Ảnh mang tính chất minh họa
Câu chuyện thứ nhất: Chiều 28 Tết, anh Lâm điều khiến xe ô tô Hyundai Sonata mang lễ Tết về quê vợ ở Hải Phòng. Mới đi được qua cầu Chương Dương được một đoạn, đường đông nên xe anh Lâm va chạm nhẹ với một xe máy đi cùng chiều. Khi nghe tiếng động, anh định phanh lại để hạn chế va chạm, nhưng thay vì nhấn chân phanh, anh lại luống cuống đạp nhầm chân ga.
Vậy là chiếc xe bạc tỷ chồm lên phía trước và lao vào một xe máy khác do chị Hà ở Nghệ An điều khiển. Xe máy đổ, ô tô trần qua, chị Hà bị hất vào vỉa hè và gãy chân, chấn thương sọ não. Chuyến đi của anh Lâm bị huỷ vì anh phải đưa chị Hà vào viện. Những ngày Tết Canh Dần năm qua, thay vì được vui vẻ bên gia đình người thân thì gia đình anh Lâm phải thay nhau vào viện chăm sóc chị Hà...Anh buồn rầu kể lại "Thường ngày tôi cẩn thận lắm, không hiểu sao hôm đó lại bị như vậy. Giá như tôi bình tĩnh hơn thì đâu đến nỗi...".
Câu chuyện thứ hai: Sáng 30 Tết, ngồi bó gối trước cửa phòng khám cấp cứu bệnh viện Việt- Đức, bác Lan quê ở Gia Lộc, Hải Dương kể, con gái bác đi trên đường về quê thì bị một thanh niên đi xe máy từ ngõ đâm ngang xe.
Hậu quả là con gái bác bị đầu đập xuống đường và mê man, thở máy 3 ngày rồi mà vẫn chưa tỉnh. Đặc biệt, thời điểm xảy ra tai nạn, con gái bác không đội mũ bảo hiểm vì nghĩ đi gần nhà. Não ruột nhìn con gái nằm bất động, bác Lan nói nhỏ nhẹ như mếu: "Giá như người ta đi chậm lại, giá như con gái tôi đội mũ bảo hiểm. Nó còn quá trẻ, mới học năm thứ nhất đại học...".
Câu chuyện thứ ba: Sáng mùng 3 Tết, anh Huy Tuấn ở Hoài Đức (Hà Nội) lái xe máy chở mẹ (81 tuổi) về quê ở Phú Lương, Thanh Oai (Hà Nội) chúc tết. Đi tới phố Quang Trung (Hà Đông), do buồn ngủ không làm chủ được tay lái nên xe anh Tuấn va chạm nhẹ với xe đi trước và đổ xuống đường làm mẹ anh bị ngất. May mắn có người quen gần đó, anh đưa mẹ vào nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, anh hoảng hồn và sợ tột độ khi mẹ tỉnh lại và hỏi: "Tuấn ơi, hai mẹ con đi đâu ? Sao lại ở đây ?". Rất may sau khi nằm nghỉ vài tiếng, mẹ anh Tuấn đã tỉnh táo lại hoàn toàn. Anh Tuấn kể, tối hôm trước anh mải đi chơi, sáng dậy sớm, thời tiết lại se se làm cho cơn buồn ngủ ập đến. Cũng may cho anh là mẹ anh chỉ bị ngất và xây xước nhẹ, chứ nếu xảy ra chuyện gì khác anh sẽ ân hận cả đời. Anh tự nhủ: "Giá như hôm trước mình đừng thức quá khuya, không lái xe khi biết mình buồn ngủ...".
Câu chuyện thứ tư: Sau hơn 10 năm xa quê đi làm ăn xa, Mạnh rất vui khi trở về quê ăn Tết và đặc biệt vui hơn khi anh em bạn bè, người thân đón tiếp rất chu đáo. Chiều mùng 1 Tết, cả nhóm bạn học phổ thông kéo nhau đến nhà Mạnh chúc tết và uống rượu.
Bữa tiệc kéo dài đến 9 giờ tối thì tan và Mạnh được cả nhóm giao nhiệm vụ chở Huệ, người bạn gái mà Mạnh đã từng trộm nhớ năm nào, về nhà. Đi chưa được nửa đường, Mạnh loạng choạng và lao xe vào cột điện bất tỉnh, còn Huệ bị hất khỏi xe và gãy tay. Khi tỉnh lại, Mạnh ân hận: "Giá như em gọi taxi". Có lẽ anh đã thấm lời khuyên của nhiều người: "Đã lái xe thì không uống rượu, còn đã uống thì không lái nữa".
* Đầu năm mới, ai cũng mong muốn những điều tốt lành nhưng thực tế, tai nạn giao thông lại tăng đột biến, bất chấp mật độ giao thông không tấp nập như những ngày trước và sau Tết. Theo thống kê của cơ quan công an, trung bình 6 ngày nghỉ Tết Canh Dần, thiệt hại về sinh mạng do TNGT là 47 người/ngày, hơn gấp rưỡi so ngày bình thường. Nhiều người cho rằng thái độ chủ quan của chủ phương tiện, sự lơi lỏng của các hoạt động kiểm tra kiểm soát giao thông và đặc biệt tình trạng uống rượu bia rất nhiều trong dịp Tết là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt tai nạn đáng tiếc.
Vì vậy, sự chủ động, ý thức tự giác của chính những người tham gia giao thông trong ngày Tết sẽ giúp nhiều người không phải nói "Giá như".
Theo VnMedia