Có xe mà "ngại" sử dụng
Dùng xe xịn, xe độc sướng như thế nào thì ai cũng ngầm hiểu. Tuy nhiên, bên cạnh cái sướng ấy lại có muôn vàn nỗi khổ mà không phải ai cũng biết.
Có xe xịn trong gara nhưng hằng ngày lại mang xe bình dân ra chạy là chuyện của nhiều đại gia. Anh Hưng – một người đã nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh xe hơi cao cấp tại Hà Nội khẳng định: “Theo tính toán và quan sát của tôi thì khoảng 80 – 90% số người mua xe độc, xe xịn tại Việt Nam là những người đã có trong tay ít nhất một chiếc xe ‘bình bình’ nào đó để đi lại hằng ngày”.
“Ở một nơi mà tình trạng trộm đồ xe hơi được coi là vấn nạn này thì việc dùng xe xịn nhiều khi rất khó chịu. Cách đây mấy tháng, mình bị cậy mất bộ logo mà đi hỏi khắp nơi cũng không có. Cuối cùng phải đặt mua tận bên hãng, chờ mất 2 tuần. Thế là suốt thời gian đó xe chỉ nằm chờ logo và sơn lại các vết trầy xước. Chi phí sơ sơ cũng hơn chục triệu đồng…” – một “đại gia” chia sẻ.
Khó khăn không của riêng ai
Một trong những cái khó khăn nhất của việc cung cấp phụ tùng cho các dòng xe độc, xe hiếm như Bentley, Rolls-Royce, Aston Martin, Acura… là vấn đề thời gian. Trong khi đối với các dòng xe phổ thông, phụ tùng luôn có sẵn trong kho và thời gian thay thế chỉ tính bằng giờ, thì phụ tùng của các dòng xe độc lại được xếp vào danh mục quý hiếm và không phải xưởng dịch vụ nào cũng dám đầu tư cả tỉ đồng để mua sẵn lưu kho. Chỉ khi có nhu cầu, họ mới tiến hành tra mã VIN, gửi thông số sang nhà sản xuất để đặt hàng. Chính vì vậy, mỗi lần sửa chữa thay thế phụ tùng, chủ xe phải mệt mỏi vì chờ đợi.
Tiếp đó, vấn đề chi phí khiến cho cả các đại gia cũng phải giật mình. Xin được dẫn chứng trường hợp của chiếc xe Bentley Continental – một mẫu xe được dùng khá nhiều ở Việt Nam. Theo thông tin tham khảo tại một đơn vị cung cấp phụ tùng chính hãng tại Hà Nội, la-zăng hợp kim chính hãng của Bentley có giá hơn 60 triệu đồng 1 chiếc. Kính chắn gió chẳng may bị nứt vỡ và phải thay thế thì chi phí khoảng 70 – 80 triệu đồng. Đậu xe mà sơ hở bị kẻ gian cậy mất bộ logo thì cũng mất gần chục triệu. Sơ ý va quệt mà vỡ cái cản trước thì chi phí thay thế khoảng 60 – 80 triệu đồng. Lùi xe không cẩn thận để hỏng cản sau thì thiệt hại cũng tương tự như vậy. Thậm chí bộ thảm trải sàn – một trong những phụ kiện có giá rẻ nhất trên một chiếc xe ôtô, nếu đặt hàng chính hãng cũng có giá lên đến gần 20 triệu đồng. Một số phụ kiện của các xe bản limited thì còn đắt hơn nữa.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa xe cao cấp cũng có những khó khăn riêng. Theo con số thống kê sơ bộ do một đại diện của Thần Châu Auto tại Sài Gòn cung cấp, cả nước hiện nay mới chỉ có khoảng trên 30 chiếc Bentley, khoảng gần chục chiếc Rolls-Royce, còn số lượng xe mang các thương hiệu như Ferrari, Lamborghini, Maybach, Aston Martin… chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Số lượng quá ít ỏi khiến cho các service không thể đầu tư phụ tùng để chờ xe.
Khái niệm “chia sẻ phụ tùng” cũng ra đời từ đó. Mỗi khi khách hàng có nhu cầu, các service lại liên kết với nhau, để dàn xếp việc cung cấp phụ tùng do một nhà nhập khẩu nào đó có thâm niên và kinh nghiệm chuyên đảm nhiệm.
Anh Thành – Giám đốc Marketing của NTT CarPart (NCP) tại Hà Nội – chia sẻ: “Không phải service nào cũng có thể mạnh dạn đặt mua phụ tùng trực tiếp từ nhà sản xuất, bởi chi phí quá tốn kém và mất thời gian, thậm chí có thể rủi ro nếu không làm quen. NCP mặc dù luôn có sẵn nhiều chủng loại phụ tùng thay thế cho các dòng xe ‘khủng’, nhưng nhiều khi cũng không thể đáp ứng được”.
Bên cạnh đó, vấn đề “bác sỹ chuyên khoa” cũng khiến nhiều service đau đầu. Các loại máy scan “đa khoa” vốn chỉ phát hiện ra các lỗi thuộc loại bệnh phổ dụng như “hắt hơi xổ mũi”. Việc đầu tư phần mềm scan chuyên dụng cho từng dòng xe cao cấp là vô cùng tốn kém trong khi lượng xe quá ít thì sẽ không hiệu quả. Hơn nữa, đội ngũ kỹ thuật tại phần lớn các gara thường chỉ tiếp xúc với các xe phổ dụng nên không tránh khỏi lóng ngóng trước các xe khủng.
Chính vì vậy, một “bệnh nhân” phải chạy hết “viện” nọ đến “viện” kia mà bệnh vẫn không được chữa khỏi là chuyện thường xảy ra. Anh Trí – Giám đốc của một service chuyên phục vụ các dòng xe cao cấp tại Hà Nội vừa chỉ vào một chiếc Mercedes-Benz S 550, nói: “Chiếc xe này đã từng bị gằn máy và có tiếng kêu lạ mỗi khi tăng ga. Chủ xe mang đi rất nhiều nơi mà vẫn không xử lý được, cuối cùng lại mang về đây. Bên chúng tôi đã từng đón tiếp nhiều ca kiểu như vậy”.
Tại Việt Nam, còn nhiều chuyện để bàn khi mà các vấn đề liên quan đến sử dụng chiếc xe chưa có sự phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển của công nghệ. Ngược lại, các service thì cũng chưa mặn mà đầu tư nhiều khi số đầu xe chưa thực sự đáng kể. Người sở hữu xe sang xe độc, vô hình chung, trở thành người “phục vụ” xe, bởi họ phải mất quá nhiều thời gian và tiền bạc để “nuôi” nó.
Theo TGOT