Mua xe nhập khẩu: Cẩn thận không thừa!

Khá đông người Việt có tâm lý sính ngoại bởi nền công nghiệp ô tô trong nước còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng.  

 
Trên thị trường hiện có hai nguồn chính cung cấp xe ngoại cho thị trường Việt Nam: nhập khẩu chính hãng thông qua đơn vị uỷ quyền, và nhập khẩu bởi các công ty thương mại.
 
Xe do các đơn vị nhập khẩu độc lập phân phối nhiều khi có giá bán thấp hơn xe nhập khẩu chính hãng từ vài trăm tới cả ngàn USD, nên vẫn được người tiêu dùng quan tâm hơn. Tuy nhiên, việc mua xe nhập khẩu không chính hãng ẩn chứa nhiều rủi ro và bất lợi mà tại thời điểm mua xe, người tiêu dùng khó có thể lường trước.
 
Thiệt thòi đầu tiên và lớn nhất của khách mua xe nhập khẩu không chính hãng là không được hưởng đầy đủ chế độ bảo hành, bảo dưỡng toàn cầu của nhà sản xuất.
 
Mua xe tại các đơn vị nhập khẩu chính hãng, khách hàng có cơ hội
hưởng dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng chuyên nghiệp hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.
 
Khi mua xe, nhiều người quan tâm tới giá cả hơn là chế độ bảo hành, vì tin rằng một chiếc xe đời mới có thể chạy “ngon lành” ít nhất 5 năm mới phải tính chuyện sửa chữa, thay thế phụ tùng. Xe hỏng thì sửa đâu chẳng tốn tiền, còn giá rẻ thì không phải đại lý nào cũng có - đó là suy nghĩ khiến không ít khách hàng dễ "mềm lòng" khi được một đại lý không chính hãng chào bán xe với giá thấp hơn xe chính hãng từ vài trăm đến cả ngàn USD.
 
Tuy nhiên, sự cố thu hồi xe của Toyota cách đây không lâu đã khiến nhiều người tiêu dùng giật mình cân nhắc lại ý định mua xe nhập khẩu không chính hãng.
 
Thêm vào đó, trong quá trình sử dụng, khi xe cần thay thế phụ tùng, đặc biệt là với xe còn trong thời hạn bảo hành, khách hàng dễ dàng tìm thấy sự an tâm và thuận tiện ở xưởng dịch vụ của đơn vị nhập khẩu chính hãng, hơn là với các nhà nhập khẩu nhỏ lẻ. Tại các xưởng dịch vụ không chính hãng, nhiều khách hàng do không am hiểu kỹ thuật và không tìm hiểu kỹ thông tin đã đồng ý để thợ lắp phụ tùng, linh kiện không tương thích, làm giảm tuổi thọ xe.
 
Hiểu rõ băn khoăn này của người tiêu dùng, một số đơn vị nhập khẩu độc lập lớn đã mở xưởng dịch vụ để tạo sự an tâm cho khách hàng, nhưng nhìn chung quy mô và tính chuyên nghiệp không bằng xưởng của nhà nhập khẩu chính hãng. Trong khi đó, vẫn còn nhiều đơn vị nhập khẩu nhỏ lẻ hoàn toàn không có xưởng dịch vụ, nên việc chăm sóc khách hàng hầu như chấm dứt kể từ khi hoàn tất hợp đồng mua bán và giao xe cho khách.
 
Ngược lại, hiện nay đa số đơn vị nhập khẩu và phân phối ô tô chính hãng đều có xưởng dịch vụ đạt tiêu chuẩn toàn cầu, như Hyundai Thành Công, Việt Nam Star, Nissan Cường Thanh, Nissan Hà Đông...
 
 
Đại lý 3S tiêu chuẩn toàn cầu của các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng có trang thiết bị hiện đại để kiểm tra xe.
 
City showroom của Việt Nam Star Hà Nội, nhà phân phối chính thức xe Mercedes-Benz, thậm chí còn có dịch vụ tiếp nhận xe cần bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa khi khách hàng không có nhiều thời gian mang xe tới xưởng dịch vụ của công ty tại KCN Hà Nội Đài Tư, Long Biên. Xưởng dịch vụ Autohaus của Vietnam Star Hà Nội đáp ứng được mọi tiêu chuẩn quốc tế của một Autohaus Mercedes-Benz về cả hai chức năng bán hàng và hậu mãi.
 
 
Tuy nhiên, điểm yếu chung của các nhà nhập khẩu xe chính hãng là thường xuyên xảy ra tình trạng khan hiếm hàng và danh mục sản phẩm cũng kém phong phú, đa dạng; trong khi đây chính là điểm mạnh của các nhà nhập khẩu độc lập có quy mô và hoạt động chuyên nghiệp. Đó cũng là lý do không nhỏ khiến nhiều người tiêu dùng tìm đến các salon xe nhập khẩu không chính hãng. Điều cần lưu ý ở đây là khách hàng nên tìm hiểu kỹ thông tin và lựa chọn nhà cung cấp có uy tín. Trong thời đại internet như hiện nay, việc tìm hiểu thông tin về nhà cung cấp không phải là quá khó.
 
Mặt khác, như đã đề cập ở trên, giá cả là yếu tố khá quan trọng với người mua ô tô nhập khẩu. Với xe nhập khẩu không chính hãng, khách hàng cần lưu ý kiểm tra và so sánh kỹ giá cả với danh mục trang thiết bị giữa các đại lý, vì có sự chênh lệch giá giữa các đại lý nhiều khi là do thêm/bớt vài trang bị, hoặc chất liệu da bọc ghế và "đồ chơi" trên xe khác nhau. Trước khi ký hợp đồng, giao đủ tiền cho đại lý, khách hàng cần kiểm kỹ danh sách trang thiết bị của xe, kể cả số lượng và các loại chìa khóa. Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra kỹ nguồn gốc xe nhập khẩu, và cả bản tiểu sử xe, nếu là ô tô cũ.
 
Lưu ý cuối cùng, trước khi đưa ra quyết định mua xe, khách hàng nên lấy số VIN (Vehicle Identification Number) của xe để tự kiểm tra những thông tin cơ bản về chiếc xe, như nơi sản xuất, model, loại xe, năm sản xuất, thiết kế thân xe..., đối chứng với thông tin do nhà nhập khẩu cung cấp.

 

Theo VB

bientap

Link nội dung: https://autovina.com/mua-xe-nhap-khau-can-than-khong-thua-a4549.html