Mẫu xe điện Nissan Leaf trên đường chạy thử tại Nhật Bản - Ảnh: Đức Thọ.
Bắt đầu manh nha từ những năm 1990 và xe điện đã nhanh chóng trở thành cái đích để hầu hết các hãng xe hướng tới. Dòng xe này thường được nhắc tới với cái tên xe “xanh”, xe thân thiện với môi trường khi thải ra lượng khí thải CO2 ít hơn hẳn các dòng xe chạy xăng hoặc dầu thông thường. Có một số dòng xe điện mới thậm chí còn không tạo ra khí thải.
Mặc dù vậy, không phải ai cũng ủng hộ dòng xe này. Một số tổ chức bảo vệ môi trường thậm chí còn cảnh báo rằng loại xe này có thể không giảm được lượng khí CO2 mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Kết luận này có thể gây sốc với không ít người. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách tổng thể, thì đây sẽ là lời cảnh tỉnh cho những ai quá hăng hái với ý tưởng cho rằng trong tương lai xe ôtô chạy điện có thể thay thế hoàn toàn những dòng xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống.
Khi nhắc tới xe điện, phần lớn mọi người đều chỉ nghĩ tới việc dòng xe này thải ít khí CO2 mà quên mất phương thức sản xuất ra nguồn điện cung cấp cho xe.
Nếu nguồn điện cung cấp cho ắc-quy của xe điện được lấy từ các nhà máy điện chạy bằng sức gió, hay thủy điện thì sẽ không tạo ra khí CO2. Tuy nhiên, lượng điện sản xuất bằng sức gió không lớn mà lại đòi hỏi đầu tư cũng như diện tích lớn. Còn thủy điện nếu phát triển quá nhiều cũng không hẳn có lợi cho môi trường vì việc ngăn đập, thay đổi dòng chảy ảnh hưởng lớn tới thiên nhiên.
Nếu nguồn điện này được sản xuất ở các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than thì lượng phát thải khí CO2 vào không khí không hề giảm mà thậm chí còn tăng.
Còn nếu điện năng đó bắt nguồn từ các nhà máy điện hạt nhân, thì có thể không phát thải khí CO2 nhưng lại là một mối nguy hiểm tiềm tàng đối với môi trường.
Các nhà bảo vệ môi trường cho rằng, nếu việc sử dụng ôtô chạy điện trở nên phổ biến thì chắc chắn sẽ dẫn đến việc sử dụng than và điện hạt nhân nhiều hơn. Không chỉ thế, việc sản xuất ắc-quy cho xe cũng là công đoạn gây nhiều ô nhiễm và tốn tiền, nhất là thiết bị trữ điện này không thể tồn tại vĩnh cửu mà thường phải thay đổi nhiều lần trong vòng đời một chiếc xe. Và điều này góp phần đẩy chi phí nuôi một chiếc xe chạy điện lên cao hơn.
Bên cạnh đó, thời gian tiêu thụ điện cũng là một hạn chế đáng nói tới. Dù các nhà hãng xe cố gắng nghiên cứu, phát triển nhằm cải thiện quãng đường xe có thể hoạt động cho mỗi lần nạp điện thì số km chạy được vẫn rất hạn chế và mới chỉ phù hợp với nhu cầu sử dụng xe trong thành phố chứ chưa thể đáp ứng nhu cầu chạy đường trường.
Bên cạnh đó, để loại xe này trở nên phổ biến, các quốc gia bắt buộc phải triển khai một mạng lưới cung ứng điện trên diện rộng cho xe.
Những lập luận trên của các nhà nghiên cứu môi trường được đưa ra không nhằm mục đích làm nản lòng các nhà sản xuất ôtô mà chỉ muốn cảnh báo rằng ôtô chạy điện chưa phải là giải pháp triệt để để cứu môi trường và không nên “mù quáng” phát triển dòng xe này khi chưa hoàn thiện giải pháp giảm hiệu ứng như kính.
Hiện, các nhà chế tạo xe hơi vẫn tiếp tục nghiên cứu cải thiện tính năng vận hành và giảm chi phí cho xe chạy điện để ngày càng hoàn thiện dòng xe này.
Theo VnEconomy