Ba công ty trẻ tại Mỹ là ZoomSafer, Aegis Mobility và ObdEdge đã nghiên cứu và cung ứng công nghệ “Kiểm soát điện thoại”. Công nghệ này cho phép người lái xe biết được mình có cuộc gọi đến hay có tin nhắn nhưng không thể nói chuyện hay đọc tin nhắn nếu xe không dừng.
Nền tảng của công nghệ này là một thiết bị định vị toàn cầu GPS được lắp đặt trên xe. Khi xe đang di chuyển, tọa độ liên tục thay đổi, một bộ cảm biến sẽ nhận biết điều này và tự động trả lời người gọi đến câu đã được cài đặt sẵn: “đang bận lái xe”. Đồng thời liên tục phát tín hiệu ngăn cuộc điện đàm đến điện thoại (chỉ có điện thoại của tài xế chịu ảnh hưởng của tín hiệu này), chỉ khi nào xe ngừng hẳn, người lái xe mới có thể sử dụng điện thoại để nói chuyện.
Để tránh việc người lái xe tự ý hủy kết nối điện thoại mình với hệ thống “Kiểm soát điện thoại”, hệ thống sẽ tự động gởi tin nhắn đến người chủ hợp đồng, thường là giám đốc công ty hay người giám hộ, cho biết người lái xe đã sử dụng điện thoại khi đang chạy xe.
Hiện công nghệ này đang được những công ty sản xuất kinh doanh quản lý nhiều xe tải ủng hộ. Một số doanh nghiệp quản lý nhiều ô tô đã nhận xét, nếu kiểm soát được bản thân, chúng ta không cần đến công nghệ này. Tuy nhiên chúng tôi nhận ra rằng chính sách giáo dục thuyết phục không có tác dụng đối với tất cả tài xế. Do đó cần phải có biện pháp khống chế bản chất tự nhiên của con người, nhất là khi người ta hoạt động độc lập.
Dù sử dụng tai nghe nhưng dùng điện thoại khi lái xe cũng làm tài xế mất tập trung
Chi phí sử dụng công nghệ này khi yêu cầu lắp đặt là 85 USD và tiền thuê bao mỗi xe là 5 USD/tháng. Các hãng bảo hiểm cũng hoan nghênh công nghệ này, nhiều hãng bảo hiểm đã quyết định giảm 5% phí bảo hiểm cho những xe có lắp đặt hệ thống “Kiểm soát điện thoại”.
Cục An toàn Giao thông quốc gia và Viện Bảo hiểm An toàn Xa lộ Mỹ cho biết người lái xe nếu nói chuyện trên điện thoại, dù không phải dùng tay, sẽ có nhiều nguy cơ gặp tai nạn gấp bốn lấn so với người không nói chuyện điện thoại. Ông Adrian Lund, chủ tịch của Viện Bảo hiểm An toàn Xa lộ Mỹ cho biết, lý do là tài xế thường trở nên hăng say trò chuyện, thay vì tập trung vào việc lái xe, ngay cả khi tay của họ vẫn đang đặt trên tay lái.
Việc sử dụng điện thoại khi lái xe là nguy hiểm, nhiều công ty đã lao vào cuộc chạy đua tìm giải pháp cho vấn đề này. Đầu tiên, các công ty sản xuất điện thoại di động cho ra đời loại điện thoại có thể gắn tai nghe và microphone để người lái xe có thể rảnh tay ôm tay lái khi đang dùng điện thoại. Nhưng giải pháp này xem ra không ổn vì muốn nói chuyện qua điện thoại người ta phải tìm tai nghe và microphone gắn vào điện thoại và phải bấm nút tiếp nhận cuộc gọi; còn gắn sẵn tai nghe vào tai trong lúc lái xe sẽ làm người ta khó chịu, những ai đã thử giải pháp này chỉ sau vài ngày là chán.
Gần đây, Ford và Microsoft đã liên kết phát triển công nghệ “Hai tay rảnh rỗi” dựa trên những tiến bộ của công nghệ thông tin. Một con chíp được trang bị phần mềm nghe được giọng nói của chủ nhân được thêm vào điện thoại. Khi có chuông reo, báo hiệu cuộc gọi hay tin nhắn, người tài xế chỉ việc ra lệnh bằng giọng nói “kết nối” hoặc “mở tin nhắn” hay “xin chào” … tùy theo khẩu lệnh mà người sử dụng đã cài đặt cho điện thoại. Máy sẽ phát to lời nói của phía bên kia và một microphone cực nhạy sẽ thu được lời nói của tài xế, không cần cầm điện thoại kê sát miệng.
Đối với tin nhắn, một phần mềm đọc văn bản sẽ giúp điện thoại đọc to tin nhắn cho tài xế nghe. Khi cần nói chuyện với ai, người lái xe chỉ cần ra khẩu lệnh “ kết nối” rồi đọc số hoặc tên người cần kết nối. Công nghệ này giúp người lái xe hoàn toàn không cần dùng đến tay khi nói chuyện qua điện thoại, nên được gọi là công nghệ “rảnh tay”. Hai tay người tài xế luôn tập trung vào việc lái xe. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng người ta không chỉ lái xe bằng mắt, bằng tay mà chủ yếu lái xe bằng đầu.
Theo otosaigon