Những lầm tưởng thú vị trong văn hóa ô tô

Có những điều lầm tưởng trong văn hóa xe hơi kéo dài hàng chục năm và vẫn có nhiều người tin về nó.

Người Mỹ không thích xe dẫn động cầu trước
 
Lầm tưởng: Những người lái xe ở Mỹ không thích, không quan tâm đến những chiếc xe dẫn động cầu trước. Họ chỉ thích những chiếc xe dẫn động cầu sau, trang bị động cơ V8 dung tích lớn. Hoặc nếu là xe bán tải thì phải sử dụng hệ thống dẫn động bốn bánh.
Cadillac Eldorado là một chiếc xe dẫn động cầu trước đậm chất Mỹ. Ảnh: Autocar
Sự thật: Ngày nay, có rất nhiều xe dẫn động cầu trước được bán ở Mỹ, người Mỹ không hề có thành kiến đối với loại xe này. Thậm chí 3 mẫu xe sedan bán chạy nhất tại Mỹ năm 2020 là Toyota Camry, Honda Civic và Toyota Corolla đều là xe dẫn động cầu trước.
 
Và trong quá khứ cũng vậy, có rất nhiều mẫu xe dẫn động cầu trước xuất sắc được sản xuất tại đây. Ví dụ như mẫu Cadillac Eldorado, sử dụng động cơ V8 dung tích 8.2 lít, dẫn động cầu trước được sản xuất từ năm 1967 đến năm 2002, hoặc mẫu Cord L-29 sản xuất năm 1929.
 
Cách đặt tên của hãng xe Aston Martin
 
Lầm tưởng: Mọi người cho rằng cái tên Aston Martin của hãng xe Anh quốc được đặt bằng cách ghép tên của người sáng lập Lionel Martin và Aston Clinton, một thị trấn nhỏ tại Anh.
Ngay cả người Anh cũng lầm tưởng về cách đặt tên của Aston Martin. Ảnh: Autocar
 
Sự thật: Từ Martin đúng là được lấy từ tên của người sáng lập hãng xe nhưng Aston lại có nguồn gốc từ Aston Hill, tên một giải đua mà Lionel Martin đã tham gia và giành chiến thắng.
 
Tên của Chevrolet Nova có nghĩa là "Xe không chạy"
 
Lầm tưởng: Nhiều người nói rằng chiếc Chevrolet Nova không thể bán chạy ở các nước nói tiếng Tây Ban Nha vì "No va" trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "Xe không chạy".
 
Chevrolet Nova có nghĩa là ngôi sao vụt sáng. Ảnh: Autocar
Sự thật: Thực tế là trong tiếng Tây Ban Nha, từ "Nova" với trọng âm ở đầu âm tiết đồng nghĩa với từ "Nova" trong tiếng Anh, có nghĩa là một ngôi sao vụt sáng. Cách phát âm giữa "Nova" và "No va" hoàn toàn khác nhau và những người nói tiếng Tây Ban Nha không bao giờ nhầm lẫn giữa 2 từ này.
 
Đường đua xe Drag có chiều dài đúng bằng 1/4 dặm
 
Lầm tưởng: Đua xe Drag là một loại hình đua xe thể thao phổ biến tại Mỹ từ những năm thập niên 50. Thể thức thi đấu của đua xe Drag khá đơn giản, các tay đua sẽ chạy trên một đường đua thẳng tắp, chiều dài của đoạn đường đua là 1/4 dặm (1320 feet). Với các giải đua nghiệp dư, chiều dài của đường đua có thể thay đổi nhưng ở các giải đấu chuyên nghiệp quãng đường 1320 feet là bất biến.
 
Kỷ lục về tốc độ trên đường đua Drag thuộc về chiếc Chevrolet Camaro Funny Car. Ảnh: Autocar
 
Sự thật: Từ sau cái chết của tay đua Scott Kalitta năm 2008, ban tổ chức đã yêu cầu rút ngắn chiều dài của đường đua xe Drag xuống chỉ còn 1000 feet (khoảng 304m) để đảm bảo an toàn cho các tay đua. Mặc dù chiều dài đường đua ngắn hơn, thế nhưng kỷ lục về tốc độ lại không hề giảm xuống. Tay đua Robert Hight đã lập được kỷ lục 546 km/h trên đường đua này với chiếc Chevrolet Camaro Funny Car vào năm 2017.
 
Tất cả xe Ford Model T đều màu đen
 
Lầm tưởng: Trong cuốn tự truyện "My Life and Work" xuất bản năm 1922, Henry Ford viết rằng ông đã thông báo cho nhân viên của mình về quyết định chỉ tập trung vào sản xuất một chiếc xe – chiếc Ford Model T, và nói thêm "Bất kỳ khách hàng nào cũng có thể có chọn màu xe yêu thích, miễn là anh ấy thích màu đen"
 
Điều này làm mọi người cho rằng tất cả các xe Ford Model T sản xuất ra đều được sơn màu đen. Lý do là khi thực hiện sơn xe bằng phương pháp phun sơn, màu đen chính là màu khô nhanh nhẩt, giúp đẩy nhanh tốc độ sản xuất.
 
Ford Model T còn được bán với nhiều màu sơn khác nhau. Ảnh: Autocar 
Sự thật: Ford Model T được sản xuất bắt đầu từ năm 1908, thế nhưng trong 6 năm đầu sản xuất, Ford Model T không hề có màu đen, chỉ từ năm 1914 trở đi, dòng xe này mới được sơn đen hoàn toàn. Vì vậy, đúng là đa số Ford Model T có màu đen, nhưng không phải là tất cả.
 
Mũi tên bạc là biệt danh của xe đua Mercedes
 
Lầm tưởng: Mũi tên bạc (Silver Arrow) là tên gọi của những chiếc xe đua Mercedes do Lewis Hamilton, Nico Rosberg, Valtteri Bottas và George Russell điều khiển trong các giải đua xe.
 
Đội đua Mercedes đã giành được nhiều danh hiệu vô địch với cái tên này trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2020. Cái tên này đã không được sử dụng gần đây vì lớp sơn bạc đã được thay bằng màu đen vào đầu mùa giải 2020 như một tuyên bố của Mercedes chống lại sự phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, câu chuyện về Mũi tên bạc trên thực tế còn dài hơn nhiều.
 
Cái tên "Mũi tên bạc" không phải là sở hữu riêng của Mercedes. Ảnh: Autocar
 
Sự thật:  Cái tên Mũi tên bạc được sử dụng lần đầu vào giai đoạn 1934-1939. Nó không phải để chỉ riêng những chiếc xe đua của Mercedes mà còn để nói tới xe đua của Auto Union (Audi ngày nay). Hai hãng xe này đã làm mưa làm gió ở các giải đua GP trong thời kỳ đó.
 
Tới thập niên 50, cái tên Mũi tên bạc lại được sử dụng để đặt biệt danh cho chiếc xe đua W196 F1 của Mercedes. Những chiếc Mercedes gần đây chính là thế hệ thứ 3 được đặt biệt danh này.
 
Toyota Corolla là mẫu xe bán chạy nhất thế giới
 
Toyota Corolla được coi là dòng xe bán chạy nhất thế giới.Theo một báo cáo của hãng Toyota vào tháng 8 năm 2021, doanh số của Toyota Corolla đã vượt quá 50 triệu chiếc, hơn 10 triệu chiếc so với tổng của cả 2 dòng xe huyền thoại là Volkswagen Beetle và Ford Model T.
 
Tuy nhiên, một số người đang nghi ngờ cách tính của Toyota là không khách quan.
 
Những chiếc Toyota Corolla đời 1966 hoàn toàn khác biệt so với thế hệ hiện tại. Ảnh: Autocar
 
Sự thật: Dòng xe Toyota Corolla được sản xuất từ những năm 1966 và trải qua 12 thế hệ sản phẩm khác nhau. Ngoại trừ cái tên, thế hệ hiện tại của Corolla không còn giữ lại chút tương đồng nào so với các sản phẩm đời đầu. Ngược lại, những chiếc Ford Model T và Volkswagen Beetle thay đổi rất ít trong dòng đời sản phẩm của nó.
 
Không có gì nghi ngờ về số lượng những chiếc xe Toyota Corolla được bán ra trên thế giới, thế nhưng sẽ là khách quan hơn nếu coi những thế hệ sản phẩm của Toyota Corolla là những dòng xe riêng biệt.
 
Động cơ V12 là công nghệ độc quyền của các hãng xe Italia
 
Lầm tưởng: Không có gì đậm chất Ý hơn động cơ V12 đến từ các siêu xe của Ferrari, Lamborghini, Maserati và Alfa Romeo. Đến nỗi, nhiều người còn cho rằng động cơ V12 là công nghệ độc quyền của các hãng xe nước này.
Một chiếc Jaguar E-Type trang bị động cơ V12. Ảnh: Autocar
Sự thật: Đúng là có rất nhiều siêu xe trang bị động cơ V12 đến từ Ý, thế nhưng người Ý không sở hữu riêng công nghệ này. Các hãng xe khác như BMW, Cadillac, Jaguar , Toyota... cũng sản xuất động cơ V12. Thậm chí người Ý cũng không phải là những người đầu tiên phát minh ra động cơ V12. Động cơ V12 đầu tiên trên thế giới được hãng Putney Motor Works chế tạo tại London, Anh vào năm 1904. Tới năm 1947, Ferrari mới bắt đầu đưa động cơ này lên sản phẩm của mình.
vietnamnet

Link nội dung: https://autovina.com/nhung-lam-tuong-thu-vi-trong-van-hoa-o-to-a23491.html