Sản phẩm nhíp giảm sóc ô tô của một doanh nghiệp cơ khí trong nước. Ảnh Đình Quý
Ba cuộc triển lãm về xe hơi, xe máy đều diễn ra trong tháng 6 này phần nào nói lên sự đa dạng của các doanh nghiệp sản xuất thương mại và nhu cầu của thị trường 86 triệu dân. Không có tên tuổi bằng AutoExpo hay AutoPetro, Sài Gòn Autotech diễn ra tại Tân Bình dù quy mô nhỏ nhưng cũng có đến 40 doanh nghiệp kinh doanh phụ tùng tham gia.
Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng các gian hàng trưng bày phụ tùng, ông Trần Ngọc Tuấn, phụ trách bán hàng của chi nhánh công ty An Phát tại TP.HCM (chuyên cung cấp các thiết bị sản xuất phụ tùng cho xe hơi, xe gắn máy) nhận xét: “Với kinh nghiệm và hiểu biết của tôi về lĩnh vực phụ tùng xe hơi, xe gắn máy, những gì mà các doanh nghiệp kinh doanh phụ tùng đang trưng bày tại đây, toàn bộ được nhập khẩu từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc… Thực chất, các doanh nghiệp bên Thái Lan, Malaysia cũng nhập hàng từ Trung Quốc, rồi đóng gói, in bao bì bằng tiếng Thái Lan, sau đó xuất sang Việt Nam”.
Đứng trước gian hàng trưng bày những mẫu xe “Rebel USA”, nghe nhân viên phụ trách gian hàng nói với đám đông: “70% nhập từ nước ngoài (không rõ từ nước nào – phóng viên), 30% còn lại là ốc vít, ruột và vỏ… từ các doanh nghiệp trong nước sản xuất”, ông Tuấn đã nói thẳng với ông chủ vừa ghé đến gian hàng: “Trừ cụm máy, phần còn lại của chiếc xe này được sản xuất tại khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM)”. Ông chủ gật đầu xác nhận là đúng.
Ông Tuấn phân tích: các doanh nghiệp tại Việt Nam làm được khá nhiều trong cấu thành một chiếc xe máy nhưng đó là các doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu đến từ Trung Quốc. Ông Trần Thế Khanh, trưởng phòng kinh doanh công ty thiết bị Minh Giang bổ sung thêm: “Tại các khu công nghiệp như Hố Nai, Amata, Biên Hoà 2 (thuộc tỉnh Đồng Nai) có khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài sản xuất linh kiện cho xe máy, xe hơi. Nhiều hãng sản xuất (thực chất là lắp ráp) xe hơi có danh tiếng tại Việt Nam cũng đặt hàng chỗ họ. Điều tôi ngạc nhiên là cỡ nào họ cũng làm được. Giá cao hàng tốt. Giá thấp, chất lượng thấp…”
Giới sản xuất linh kiện cho xe máy Việt Nam không quên được câu chuyện nhà máy cơ khí Thăng Long sản xuất khung sườn xe gắn máy cho Honda Việt Nam nhưng khi các doanh nghiệp Trung Quốc chào hàng với chất lượng tương đương mà giá chỉ bằng 1/2 thì Honda buộc phải chọn đối tác nào có giá rẻ hơn. Gần đây, có một doanh nghiệp cơ khí trong nước sản xuất được máy mở vỏ xe hơi, bán được khá nhiều hàng. Nhưng khi doanh nghiệp Trung Quốc vào cuộc với giá bán thấp hơn giá xuất xưởng của doanh nghiệp Việt, thì nhà sản xuất Việt khó lòng cạnh tranh.
Với năng lực về công nghệ, vốn, quy mô sản xuất… thực tế, rõ ràng doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho ngành xe hơi, xe máy khó có thể tồn tại được trước sự bành trướng của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó, phần lớn đến từ Trung Quốc. Nếu có thể, chỉ là những phụ kiện bán lẻ cho người tiêu dùng với giá trị thấp, từ vài chục ngàn cho đến vài trăm ngàn đồng. Còn sân chơi những mặt hàng có giá trị lớn, số lượng nhiều, các doanh nghiệp Việt chỉ là khán giả.
Autovina
Theo SGTT