1. Lái xe trên đường đèo dốc:
Kiểm tra xe cẩn thận trước khi lên và xuống đèo: Nhiệt độ máy, áp suất dầu bôi trơn, áp suất khí nén, tămpua phanh, dầu phanh, cácđăng, xem có đủ chèn lốp không. Chất lượng phanh và lái tốt là điều kiện an toàn bắt buộc khi qua đèo, ghi nhớ nguyên tắc lên đèo số nào thì xuống đèo bằng số ấy. Nên hãm tốc bằng số và động cơ, không lạm dụng phanh, chú ý đồng hồ vòng tua và nhiệt độ máy.
Chú ý các biển báo, gương cầu. Cẩn thận với các khúc cua, con dốc - đó luôn là cạm bẫy, hạn chế vượt, chỉ vượt khi thật an toàn. Bóp còi trước khi vào cua, phải đi đúng phần đường.
Hầu hết các vụ tai nạn thảm khốc là khi đang xuống đèo, khi đó nếu phát hiện hỏng phanh cần bình tĩnh và tỉnh táo, tìm cách giảm tốc bằng động cơ, dồn số, đừng bao giờ tắt máy. Nếu không hiệu quả thì thông báo cho mọi người biết ngay để có thể tự nhẩy khỏi xe. Bật toàn bộ đèn và bóp còi ra hiệu sự cố, quan sát các biển báo đường lánh nạn hoặc địa hình thuận lợi để đưa xe vào giảm tốc. Khi không điều khiển được xe phải nhanh chóng rời xe ngay, đừng luyến tiếc tài sản.
2. Lái xe khi mưa - gió:
Khi có cơn mưa bạn phải bật đèn, giảm tốc độ, lái cẩn thận khi có giông bụi, phải tránh xa môtô xe đạp, che đậy lại hàng hoá, kiểm tra các cửa. Đường mới ướt sẽ trơn hơn nên phải xử lý phanh, lái, xi nhan sớm hơn, giữ khoảng cách lớn hơn với xe cùng chiều, dùng gạt mưa, sấy kính đúng chế độ để có tầm nhìn tốt nhất. Nếu mưa to, đừng bao giờ chạy quá 90 Km/h vì hiệu ứng trượt lướt sẽ xảy ra, nếu thấy xe tròng trành, nhớ giữ lái, giảm ga, tuyệt đối không phanh.
Đừng cho xe chạy nhanh qua những vũng nước vì xe sẽ bị lệch hướng đáng kể. Xe bạn dễ trượt hơn khi lốp mòn nhiều hoặc bị đất bám kín rãnh hoa lốp. Nên chạy ở tốc độ bằng một nửa so với bình thường. Nên chú ý đến phanh, khi bị ướt các má phanh sẽ ăn lệch hoặc không ăn sẽ rất nguy hiểm nếu phanh gấp, nên tì nhẹ vào chân phanh để sấy chúng khô trở lại. Nếu trời bão hoặc gió to tốt nhất tìm chỗ trú vì sẽ có nhiều cây đổ, dây điện chùng võng, tai nạn bất ngờ rình rập.
Nếu phải lái thì đi với tốc độ chậm, nếu xe bị lắc lư thì cố giữ lái thẳng, nếu gặp các xe tải, xe khách lớn thì tránh ra xa và giữ lái chắc vì luồng khí xoáy sau những chiếc xe này rất nguy hiểm. Nếu đi ngược chiều gió thì phải xử lý nhanh hơn. Nếu đi cùng chiều gió thì chạy chậm hơn và phanh sớm hơn. Thận trọng giảm tốc khi vào cua vì rất dễ bị nghiêng.
3. Lái xe đêm:
Chạy xe đêm nguy hiểm hơn ban ngày, tầm nhìn bị thu hẹp rất nhiều, nhất là trên đường thiếu đèn cao áp hoặc đường quê. Khi trời nhá nhem nhớ bật đèn đăng-téc và giảm tốc, bỏ kính râm, khi trời tối thì bật đèn phù hợp, dùng tín hiệu đèn là chính khi tránh, vượt, gặp xe ngược chiều. Không đi nếu đèn không đảm bảo.
Luôn nhìn vào đường chân của bóng tối trên nền đường, khi gặp xe ngược chiều, bật đèn cốt, đừng nhìn trực tiếp vào đèn pha xe đó, mà nhìn chéo sang phải vào cạnh đường, vạch sơn trắng hoặc hàng cọc tiêu để căn lái, khi đến ngang nhau bật ngay đèn pha để quan sát đường (Khắc phục khoảng mù của mắt người). Chỉ dừng xe khi thật cần thiết, nhớ tắt đèn pha, chỉ để đèn đăng téc và xi nhan đi thẳng.
4. Lái xe khi bị nắng chói:
Thường gặp khi sáng sớm hoặc chiều muộn. Lau kính trước sạch, dùng kính râm, chắn nắng. Nếu xe ngược chiều hoặc xe sau bạn bị chói nắng thì cẩn thận trước khi rẽ vì họ khó phát hiện ra bạn đang bật đèn xinhan. Nên đi với tốc độ vừa phải vì tầm nhìn bị hạn chế.
5. Lái xe trong sương mù:
Lời khuyên tốt nhất là đừng lái, nếu phải lái thì nên bật cả đèn cốt, đăng téc, đèn sương mù, xinhan đi thẳng. Nên đi theo đoàn, cách nhau một tầm nhìn, kiên nhẫn đi với tốc độ chậm, không dùng radio, điện thoại; dùng gạt mưa, sấy kính đúng chế độ để có tầm nhìn tốt nhất, dù rất vội cũng không nên vượt. Đừng dừng xe, nếu xe bị hỏng thì cố gắng đưa xe vào bên phải lề đường, cùng mọi người rời xe càng sớm càng tốt để tránh nguy hiểm, chỉ đến khi trời quang hãy sửa xe.
Chú ý với những quãng đường sương mù hoặc khói xuất hiện theo từng đoạn cách nhau, phải giảm tốc ngay vì sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu trong đám mù là chướng ngại vật, người đi bộ hoặc hướng đi thay đổi, đáng sợ nhất là một vụ tai nạn đã nằm đó từ trước.
6. Lái xe trên đường trơn lầy:
Chuyển về số nhỏ, giữ vôlăng thẳng, đi ga nhẹ, tránh làm bánh xe bị trượt (Patinê), cho xe di chuyển đều càng xa càng tốt. Nếu bị trượt thì nhẹ nhàng lùi lại một quãng đến chỗ đường bám tốt rồi mới tiến lên đến khi xe vượt qua được chỗ lầy. Dùng các mảnh ván, cành cây, cát… lót dưới bánh xe bị trượt để tăng ma sát hoặc dùng sợi xích, thừng quấn vào lốp để vượt qua quãng lầy. Nếu không được thì tìm xe khác kéo hoặc nhờ người hỗ trợ.
7. Phòng tránh lửa:
Thực tế nhiều xe đang sử dụng thì bị cháy, nguyên nhân có thể do chập điện trên xe, tiếp xúc gần với nguồn điện cao thế bên ngoài, xe bị rơm quấn vào trục và ống xả gây cháy, sơ suất khi đốt nến khử mùi trên xe… Khi thấy xe cháy, dừng lại và tắt máy ngay, sơ tán hành khách, dùng bình chữa cháy và các phương tiện khác để dập lửa. Nếu cháy lớn không dập được thì tránh xa vì khói độc và nguy cơ nổ, không dùng nước để chữa cháy cho xăng và dầu. Gọi 114 để xin xe cứu hoả.
8. Phòng tránh nước:
Xe ô tô của bạn không phải được thiết kế để lội nước. Theo thống kê của chúng tôi, cứ sau mỗi trận Hà Nội mưa to thì có hàng chục ô tô phải gọi cứu hộ 116, có chiếc phải sửa tốn kém đến cả trăm triệu đồng. Nước rất có hại với các ổ bi, ổ bạc dưới gầm xe, ảnh hưởng đến máy đề máy phát, các cánh quạt, các linh kiện điện, các cảm biến rất dễ hỏng, nước làm giảm hiệu lực của ly hợp, phanh. Nếu mức nước cao sẽ bị hút vào đường hút gió của máy và làm máy hỏng, nhẹ thì cong biên, nặng thì hỏng trục cơ, vỡ block máy. Vì vậy bạn phải hiểu rõ đầu ống hút gió của xe bạn ở vị trí nào.
Khi trời mưa to nên để xe nơi cao, nếu phải dùng xe thì chọn các tuyến đường ít ngập. Còn khi bắt buộc phải lội nước thì nếu mức nước cao trên trục láp là mức nguy hiểm, tắt AC, đi số 1, chạy đều ga giữ cho nổ tròn máy, đi thật chậm và ra hiệu cho xe ngược chiều cùng đi chậm tránh tạo sóng cao. Nếu nước cao đến giữa Padeshock thì tốt nhất là tắt máy, đẩy xe qua nơi nguy hiểm, rồi kiểm tra bầu lọc gió xem có nước vào không, sau khi khởi động xe và đi, nhớ đạp nhẹ rà phanh một lúc cho má phanh khô. Nếu không may xe chết máy thì tuyệt đối không tìm cách khởi động lại, rút chìa khoá, đẩy xe lên chỗ cao phòng tránh bị trôi dạt và gọi Cứu hộ 116 ngay. Trong trường hợp vượt ngầm thì chỉ cho xe qua khi chắc chắn đã kiểm tra kỹ đường, tháo curoa cánh quạt, cho xe đi hơi chếch ngược hướng dòng nước, không được để chết máy giữa dòng.
9.Xử lý tai nạn:
Chắc chắn không lái xe nào muốn xảy ra tai nạn, nhưng thực tế nó luôn rình rập mọi người, mỗi tháng bình quân tại Việt Nam có khoảng 2000 vụ TNGT. Khi không may xe bị tai nạn bạn phải dừng xe ngay và nên làm theo các lời khuyên sau:
Có người bị thương: Bằng mọi cách, càng sớm càng tốt, cứu người ra khỏi xe, gọi 115 nếu thấy cần thiết, đưa ngay nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để sơ cứu, kiểm tra tư trang bàn giao cho bệnh viện và nhờ thông báo cho người nhà nạn nhân. Để số điện thoại của bạn lại cho bệnh viện. Nếu mức độ nghiêm trọng, bạn có thể nhờ người khác giải quyết hộ và xin phép CSGT tạm tránh mặt.
Xe ô tô, xe máy bị hỏng: Giữ nguyên hiện trường, bật tất cả đèn xi nhan, khoá các cửa, bẻ cành cây làm các biển cảnh báo nguy hiểm, cử người trông coi tài sản, giữ gìn xe, tư trang hàng hoá và các đồ có giá trị cẩn thận. Báo cho CSGT đến. Gọi điện cho Bảo hiểm để xin tư vấn cách giải quyết và xin hỗ trợ. Thông báo cho cơ quan và gia đình cử người đến. Luôn tỉnh táo khi xem xét và ký vào các biên bản. Sau khi CSGT làm nhiệm vụ tại hiện trường xong và yêu cầu chuyển phương tiện về kho bãi, bạn phải kiểm tra ô tô cẩn thận.
Tú Xe
- St-