“No Country for”… Honda
Thực ra đám đàn em của Peter Fonda và Dennis Hopper - được biết hơn dưới cặp tên Wyatt và Billy trong phim mô tô Easy Rider bất hủ - không có ý định đua với tiền bối về mặt bạo lực, song khởi đầu của cuộc hội tụ Harley-Davidson hằng năm luôn là một vụ hành hình truyền thống: giữa đêm đen, tiếng gầm rú của mấy trăm ngàn mô tô phân khối lớn khiến cả thành phố dựng dậy để chứng kiến một cảnh tượng kỳ quái - một núi xe mô tô chồng chất lên nhau bị ăn mồi lửa từ họng một khẩu súng phun lửa. Trong ánh lửa rừng rực, dễ nhận thấy các “nạn nhân” mang tên Honda, Kawasaki, Yamaha… Các nạn nhân Nhật Bản tội nghiệp ấy không có lý gì để tìm đến Sturgis trong mấy ngày này, khi tất cả chỉ xoay quanh nhãn xe huyền thoại Harley-Davidson của các cao bồi đường nhựa đến từ khắp nơi trên thế giới.
Các anh hùng xa lộ, các cao bồi đường nhựa hàng năm đều tụ hội về thánh địa Sturgis để viết tiếp huyền thoại Harley
Đến hẹn lại lên, sau sự kiện đầu tiên vào ngày 14/8/1938 là cuộc đua mô tô của câu lạc bộ Jackpine Gypsies với... 9 xe và 10 khán giả, Sturgis được chọn làm điểm hẹn của dân nghiền Harley-Davidson (gọi tắt là Harley) vào mùa Hè mỗi năm. McNenny, năm nay 77 tuổi, là một trong số 6.442 cư dân của Sturgis và chắc đã bỏ cái xứ nhà quê này đi từ lâu, nếu không nhờ sự kiện này để bán đồ lưu niệm: “Bốn tháng làm việc và tám tháng sống sung túc”. Và thế là mỗi mùa Hè quả đất bị chệch quỹ đạo đi một chút mà trung tâm địa chấn rơi vào đúng Nam Dakota, nước Mỹ, hay đúng hơn là trên một đồng cỏ ngoại ô Sturgis: khoảng 600.000 mô tô, không chiếc nào dám có buồng đốt ít hơn 1.600 phân khối, nếu tính trung bình mỗi chiếc nặng 320 cân thì tổng cộng là 200.000 tấn sắt thép, cao su và mỗi xe chở 110 cân người lái kiêm bồ bịch thì phải cộng thêm ngót 70.000 tấn thịt (và mỡ), chả trách mà hành tinh này hơi bị lung liêng chút ít! Và để phục vụ đám đông đó, Sturgis sẽ phải làm cho đủ 6 triệu bánh kẹp Hamburger, 50 triệu lít bia và nước ngọt. Tốt nhất là thôi không nên thống kê nữa. Năm nay hội Sturgis vừa kết thúc hôm 14/8.
Vui là chính
Thường ngày thì Sturgis có cả thảy 15 cảnh sát. Mỗi năm 50 tuần họ bị gọi đi xử lý mấy trò vặt vãnh như bắt mèo trèo cây không chịu xuống hay có người say rượu nằm ngoài vỉa hè. Nhưng đến tháng Tám là cảnh sát trưởng Jim Bush được đặc cách chỉ huy một đội quân vài trăm người. Riêng trong tháng này, tòa án địa phương phải giải quyết một phần ba các sự vụ của cả năm - ma túy, rượu bia, đánh lộn... duy chỉ có tai nạn giao thông thì, kỳ lạ thay, không tăng đáng kể. Các chàng cao bồi râu ria xăm trổ đầy mình trông dữ dằn, nhưng rất ngoan ngoãn nháy đèn rẽ và đi đứng từ tốn trên các tuyến đường nhựa bị nung nóng tới 50 độ C, lịch sự nhường đường cho khách bộ hành và tôn trọng cảnh sát. Ngược lại thì cảnh sát cũng rất thông cảm với đoàn ngựa sắt ô hợp. Kiểm tra kỹ thuật? Hoàn toàn không. Ống bô kêu quá to? Không thành vấn đề. Thiếu mũ bảo hiểm? Bang Nam Dakota không bắt buộc. Chỉ cần cặp kính râm cho tử tế là đủ. Thì ra cảnh sát ở Sturgis chủ yếu là đơn vị tình nguyện từ nơi khác đến làm việc ở đây, và chính họ cũng chẳng gương mẫu lắm khi mông má chiếc Harley của mình với đủ loại đèn đóm nhấp nháy. Không ai thích làm ảnh hưởng đến mấy tuần nghỉ phép trong năm của nhau.
Dân địa phương thì khỏi phải bàn. Ai cũng biết là cuộc sống bị đảo lộn vài tuần, nhưng ai cũng ít nhiều sống nhờ sự kiện này. Người ta cho thuê hết phòng, vườn, bãi đỗ, nhà kho… bất cứ diện tích nào đủ ngả lưng. Hơn nửa triệu mô tô cũng cần trạm xăng, điểm sửa chữa và rửa xe với đội phục vụ chân dài váy ngắn.
Mỗi khi Hè đến là quả đất bị chệch quỹ đạo đi một chút mà trung tâm địa chấn rơi vào đồng cỏ ngoại ô Sturgis
Đã thành “truyền thống“, đàn ông cởi trần chít khăn, đám bồ bịch mặc chaps (quần da không có phần mông của dân chăn bò) trùm lên bikini hai mảnh hay đôi khi chỉ có một mảnh. Ban ngày họ tranh thủ đến chụp ảnh ở núi Mount Rushmore có tạc hình đầu các tổng thống Mỹ hoặc xem bò rừng ở vườn quốc gia Badlands, nơi Kevin Costner từng đến quay phim Nhảy múa với bầy sói (Dances with Wolves). Tối là thời gian của các ban nhạc rock hoặc heavy metal, còn đám chân dài thì đăng ký thi đủ kiểu hoa hậu hoặc tổ chức vật nhau trong bùn.
Triết lý sống
Người ta có thể yêu hay ghét Harley-Davidson, nhưng rõ ràng phải công nhận một điều: trong một thế giới lấy cái Tôi làm trung tâm, ai đã cưỡi Harley thì vô cùng sung sướng khi không bị đụng hàng, vì hiếm khi nhìn thấy một chiếc thứ hai giống hệt như thế trên cả thế giới. Nhà sản xuất đã thành công khi cấy vào đầu óc khách hàng một ý tưởng tốn kém, đó là phương châm “Customizing” (chế theo ý khách hàng). Và chẳng mấy ai biết đó là cách kiếm tiền hữu hiệu nhất. Vì chính chủ nhân xe Harley là người cố săn lùng cho bằng được vài phụ tùng khác đời - dĩ nhiên là mua của chính hãng chứ không dùng hàng Đài Loan hoặc Hong Kong. Cuốn catalog phụ tùng mông má xe dày 832 trang! Trong đó có chừng 50.000 phụ kiện và mỗi năm được bổ sung thêm 1.000 đồ chơi nữa.
Riêng mặt này thì dân Mỹ có tinh thần ái quốc cao độ. “Made in USA” là khẩu hiệu được dân chơi Harley giương cao và lan ra toàn cầu. Năm 2009 Harley-Davidson xuất xưởng 314.000 xe, tất cả đều được sản xuất ở Mỹ, tập trung tại vùng Wisconsin thưa dân. Thương hiệu này đắt giá đến nỗi cả những nhà sản xuất tã lót trẻ con cũng trả lệ phí để in lên đó logo đỏ đen dễ nhận dạng, còn các đồ bắt buộc như mũ bảo hiểm, găng tay, kính mát… thì bán chạy quanh năm. Riêng T-Shirt giá cực “chát” (từ 30 USD trở lên) mà mỗi năm cũng bán được 11 triệu cái.
Của nào tiền ấy, đó là lý do vì sao ít thanh niên đủ tiền chơi Harley. Theo Scott Beck, sếp marketing của công ty, tuổi bình quân của khách hàng là 44,5. Do đó Harley-Davidson từ sau khủng hoảng tài chính phải đối hướng kinh doanh. Mô hình mới như Sportster 883 giá ở Mỹ chưa đầy 7.000 USD, ai ít thu nhập thì có thể trả góp (mỗi ngày 6 USD, bằng tiền một bao thuốc lá). “Chúng tôi cũng biết là số phận của động cơ đốt trong đang được đếm từng ngày”, Beck nói, “và đã chuẩn bị dài hơi”. Trong tương lai gần sẽ xuất hiện mô hình chạy động cơ điện hay hybrid (xăng - điện hay diesel - điện).
Chỉ có đám fan đang tụ họp ở Sturgis là không hoài công nghĩ đến chuyện đó. Vì sống trên Harley là sống như thể hôm nay là ngày cuối.
Theo Thể thao và văn hóa