Số lượng ô tô tăng rất nhanh thời gian gần đây, nạn ách tắc giao thông ngày càng trở nên trầm trọng. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến ách tắc giao thông? Ngoài các nguyên nhân đã biết và nói đến rất nhiều như cơ sở hạ tầng không đáp ứng, ý thức người tham gia giao thông kém... theo tôi, nguyên nhân quan trọng là ta không đánh giá đúng lựa chọn độ ưu tiên cho từng phương tiện giao thông nào, xe máy hay ô tô, phương tiện nào cần ưu tiên hơn?
Mỗi loại phương tiện được chiếm bao nhiêu diện tích mặt đường? Chính vì không xác định cụ thể, nên một cách tự nhiên, hiện nay có vẻ ưu tiên dành cho ô tô chứ không phải xe máy. Trên đường, dễ nhận thấy đường đẹp nhất là dành cho ô tô. Ô tô có quyền lấn đường, xe máy phải tránh.
Nhiều nơi, ô tô dàn hàng ngang trên mặt đường, xe máy không còn chỗ lách dù phía trước rất thoáng mà vẫn không đi được. Tức nước, vỡ bờ, xe máy tràn lên vỉa hè, vượt qua ô tô đang nghẽn là lại đi được. Nhưng rất lộn xộn, thiếu văn minh, thiếu an toàn cho người đi bộ trên vỉa hè.
Về môi trường và độ cồng kềnh thì ai cũng rõ, ô tô chiếm tỷ lệ mặt đường lớn hơn, ô nhiễm hơn xe máy rất nhiều (gấp khoảng 10 lần, xe máy có dung tích xi lanh trung bình 100c3, còn ô tô từ 1000c3 đến 4000c3).
Từ những đặc thù, khác biệt nêu trên của giao thông Việt Nam, để giải quyết ách tắc giao thông ngắn hạn, xin đề xuất nguyên tắc sau và các giải pháp sau.
Ưu tiên lưu thông xe máy trên đường
Số lượng ô tô vẫn chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với lượng xe máy. Theo thông tin của Đài truyền hình Hà Nội 1, Hà Nội hiện có 300 ngàn ô tô và 3,6 triệu xe máy, tỷ lệ xe máy lớn hơn ô tô 10 lần.
Vì thế, cần điều kiện thuận lợi tối đa, ưu tiên cho lưu thông xe máy. Mặt đường đẹp nhất, ngắn nhất, dành cho xe máy. Xe máy thông, nghĩa là đa số thành phần tham gia giao thông được thông suốt.
Với tỷ lệ xe máy/ô tô là 10/1, ưu tiên xe máy, nghĩa là 9/10 lưu lượng giao thông luôn được đáp ứng.
Giải pháp
- Đối với nội đô, trên đường, chỉ dành 1/3 đến 1/2 chiều rộng mặt đường dành cho ô tô, còn lại 2/3 dành cho xe máy, vẽ phân luồng và ghi rõ quy định luồng dành riêng cho xe máy.
- Xe máy được quyền đi sang luồng ô tô để rẽ trái. Ô tô không được đi vào luồng dành riêng cho xe máy.
- Kiểm soát thật chặt việc chấp hành quy định giao thông đối với ô tô. Phạt nặng đối với các trường hợp vi phạm của ô tô.
Quản lý đăng ký ô tô bằng thẻ từ. Hiện số lượng ô tô còn đang ít, dễ làm hơn so với xe máy, chỉ cần biết số xe là biết ngay chủ là ai, địa chỉ của chủ xe. Nếu ô tô vi phạm quy định phân luồng, quy định điểm đỗ, xe tải chở quá tải, chở đất không che đậy.. v.v. chỉ cần dùng máy ảnh, camera, chụp, gửi bằng thư điện tử, tin nhắn (hoặc bưu điện) hoá đơn nộp phạt đến chủ sở hữu xe.
Số tiền phạt không cần nhiều, chỉ cần khoảng 50 đến 100 ngàn đồng cộng với chi phí gửi thông báo phạt (tin nhắn, bưu điện, v.v.). Nếu nộp phạt không đúng hạn, mức nộp sẽ tăng theo cấp số nhân 2 cho 1 tuần chậm nộp phạt.
Việc nộp phạt chỉ cần thực hiện bằng chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của đơn vị quản lý giao thông, vừa tiện, vừa tránh tiêu cực. Mỗi lần phạt không cần dừng xe, không ảnh hưởng tới lưu thông trên đường. Cảnh sát cũng rất an toàn.
Như vậy, ý thức của người lái xe ô tô sẽ tiến bộ lên rất nhiều. Bản thân, họ cũng có xe máy và một cách tự nhiên, đưa tính nghiêm ngặt của lái xe ô tô vào điều khiển xe máy. Ý thức chung cũng sẽ được cải thiện.
Tăng cường ý thức của nhà quản lý giao thông trong việc sơn vẽ thường xuyên các luồng đường, rà soát sửa đổi phù hợp các biển hiệu, đèn xanh đỏ tại các ngã tư, bùng binh (nhất là tại các bùng binh lớn như Big C, Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến, v.v).
Các đơn vị công cộng khác như vệ sinh môi trường, quét, thu gom rác không làm việc hoặc để xe rác trên đường vào giờ cao điểm. Những đối tượng này, nếu vi phạm cũng sẽ bị phạt như các thành viên tham gia giao thông khác.
Tiếp tục, duy trì các công tác tuyên truyền ý thức giao thông của người dân, công tác xây dựng đường xá, cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông như đã và đang làm.
Theo Tuanvietnam