Thị trường ôtô nội chững lại

Sau tháng 3 tăng đột biến, mãi lực của các hãng ôtô nội địa trong tháng 4/2008 đã chững hẳn lại.

“Cứu cánh” Vinamotor

Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng lượng xe bán ra trong tháng vừa qua của các thành viên tổ chức này chỉ đạt 13.271 chiếc, tăng vẻn vẹn 180 chiếc so với tháng trước. Trong 16 thành viên hiệp hội có đến 9 hãng có sản lượng bán hàng sụt giảm. Cụ thể Vinaxuki giảm từ 1.122 chiếc xuống còn 1.001 chiếc, Vinacomin giảm từ 48 xuống còn 26 chiếc, Trường Hải giảm từ 2.192 xuống còn 2.016 chiếc, Ford giảm từ 905 xuống còn 709 chiếc, Isuzu giảm từ 610 xuống còn 398 chiếc, Toyota giảm từ 2.326 xuống còn 2.265 chiếc, Vinastar giảm từ 466 xuống còn 219 chiếc, VMC giảm từ 78 xuống còn 38 chiếc và Mekong giảm từ 315 xuống còn 143 chiếc. Việc hơn một nửa số hãng thành viên có doanh số sụt giảm là nguyên nhân chính khiến mãi lực của toàn hiệp hội chững lại. Trong tháng 4/2008, Vinamotor lại trở thành cái tên nổi bật nhất khi vừa vượt lên trên Toyota để “tái chiếm” ngôi vị quán quân về sản lượng bán hàng, vừa trở thành “cứu cánh” để doanh số của toàn hiệp hội tránh được sự xuống dốc. Cụ thể, trong tháng 4/2008 hãng này đã đạt doanh số kỷ lục với 3.520 chiếc, tăng 1.164 chiếc, vượt qua lượng tăng của toàn hiệp hội đến 984 chiếc. “Hiện tượng” Vinamotor cũng phần nào cho thấy rõ hơn xu hướng phát triển mạnh mẽ của phân khúc xe thương mại so với phân khúc xe du lịch. Tháng 4/2008, các dòng xe thương mại đã chiếm đến 8.185 chiếc trong tổng số 13.271 chiếc bán ra của tất cả các dòng xe. Nếu so cả 4 tháng đầu năm nay với cùng kỳ năm 2007, phân khúc xe thương mại đã tăng trưởng đến 313%.

 

Honda Civic vẫn là mẫu sedan lắp ráp bán chạy nhất thị trường - Ảnh: Đức Thọ

Vẫn có lợi thế
Mặc dù sản lượng bán hàng của các hãng xe nội đã chững hẳn lại song vẫn giữ được lợi thế khi so sánh với thị trường xe nhập khẩu. Sau 2 đợt điều chỉnh thuế nhập khẩu vừa qua của Bộ Tài chính, trong khi các loại xe “ngoại” phải chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu nguyên chiếc tăng thêm đến 23% thì các loại xe lắp ráp trong nước chỉ phải chịu mức tăng 3-5% trên các bộ linh kiện nhập khẩu. Theo đó, nếu các mẫu xe nội chỉ phải chịu mức tăng giá bán trên thị trường dưới 3% thì các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc (mới) đã phải chịu mức tăng giá đến trên dưới 10%, thậm chí nhiều mẫu xe sang trọng đã tăng giá đến 20% so với thời điểm 2 tháng đầu năm. Chưa biết Bộ Tài chính có thật sự thành công với mục tiêu hạn chế nhập khẩu ôtô, hạn chế nhập siêu và giảm ùn tắc giao thông hay không nhưng rõ ràng động tác điều chỉnh thuế nhập khẩu ôtô đã gián tiếp tạo lợi thế cạnh tranh cho các hãng xe nội địa. Dựa trên tình hình thị trường 3 tháng vừa qua, nhiều ý kiến dự báo rằng thị trường ôtô Việt Nam trong thời gian tới sẽ không tăng mạnh, thậm chí sẽ sụt giảm cục bộ trên một vài phân khúc, đặc biệt là ở thị trường xe nhập khẩu. Tuy nhiên, sự chững lại hay sụt giảm cũng sẽ không hề làm thị trường ôtô “hạ nhiệt”. Trong đó sự sôi động trên thị trường xe hơi sang trọng có giá trị cao sẽ vấn tiếp diễn, đồng thời hiện tượng thiếu xe trên thị trường xe lắp ráp lại có cơ hội gia tăng do các hãng nội địa đã tăng hết công suất trong khi lượng xe các hãng này “nợ” khách hàng vẫn chưa được “thanh toán”.
 

5 mẫu xe du lịch lắp ráp bán chạy nhất tháng 4/2008

TT

Mẫu xe

Lượng bán (chiếc)

1

Toyota Innova

1.458

2

Chevrolet Captiva

690

3

Honda Civic

665

4

Ford Everest

351

5

Toyota Vios

307

Đức Thọ

autovina

Link nội dung: https://autovina.com/thi-truong-oto-noi-chung-lai-a517.html