Túi khí và những điều cần chú ý

Túi khí là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá về mức độ an toàn cho xe hơi. Tuy nhiên, nhiều tay lái Việt Nam lại chưa thực sự quan tâm đến nó.

Túi khí (airbag) là một túi tự động bơm đầy khí có tác dụng giảm thiểu mức độ chấn thương cho người ngồi trong xe trong trường hợp có tai nạn. Tuy nhiên túi khí chỉ có tác dụng giảm thiểu chứ không phải là ngăn chặn toàn bộ rủi ro trong các tai nạn xe hơi. Ngày nay hầu hết các loại xe đều được trang bị túi khí đằng trước và các loại xe hiện đại được trang bị túi khí cả hai bên hông xe nhằm hỗ trợ tối đa khả năng đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
 
Nguyên lý hoạt động của túi khí cũng không quá phức tạp, khi xe gặp va chạm sẽ phát ra tín hiệu qua bộ cảm biến của xe, bộ điều khiển điện tử sẽ nhận tín hiệu từ các cảm biến để xác định gia tốc giảm dần của xe. Khi bộ điều khiển nhận được tín hiệu gia tốc giảm dần đủ lớn sẽ cung cấp dòng điện kích nổ túi khí tương ứng.
 
Tốc độ nổ túi khí là rất lớn (khoảng từ 10 đến 40 phần nghìn giây) nên sẽ nhanh chóng tạo ra một túi đệm khí tránh cho phần đầu và ngực của hành khách va đập trực tiếp vào các phần cứng của xe. Sau khi đã đỡ được hành khách khỏi va chạm, túi khí sẽ tự động xả hơi nhanh chóng để không làm kẹt hành khách trong xe.
 
 Sự kích nổ túi khí phụ thuộc vào hai yếu tố, lực va đập của xe và vùng cùng hướng va đập. Lực va đập gây nên gia tốc giảm dần của xe, cũng chính là lực tác động tạo ra điện để kích hoạt túi khí. Còn vùng cùng hướng va đập chính là điểm va chạm và chiều lực va chạm tác động vào xe. Do đó, trong một số trường hợp, sau khi bị tai nạn, vẻ ngoài xe trông bị hư hỏng rất nhiều nhưng túi khí không nổ vì gia tốc giảm dần của xe chưa đạt giới hạn cho phép để kích nổ túi khí. Với những trường hợp này, hệ thống dây đai an toàn đã đủ để giữ hành khách tránh khỏi những chấn thương nghiêm trọng.
 
 
Các lái xe cũng cần lưu ý trong nhiều trường hợp tai nạn xảy ra nhưng không phải lúc nào túi khí cũng bung kịp thời. Thường thì ở các trường hợp sau, túi khí phía trước sẽ nổ khi có va chạm: xe tông vào bức tường bê tông cố định ở tốc độ >25Km/h, vùng va đập trực diện từ phía trước tính từ tâm của xe, xe tông thẳng vào gờ, vệt va đập tiếp xúc hết phần đầu xe nơi bố trí dầm chính chịu lực, xe bị rơi xuống hố và đầu của xe va vào phần gờ phía xa hơn, xe bị lao đầu trực diện xuống vực. Ngoài ra trong một số trường hợp như: xe tông vào gầm xe tải, xe va chạm vào phần hông gần đầu xe thì có nhiều khả năng xe sẽ hạn chế khả năng bung túi khí an toàn.
 
 Còn có một số tai nạn xảy ra nhưng túi khí không bung ví dụ như hai xe tông vào nhau cùng chiều, xe bị lật hoặc tông ngang hông, khi đó nếu xe có túi khí hai bên hông xe thì có thể túi khí này sẽ bung nếu lực va chạm vượt giá trị giới hạn.
 
 
Dựa vào những đặc điểm này các lái xe cũng cần lưu ý một số điều khi sử dụng xe có trang bị túi khí là không nên để trẻ em ngồi ngay hàng ghế trước mà nên để trẻ ngồi ngay ngắn ở hàng ghế sau chú ý thắt dây an toàn. Vì túi khí khi nổ sẽ rất nhanh và có lực lớn vậy nên hành khách không nên ngồi quá gần hoặc đặt tay, chân lên vị trí túi khí. Lái xe luôn đặt tay ở vành ngoài của tay lái, ngồi ngay ngắn và luôn đeo dây an toàn khi lái xe, không  tự ý sửa chữa hoặc can thiệp vào hệ thống túi khí. Điều này có thể làm túi khí nổ bất ngờ hoặc làm vô hiệu hoá hệ thống túi khí.
 
Không để bất cứ vật dụng gì phía trước túi khí. Khi túi khí bị kích nổ các vật này có thể bắn trúng hành khách trong xe gây chấn thương nghiêm trọng.  Và chú ý khi có tín hiệu đèn báo bất thường ở hệ thống túi khí thì cần ngay lập tức mang xe đến các trung tâm chuyên nghiệp để kiểm tra.
 
Theo Carsonline

lien

Link nội dung: https://autovina.com/tui-khi-va-nhung-dieu-can-chu-y-a5198.html