Theo VAMA - tổ chức chi phối năng lực lắp ráp ô tô trong nước, nhu cầu cả ba dòng xe gồm xe hai cầu/xe đa dụng (SUV/MPV), xe du lịch và xe thương mại trong tháng qua giảm mạnh đã dẫn đến kết quả như trên.
Cụ thể, trong tháng qua số xe bán ra của các thành viên VAMA cho dòng xe đa dụng là trên 1.780 xe và xe du lịch là hơn 2.724 xe - giảm lần lượt là 22% và 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù dòng xe thương mại với số xe bán ra đến hơn 4.160 xe nhưng vẫn giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VAMA, tính dồn 8 tháng đầu năm nay, lượng xe bán ra của các thành viên VAMA đạt được gần 68.388 xe, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều dự báo cho rằng, ô tô bán ra sẽ tiếp tục giảm trong tháng 9 bởi giá ô tô đang được các nhà kinh doanh thay đổi theo hướng nhích lên, do tác động của việc điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam và đô la Mỹ.
Trung tuần tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 18.544 đồng lên 18.932 đồng/đô la Mỹ (tăng gần 2,1%) và biên độ tỷ giá giữ nguyên ở mức +/-3%.
Một số các nhà lắp ráp và nhà nhập khẩu nguyên chiếc đã thay đổi giá bán khi quy đổi từ đơn vị tiền tệ đô la Mỹ sang tiền đồng Việt Nam. Một số nhà nhập khẩu chính hãng tuy có niêm yết giá bán bằng tiền đồng, nhưng đều kèm theo các chú thích là tương đương với tỷ giá cụ thể.
Đây là lần thứ hai trong năm Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá đồng Việt Nam và đô la Mỹ. Điều này ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ô tô. Bởi vì theo lý giải của các nhà kinh doanh ô tô, bên cạnh ô tô nhập khẩu phải thanh toán bằng đô la Mỹ, thì những xe lắp ráp trong nước gần như linh kiện cũng phải nhập khầu. Do đó họ cũng bị ảnh hưởng khi tỷ giá đồng Việt Nam và đô la Mỹ tăng lên.
Theo tính toán của các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô, giá xe đã tăng bình quân khoảng 2% theo tỷ giá tăng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ.
Theo KinhteSaigon