Sidecar - loại xe máy ba bánh - mà cách đây hơn một, hai chục năm, người ta thường chỉ thấy xuất hiện cùng với hình ảnh những chiến sĩ công an đi làm nhiệm vụ. Ở Việt Nam, người ta đã quen với cái tên xít-đờ-ca, có người còn gọi là mô-tô-ba.
Sidecar có xuất xứ từ xứ sở sương mù Anh Quốc, với cái tên Solo Bike và phát triển mạnh thời kỳ sau chiến tranh thế giới lần II. Hầu hết nhãn hiệu sản xuất xe máy hàng đầu như BMW, Harley Davidson, Gold Wing, Kawasaki, Yamaha... đều đổ xô sản xuất dòng xe đang thống trị thời bấy giờ, song chỉ có hai đại gia BMW và Harley Davidson là được tín nhiệm nhất, cả về kiểu dáng và chất lượng.
Xe sidecar tại Việt Nam chủ yếu có hai nhãn hiệu: Ural do Nga sản xuất và Dnepr của Ukraina. Một số ít khác là Jawa của Tiệp Khắc, IZH của Nga; số hiếm và rất đắt tiền là của BMW với mức giá đều trên 10.000 USD. Tên gọi xít-đờ-ca bắt nguồn từ chữ “sidecar”, xe ba bánh có thuyền trong tiếng Anh.
Với dáng vẻ hầm hố gây chú ý đặc biệt và một động cơ rất khỏe, sidecar đã nhanh chóng chiếm lĩnh trái tim của những người ưa phiêu lưu mạo hiểm trên những chặng đường dài. Phẩm chất của những chiếc sidecar đã được cô đọng trong những mỹ từ sau: độc đáo, mạnh mẽ và cá tính.
Giá một chiếc Sidecar thì vô kể, vài ba triệu đồng cũng có - đó là xe chưa tân trang; ba bốn chục triệu đồng cũng có - là xe còn khá tốt. Riêng xe mới thì cực đắt, khoảng trên dưới 10.000 USD, có chiếc lên đến 20.000 USD.
Bình thường, loại xe này chẳng mấy người dùng, phần vì không được phép đăng ký, phần vì quá kềnh càng. Nhưng không biết tự bao giờ, thú chơi xe sidecar đã trở thành một trào lưu và như là cách để người chơi thể hiện đẳng cấp.
Vẻ kiêu hùng của những tay chơi sidecar
Một số người chơi xe kể lại, "Phủ Doãn Phủ Khai Phong" (tiếng lóng ám chỉ phố Phủ Doãn, Hà Nội) là một trong những cái nôi của dân chơi xe phân khối lớn đất Hà Thành. Thú chơi sidecar xuất hiện từ những năm 1995 - 1997.
Trước đó, phải kể đến một dòng tiền bối các "cô chú" sidecar, làm nhiệm vụ trong lực lượng an ninh quốc phòng. Các "cô chú" cũng nặng tình với sidecar ghê gớm, nhưng không tính là dân chơi. Trong số các "đàn anh", có người sở hữu hơn chục chiếc sidecar, chiếc nào cũng như công chúa, hoàng tử; và còn thửa riêng một xưởng dưới Thường Tín để bảo dưỡng, trông giữ xe.
Các "đàn anh" sidecar này đều là thành viên Câu lạc bộ Môtô Hà Nội, đi phượt cũng không ít, nhưng chưa truyền thông, lưu giữ nhiều. Kỷ niệm chủ yếu là anh em vui chuyện kể lại với nhau. Thời đó chưa có diễn đàn trên mạng nên sự kết nối còn hạn chế. Tuy nhiên, đây có thể nói là tiền đề quan trọng để thú chơi sidecar phát triển sau này.
Dân ghiền sidecar Hà Thành đi "săn hàng"
Chục năm sau, mùa hè 2006, từ một con phố chật chội, cuộc chơi sidecar bước lên mạng xã hội. Diễn đàn "Trái tim Việt Nam online" lúc bấy giờ là "cánh đồng bất tận" để các bạn trẻ thỏa sức gieo những đam mê. Những hình ảnh đầu tiên về quá trình phục dựng sidecar được ghi nhận đầy cảm hứng.
Với tinh thần giao lưu kết bạn, box sidecar phát triển nhanh chóng, thành viên mở rộng cả 3 miền đất nước. Sidecar Sài Gòn hoạt động mạnh mẽ với những cái tên như Hùng Bay, Hải Tít, Cường Saber, Khoa Black… miền Trung cũng xuất hiện Mr Sidecar Hải Trung và đội xe của Khách sạn Victoria Hội An.
Mùa thu 2008, Sidecar Saloon của một tay ghiền sidecar là Thắng Răm Bô ra đời trên phố Phó Đức Chính (Hà Nội). Đây là tụ điểm thực sự của dân chơi sidecar, nơi khởi nguồn của những chuyến phượt sidecar hoành tráng.
Trước sự phát triển nhanh chóng của thú chơi xe mới mẻ này, vào cuối năm 2008, CLB sidecar Việt Nam đã được thành lập. Lượng thành viên của CLB cho đến lúc này đã lên đến gần 50 người, đến từ nhiều địa phương trong cả nước.
Quốc Toản
(Tổng hợp)