậy đơn vị nào sẽ làm tem này, quá trình kiểm định như thế nào để được cấp, lệ phí bao nhiêu. Vai trò của Cục Đăng kiểm ở đâu, tại sao cơ quan đăng kiểm lại do Bộ chỉ định?” - ông Nguyễn Ân, nguyên cán bộ Bộ GTVT đưa ra thắc mắc của mình.
Trước những câu hỏi của ông Ân, ông Nguyễn Văn Ích, Vụ phó Vụ KHCN (Bộ GTVT) cho rằng: Các thiết bị GPS phải tối thiểu đạt được các quy chuẩn quy định trong bộ Quy chuẩn quốc gia. Để thử nghiệm, các đơn vị sản xuất phải tới các cơ quan đăng kiểm được Bộ KH&CN cấp phép.
Liên quan đến vai trò của Cục Đăng kiểm, ông Ích cho biết: Các doanh nghiệp đều đề xuất tự lựa chọn nhà kiểm định, để đảm bảo sự thuận lợi và tính khách quan. Nên Bộ để cho các doanh nghiệp lựa chọn và có thể tự công bố kết quả.
Một thắc mắc được không ít người đặt ra, đó là chỉ còn ít tháng nữa đã tới 1/7, tuy nhiên hiện nay các văn bản hướng dẫn, quy định… vẫn chưa được Bộ ban hành đầy đủ. “Liệu có phải hoãn ngày áp dụng, hoặc xử lý không nghiêm minh, như trường hợp lùi thời hạn bằng lái FC, và nhiều quy định khác?”, bà Nguyễn Thị Thuỷ, Phó giám đốc Công ty cổ phần Duy Minh đặt nghi vấn.
Đại diện tập đoàn Mai Linh thì cho rằng, nên quy định rõ ràng thông tin gì phải chia sẻ, thông tin gì được phép bảo mật. Ngoài ra, hiện nay chúng ta chưa có bộ bản đồ số chuẩn, và cơ sở hạ tầng viễn thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nên vẫn còn chập chờn và hay mất sóng…
“Việc lắp thiết bị này sẽ phát sinh chi phí, các doanh nghiệp “bị” cơ quan nhà nước quản lý và theo dõi nên e ngại sợ lộ bí mật kinh doanh. Cánh tài xế sẽ thiếu tự do, không được làm thêm để cải thiện mức lương thấp. Giá vé có thể tăng. Dẫn tới bài toán kinh tế là có nên tăng giá vé…” - ông Nguyễn Sĩ Dũng lưu ý.
Đề xuất giải pháp giảm thiểu chi phí lắp đặt và vận hành hệ thống GPS của doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Hoàng Linh – GĐ Công ty CP Định vị Tiên Phong (ITD Location) đề xuất ý tưởng là nên thành lập các công ty trung chuyển dữ liệu LMS (Location Middle System), đơn vị này sẽ có chức năng tiếp nhận thông tin từ các máy GPS chuyển về, sau đấy xử lý, lưu trữ và chuyển báo cáo về cho trung tâm quản lý của các doanh nghiệp vận tải.
“Hiện nay các doanh nghiệp phải bỏ chi phí lớn cho việc mua máy chủ, dù anh chỉ có 2, 3 xe cũng phải có một máy chủ riêng. Nhưng với Trung tâm trung chuyển dữ liệu LMS, anh chỉ cần bỏ một phần vốn dạng “góp chung” với các doanh nghiệp khác để đặt cùng một máy chủ. Như vậy, anh dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, chi phí sẽ được cắt giảm” ông Linh giải thích.
Theo VNN