"Trung bình, một kiểu dáng xe mới chỉ có thể sống được trong 7 năm mà thôi", ông Bruno Comyn, Giám đốc sản phẩm ở hãng Volkswagen nhận định.
Theo các chuyên gia về thương hiệu thì có hai loại hình "săn sóc sắc đẹp" cho một nhãn hiệu sản phẩm. Loại hình thứ nhất là việc làm trẻ hoá thương hiệu để giúp sản phẩm có sức hút với khách tiêu dùng trẻ tuổi hơn. Loại hình thứ hai là việc "tân trang" nhãn hiệu để giúp nó trông vẫn hợp thời trang, thị hiếu mới và xu hướng tiêu dùng.
Nhưng trước khi quyết định phải tiến hành phương pháp săn sóc sắc đẹp nào cho thương hiệu, nhà sản xuất cần phải biết rõ thương hiệu ấy đang thiếu gì, cần gì để có sức hút mới mạnh hơn. Hãy cậy nhờ đến các chuyên gia ở một công ty tư vấn - nghiên cứu thương hiệu.
Để trẻ hoá cho một nhãn hiệu đã được khai sinh từ năm 1936, Orangina (Pháp) đã tung ra thêm Orangina rouge (cam màu đỏ tươi) để chinh phục các bạn trẻ vị thành niên. Ngay trong năm đầu tiên được sản xuất ra (1996), Orangina rouge đã tiêu thụ được 5 triệu lít. Nay sản lượng tiêu thụ đã lên đến 20 triệu lít.
Ra đời từ năm 1966, Mr. Propre (ông Sạch) của tập đoàn Procter & Gamble (Mỹ) đến nay vẫn sống khoẻ vì nhờ đã được liên tục "bơm lực mới" mà tính đến nay đã bao chung khoảng 20 loại sản phẩm cùng nhóm (bột giặt, chất tẩy, chất diệt khuẩn, nước javel, xà phòng nước…) ở 6 loại mùi hương khác nhau.
Trẻ hoá, tung thêm sản phẩm mới cùng có chung thương hiệu với sản phẩm cũ, tạo sản phẩm lai dòng, tân trang hình ảnh truyền thống cũ, thay đổi hình ảnh mới nhưng không phản ngược dứt khoát với hình ảnh truyền thống… đều là những hình thức khác nhau cùng có chung một mục tiêu là hợp thời hoá thương hiệu sản phẩm để thu hút thêm người tiêu dùng.
"Nhiều nhà sản xuất đã sai hoàn toàn khi nghĩ rằng chỉ cần thay đổi logo là xem như đã hoàn tất công việc trẻ hoá một thương hiệu. Họ lầm to vì tất cả các công trình nghiên cứu đều có chung một kết luận rằng người tiêu dùng luôn rất nhạy bén. Nhưng cũng không vì thế mà cứ tập trung gia tăng các đổi mới quanh một thương hiệu truyền thống.
"Tác dụng ngược cũng rất nhanh chóng xảy đến vì người tiêu dùng cảm thấy lạc mất phương hướng, mất niềm tin nơi một thương hiệu họ tưởng đã quen từ lâu" - Đó là lời khuyên của cô Marie-Claude Sicard, một chuyên gia về chiến lược thương hiệu ở thị trường Pháp.
Theo TGOT