Telegraph cho biết, trong thập niên 80 của thế kỷ trước khói từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá gây nên mưa axit sulphuric (H2SO4). Nhiều khu rừng bị tàn phá nặng nề khi loại mưa axit này ập xuống. Sau đó chính phủ nhiều nước buộc các nhà máy nhiệt điện đặt thiết bị lọc khí SO2 trên các ống khói để ngăn chặn sự hình thành của mưa axit.
Sự hiện diện của thiết bị lọc khiến số trận mưa axit sulphuric giảm mạnh, nhưng một dạng khói khác lại đang trở thành nhân tố đáng lo ngại. Đó là khói xe ô tô. Các động cơ đốt trong của ô tô thải ra khí nitơ dioxide (NO2).
Một báo cáo trên tạp chí Scientific American của Mỹ cảnh báo rằng khí NO2 trong khói xe và phân bón hóa học đang tích tụ trong khí quyển và tạo nên mưa axit nitric (HNO3). Loại mưa này có thể giết chết cây cối, cá. Khi rơi xuống đất, mưa axit có thể giúp nhiều chất khoáng có hại hòa tan vào những nguồn nước.
William Schlesinger, chủ tịch Viện Nghiên cứu hệ sinh thái Cary tại Mỹ, khẳng định mưa axit nitric có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng như mưa axit sulphuric.
“Cả hai đều là axit mạnh và gây nên vô số vấn đề nghiêm trọng đối với môi trường”, ông phát biểu.
Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ cho biết, phân bón hóa học là nguồn phát thải nhiều khí NO2 nhất. Khói ô tô và khói từ nhà máy nhiệt điện được xếp ở vị trí thứ hai và thứ ba.
Giáo sư Schlesinger lo ngại lượng khí nitơ do ô tô thải ra sẽ tăng trong tương lai vì ngày càng có nhiều ô tô được đưa vào sử dụng. Chiều dài quãng đường mà con người di chuyển bằng ô tô cũng tăng theo thời gian.
Theo VNE