Không uống nhiều rượu bia trước khi lái xe
Chắc bạn vẫn còn nhớ vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào giữa tháng 1 vừa qua tại hầm chui Kim Liên, Hà Nội khi một nam thanh niêm đi xe máy mang biển kiểm soát 34L5-1657 bị một xe tải đi cùng chiều cán qua đầu gây tử vong tại chỗ. Nguyên nhân của vụ tai nạn này là do nam thanh niêm đã uống khá nhiều rượu trước khi lái xe.
Dịp Tết những năm trước số vụ tai nạn gây chết người như thế nhiều không đếm xuể. Tựu chung lại, nguyên nhân phổ biến nhất vẫn xuất phát từ bàn nhậu.
Uống rượu bia ngày Tết cùng bạn bè người thân vừa là thú vui, vừa là một phong tục tập quán đẹp của người Việt Nam. Tuy nhiên, uống bia rượu quá nhiều trước khi lái xe có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Rượu bia làm giảm khả năng kiểm soát tốc độ, khả năng kiểm soát tay lái, khả năng quan sát và xử lý tình huống của người điều khiển, qua đó rất dễ gây tai nạn. Hơn nữa, trong khi tai nạn xảy ra, người say rượu cũng mất khả năng phản xạ tự vệ, bảo vệ bản thân khỏi chấn thương.
Nếu xác định rời khỏi bàn nhậu bạn sẽ lái xe, dù là xe máy hay ô tô, hãy uống có chừng mực. Hãy nhớ, rượu bia khi kết hợp với lái xe sẽ kéo tử thần lại rất gần.
Để an toàn tuyệt đối, bạn nên làm theo khẩu hiệu của nhiều người: Uống thì không lái, mà lái thì không uống.
Không dùng điện thoại khi lái xe
Khi lái ô tô, sử dụng điện thoại để nghe gọi hoặc nhắn tin sẽ làm người điều khiển mất tập trung, qua đó làm giảm khả năng xử lý tình huống. Theo một nghiên cứu ở Mỹ, điện thoại và bia rượu chính là hai tác nhân gây tai nạn phổ biến nhất cho người lái ô tô. Đường xá ngày Tết rất đông đúc. Không chỉ có các phương tiện giao thông, số người đi bộ và qua đường cũng nhiều hơn ngày thường. Nếu sử dụng điện thoại khi lái xe trong những ngày này, khả năng gây tai nạn cho bản thân và cho người khác là rất cao.
Với người đi xe máy, việc sử dụng điện thoại còn nguy hiểm hơn. Lái xe một tay, tinh thần bị phân tán, không tập trung quan sát...tai nạn xảy ra là điều rất dễ hiểu.
Không đi xe quá tốc độ
Ngày Tết bạn có đến cả tuần để nghỉ ngơi và du xuân cùng bạn bè, thế nên cần gì phải đi xe quá nhanh. Lái xe quá tốc độ không những làm tăng nguy cơ tai nạn mà còn làm tăng tỷ lệ thương vong khi tai nạn xảy ra. Hơn nữa, trong những ngày Tết, hãy nhớ rằng trên đường có rất nhiều người lái xe trong tình trạng say xỉn. Có thể bạn không đâm vào người khác, nhưng người khác có thể “tông” vào bạn đấy.
Nếu đi xe máy, hãy đội mũ bảo hiểm
Lợi dụng mấy ngày Tết vắng bóng công an giao thông, rất nhiều người đi xe máy mà không đội mũ bảo hiểm. Thống kê các năm trước cho thấy, trên 65% số ca tử vong trong các vụ tai nạn xe máy vào dịp Tết rơi vào những người không đội mũ bảo hiểm. Con số ấy liệu có đủ lớn để khiến bạn phải nghĩ lại khi quyết định không đội mũ?
Đề cao ý thức chấp hành luật Giao thông đường bộ
Chắc chắn bạn sẽ rất“ngứa mắt” khi thấy ai đó lược lách đánh võng, vượt ẩu, đi ngược chiều...làm bạn giật mình khi đang đi du xuân. Thế nên nếu bạn vi phạm luật giao thông, rất nhiều người khác cũng sẽ “ngứa mắt” không kém. Tuân thủ luật Giao thông không chỉ giúp tránh tai nạn mà còn giúp bạn tránh được các vụ cãi vã đen đủi đầu năm.
Với người lái xe đường trường
Bạn cần phải có sức khỏe tốt khi lái xe đường dài. Khi khỏe mạnh bạn sẽ lái xe tập trung hơn, quan sát tốt hơn và xử lý tình huống tốt hơn, nhờ đó tránh được nguy cơ tai nạn. Khi bạn ốm yếu, tốt nhất không nên lái xe đường dài. Hãy lùi lại lịch cho đến khi khỏe hẳn, hoặc nhờ ai đó cầm lái thay bạn.
Kiểm tra kỹ lưỡng trước khi chạy. Dù là xe máy hay ô tô, xe không ở trong tình trạng tốt rất dễ hỏng hóc giữa đường. Hãy nhớ rằng, những ngày Tết dù bạn có thắp đèn giữa ban ngày thì cũng khó mà tìm được chỗ sửa xe. Vì thế, trước khi khởi hành bạn phải kiểm tra xe thật kỹ xem xe có gì không ổn không. Nhớ mang theo các dụng cụ sửa chữa vì không loại trừ khả năng chính bạn sẽ phải đóng vai làm thợ sửa xe giữa đường.
Bạn cũng nên cân nhắc có khởi hành hay không nếu như gặp thời tiết xấu. Nguy cơ tai nạn trong điều kiện thời tiết xấu thường cao gấp đôi, gấp ba lần so với bình thường. Ở phía bắc, do thời tiết còn rét đậm nên nếu có thể bạn hãy đi xe buýt hoặc xe khách thay vì xe máy. Còn nếu như đi xe máy, không nên cho trẻ dưới hai tuổi đi cùng. Khả năng chống chịu gió rét của trẻ là rất kém.
Theo VnMedia
lien
Link nội dung: https://autovina.com/de-choi-tet-an-toan-a5167.html