Người dân có quê cách xa nơi làm việc, sinh sống thường lựa chọn phương tiện công cộng như máy bay, tàu hỏa để di chuyển về nhà dịp Tết, điều này đồng nghĩa với việc chiếc xe máy dùng đi làm hàng ngày sẽ được tạm "nghỉ ngơi" trong những ngày Tết.
Thế nhưng việc không sử dụng xe máy trong một khoảng thời gian dài và thiếu đi các biện pháp chăm sóc xe đúng cách có thể khiến "xế cưng" bị hỏng sau dịp Tết. Sau đây là những lưu ý để bảo quản xe máy để lâu không sử dụng.
Vệ sinh sạch sẽ
Đất, cát và các chất bẩn bám lên xe lâu ngày có thể gây ăn mòn cũng như tổn hại đến bề mặt của động cơ, lớp sơn phương tiện. Ngoài ra, một chiếc xe không sạch sẽ là điều kiện lý tưởng đến trở thành nơi trú ngụ của gián, chuột...
Việc rửa xe có thể tự làm tại nhà nếu có đủ không gian và dụng cụ, chủ xe cần vệ sinh kỹ các vị trí như hốc bánh, bên dưới động cơ cũng như bên trong hộc chứa đồ. Cần lựa chọn dung dịch rửa xe hợp lý, không nên dùng các loại có tính tẩy quá cao vì có thể gây tổn hại bề mặt sơn.
Trong trường hợp không có thời gian, các tiệm rửa xe là giải pháp tốt nhất. Chi phí rửa xe máy phổ thông tương đối rẻ, dao động 30.000-45.000 đồng, xe số có giá rửa rẻ hơn xe tay ga.
Sau khi rửa, chủ phương tiện cần lau xe khô ráo, hạn chế được tình trạng ăn mòn, gỉ sét về lâu dài. Có thể phun một lớp màng dầu mỏng lên toàn bộ xe, việc làm này sẽ giúp chiếc xe có thêm "lớp áo" bảo vệ, các chất bẩn không tiếp xúc trực tiếp với bề mặt xe. Tuy nhiên, màng dầu sẽ khiến xe nhanh bám bụi hơn.
Sử dụng chân chống giữa
Hầu hết xe máy phổ thông đều được trang bị 2 loại chân chống là nghiêng và giữa, trong đó loại chân chống nghiêng được sử dụng nhiều hơn vì dễ thao tác, không cần dùng nhiều lực. Trong trường hợp đỗ xe lâu ngày, nên cân nhắc dùng chân chống giữa.
Ưu điểm của chân chống giữa là giúp phương tiện được dựng đứng, điều này cho phép hệ thống treo trước được phân bổ đều khối lượng cho cả 2 bên giảm xóc, hạn chế tình trạng nhanh hỏng một bên giảm xóc.
Bên cạnh đó, chân chống giữa cũng giúp giảm khối lượng tác động lên lốp và hệ thống treo sau. Vì giảm lực đè lên lốp cũng giúp tránh được tình trạng lốp bị phù sau một thời gian dài không sử dụng. Chủ xe cũng nên kiểm tra áp suất lốp thường xuyên để kịp thời phát hiện lốp bị non hơi hoặc quá căng, nếu để 2 tình trạng này diễn ra lâu dài cũng khiến lốp nhanh hỏng.
Ngắt các thiết bị tiêu thụ điện
Các thiết bị điện trên xe máy có thể hoạt động được nhờ vào 2 nguồn điện chính là điện máy và điện bình ắc-quy, điện máy chỉ có khi xe được khởi động. Nếu như xe có lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện liên tục như định vị, chủ phương tiện nên cân nhắc ngắt kết nối thiết bị với bình điện để hạn chế tình trạng hết điện bình ắc-quy.
Trong trường hợp không sử dụng xe một thời gian dài, lượng điện trong bình ắc-quy cũng sẽ tự động giảm dần. Tốc độ giảm điện của bình ắc-quy tỷ lệ thuận với tuổi thọ bình. Thông thường, bình ắc-quy có thể sử dụng khoảng 4 năm.
Nếu bình ắc-quy cạn điện và xe không thể đề nổ, có thể khởi động xe bằng cách đạp nổ đối với xe được trang bị cần đạp hoặc đẩy nổ đối với xe số. Trường hợp xe tay ga không có cần đạp bị hết bình, cách duy nhất để khởi động xe là sạc lại bình ắc-quy.
Chủ xe có thể tự mua thiết bị sạc bình ắc-quy tại nhà với chi phí chỉ từ 200.000 đồng, hầu hết thiết bị sạc bình ngày nay đều có tính năng chống cắm sai cực nên việc tự sạc khá dễ dàng. Nếu không muốn mua, chủ phương tiện có thể mang bình đến các cửa hàng sửa xe để sạc với chi phí khoảng 50.000 đồng/lần.
Zing
Link nội dung: https://autovina.com/ban-can-biet-cach-bao-quan-xe-may-khi-ve-que-nghi-tet-a23925.html